Trong một thông báo mới đây, ứng dụng gọi xe Grab cho biết hãng sẽ triển khai thử nghiệm mô hình GrabKitchen tại quận Thủ Đức, nhằm đưa những nhà hàng, quán ăn yêu thích đến gần hơn với khách hàng khu vực này.
Grab cho biết sẽ hỗ trợ địa điểm, cơ sở vật chất cho các quán ăn tại khu "Foodcourt" Thủ Đức sắp mở. (Ảnh minh hoạ: Phúc Minh).
Đại diện Grab cho biết mô hình này sẽ quy tụ một số nhà hàng, quán ăn có lượng đặt hàng cao, được nhiều khách hàng yêu thích trên nền tảng giao nhận thức ăn GrabFood mà hãng đang vận hành.
Điểm đặc biệt là các cửa hàng này sẽ được đặt tại một địa điểm duy nhất nằm trong khu vực đông dân cư. Trước mắt, Grab sẽ triển khai mô hình tại quận Thủ Đức.
Thủ Đức nằm khá xa khu vực trung tâm TP HCM, vì vậy, không có quá nhiều nhà hàng, quán ăn của các thương hiệu tập trung tại khu vực này. Để chọn được một số cửa hàng, quán ăn tại các quận 1, 3, khách hàng thường e ngại do đường xa, ảnh hưởng thời gian chờ đợi và chất lượng món.
"Thông qua việc hỗ trợ địa điểm và cơ sở vật chất, Grab tạo điều kiện cho các đối tác này tiếp cận với tập khách hàng mới, nâng cao hiệu quả kinh doanh", đại diện Grab cho biết.
Đồng thời, theo ứng dụng, các tài xế cũng sẽ rút ngắn được thời gian giao hàng, tạo điều kiện thức ăn sớm đến tay người mua.
Như vậy với mô hình này, Grab đã nâng lên một bước, đầu tư cho các thương hiệu, quán ăn cả địa điểm và cơ sở vật chất kinh doanh, tập trung các cửa hàng này vào cùng một khu vực kinh doanh (không phải là đơn vị trực tiếp kinh doanh nhà hàng).
Trước đó, gã khổng lồ về gọi xe công nghệ này đã tăng sự hiện diện tại con đường chuyên về ẩm thực Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM, khi một loạt các cửa hàng ở khu vực này đều "thay áo" bằng màu xanh lá đặc trưng của Grab.
Danh sách các cửa hàng có dấu hiệu nhận diện của Grab tại đây khá đa dạng từ quán cà phê bình dân, nhà hàng đặc sản vùng miền đến thương hiệu gà rán lớn.
Một quán cà phê bình dân thay "áo mới" của Grab nằm trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Phúc Minh).
Đđại diện một quán cà phê cho biết cửa hàng nhận được sự tài trợ của Grab về in ấn, trang trí và lắp đặt bảng hiệu nhằm tăng cường tính nhận diện, hút khách hàng hơn.
Các cửa hàng này đều có mặt trên ứng dụng giao nhận thức ăn của Grab. Vì vậy, việc trang trí mang phong cách Grab có thể khiến việc kinh doanh, hợp tác giữa hãng và các cửa hàng tốt hơn.
Như vậy, không dừng ở việc hỗ trợ trang trí các cửa hàng lẻ, Grab đã bắt đầu tính đến việc hỗ trợ cả mặt bằng, để nhiều thương hiệu cùng lúc quy tụ tại một khu vực, theo hình thức Foodcourt nhưng không có bàn, ghế để ngồi, chỉ đặt và giao thức ăn tận nơi.
Trong một thông báo mới đây, đại diện Grab cho biết tổng giá trị giao dịch của dịch vụ giao nhận thức ăn tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019. Số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn.
Thu nhập ròng của đối tác kinh doanh GrabFood tăng khoảng 300% sau vài tháng tham gia nền tảng.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết cuối năm nay, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD. Đồng thời, 5 năm tới, Grab cũng cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam.
Khoản đầu tư này được sử dụng để mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử…