Sau thoả thuận giai đoạn 1, Trung Quốc còn 'ăn cắp' công nghệ Mỹ nữa không?

Vấn đề “ăn cắp” công nghệ từ lâu là mấu chốt quan trọng trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc suốt hơn 2 năm qua. Sau thoả thuận giai đoạn 1, vẫn còn nhiều điều mơ hồ về vấn đề nhạy cảm trên.

Thỏa thuận thương mại mới giữa Washington và Bắc Kinh một phần nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối nhất giữa họ: chiến thuật của Trung Quốc trong việc mua lại công nghệ từ các công ty ở phương Tây. Thời Báo New York nhận định: "Đó là một chủ đề gai góc, và một chủ đề khó có thể được giải quyết hoàn toàn với một hiệp ước thương mại".

Trung Quốc "ăn cắp" công nghệ Mỹ như thế nào?

Chính quyền Tổng thống Trump đổ lỗi cho Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại của phương Tây, và họ đã sử dụng những cáo buộc đó làm cơ sở pháp lí khởi động cuộc chiến thương mại gần 2 năm trước. Nền tảng của những lo ngại này, là Trung Quốc đã nhiều lần phô bày rằng họ có thể có được công nghệ, và xây dựng nền tảng cạnh tranh với các công ty Mỹ, thông qua các khoản trợ cấp chính phủ.

Các nhà chức trách Mỹ từ lâu đã cáo buộc các công ty Trung Quốc và cá nhân đã "hack" và trộm hoàn toàn bí mật của công ty Mỹ. Một số quan chức trong chính quyền Trump lo lắng rằng các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản là mua nó, thông qua các thỏa thuận.

Sau thoả thuận giai đoạn 1, Trung Quốc còn ăn cắp công nghệ Mỹ nữa không? - Ảnh 1.

Từ việc hack dữ liệu, giờ đây Trung Quốc đã có cách công khai thu về công nghệ mới. (Ảnh: Getty).

Công ty Mỹ cho biết các công ty Trung Quốc cũng sử dụng các chiến thuật tinh tế hơn, để tiếp cận với những công nghệ có giá trị. Theo đó, đôi khi Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài thành lập liên doanh với các công ty địa phương, như trường hợp của ngành công nghiệp ô tô. Đôi khi, họ cũng yêu cầu một tỉ lệ nhất định của sản phẩm phải được sản xuất tại địa phương, như đã từng làm với tuabin gió và các tấm pin mặt trời.

Các công ty công nghệ Apple và Amazon đã thiết lập liên doanh với các đối tác địa phương để xử lí dữ liệu tại Trung Quốc, và để tuân thủ luật bảo mật nội bộ. Doanh nghiệp Mỹ nói rằng các công ty Trung Quốc sử dụng các mối quan hệ doanh nghiệp đó để gây áp lực cho các đối tác nước ngoài tiết lộ bí mật công nghệ. 

Không ít người cũng nói rằng quan chức Trung Quốc đã gây áp lực cho các công ty nước ngoài, để cho họ tiếp cận công nghệ nhạy cảm như là một phần của quy trình để đảm bảo những sản phẩm đó an toàn cho người tiêu dùng Trung Quốc.

Sau thoả thuận giai đoạn 1, Trung Quốc còn ăn cắp công nghệ Mỹ nữa không? - Ảnh 2.

Các công ty công nghệ như Apple đã thiết lập liên doanh với các đối tác địa phương tại Trung Quốc để tuân thủ luật an ninh nội bộ. (Ảnh: NYT).

Theo các công ty nước ngoài, năng lượng tái tạo là một lĩnh vực mà Trung Quốc đã sử dụng một số chiến thuật để có được công nghệ tân tiến một cách dễ dàng. 

Gamesa của Tây Ban Nha là công ty dẫn đầu thị trường tuabin gió ở Trung Quốc, khi Bắc Kinh bắt buộc vào năm 2005, rằng 70% mỗi tuabin gió được lắp đặt ở Trung Quốc phải được sản xuất trong nước. Công ty đã đào tạo hơn 500 nhà cung cấp ở Trung Quốc để sản xuất mọi bộ phận trong tuabin của mình. Các nhà sản xuất tuabin gió đa quốc gia khác cũng làm như vậy.

Chính quyền Mỹ đặt câu hỏi về chính sách này là vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, và Trung Quốc đã rút lại, nhưng quá muộn. Các doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc kiểm soát đã bắt đầu lắp ráp tua-bin bằng cách sử dụng cùng các nhà cung cấp. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới cho các tuabin gió, và chúng chủ yếu được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc.

Sau thoả thuận giai đoạn 1, Trung Quốc còn ăn cắp công nghệ Mỹ nữa không? - Ảnh 3.

Trung Quốc là thị trường số 1 thế giới về tuabin gió. (Ảnh: Carbon Brief).

Một kịch bản có phần tương tự đã xảy ra ngay sau đó trong năng lượng mặt trời. Trung Quốc yêu cầu dự án năng lượng mặt trời lớn đầu tiên của họ chỉ sử dụng các tấm pin mặt trời được sản xuất ít nhất 80% tại Trung Quốc. 

Các công ty đổ xô đi sản xuất tại Trung Quốc và chia sẻ công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc cũng trợ cấp rất nhiều cho việc sản xuất các tấm pin mặt trời, chủ yếu để xuất khẩu. Các công ty Trung Quốc cuối cùng đã sản xuất hầu hết các tấm pin mặt trời của thế giới.

Mỹ có triển vọng gì sau thoả thuận giai đoạn 1?

Một số người trong chính quyền Trump lo sợ điều tương tự đang xảy ra với công nghiệp ô tô. Ngay sau khi Trung Quốc mở cửa cho các công ty ô tô nước ngoài, các quan chức Trung Quốc đã tổ chức một màn thi thố giữa các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, để giành tấm vé được phép tham gia thị trường tỉ dân. Cuộc thi bao gồm đánh giá chi tiết về đề nghị của mỗi công ty, để chuyển giao công nghệ cho một liên doanh được thành lập với một đối tác nhà nước Trung Quốc.

General Motors đánh bại Ford Motor và Toyota, bằng cách đồng ý xây dựng một nhà máy lắp ráp hiện đại ở Thượng Hải với 400 robot, để tạo ra những chiếc Buicks mới nhất. Các giám đốc điều hành tại Volkswagen, nhà sản xuất ô tô Đức, đã vào Trung Quốc trước đó, rất tức giận, bởi vì áp lực cạnh tranh buộc họ phải nâng cấp công nghệ của họ.

Trung Quốc hiện là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Nhưng ngoại trừ một vài mẫu xe hạng sang, thực tế tất cả những chiếc xe được bán ở Trung Quốc đều được sản xuất tại đây. 

Thuế quan của Trung Quốc đối với ô tô nhập khẩu và phụ tùng xe hơi cũng đóng một vai trò rất lớn. Các công ty nước ngoài ngày càng muốn tự sản xuất trong Trung Quốc, để tránh các chi phí và rủi ro khi vận chuyển ô tô nhập khẩu.

Sau thoả thuận giai đoạn 1, Trung Quốc còn ăn cắp công nghệ Mỹ nữa không? - Ảnh 4.

Xe điện Tesla là công ty đầu tiên được mở với 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc. (Ảnh: Electrek).

Nhưng Thời Báo New York cũng chỉ rõ không ít công ty cũng đang miễn cưỡng buộc tội các đối tác Trung Quốc trộm cắp công nghệ, vì sợ bị trừng phạt (từ Trump?). Trung Quốc từ lâu đã phủ nhận rằng họ buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. 

Bắc Kinh khẳng định chính các công ty đã tự nguyện làm điều đó, để được tiếp cận thị trường rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc.

Trong thỏa thuận ngừng chiến, các quan chức Trung Quốc đã đồng ý không buộc các công ty chuyển giao công nghệ, như một điều kiện để kinh doanh và họ đã tiến hành trừng phạt các công ty xâm phạm hoặc đánh cắp bí mật thương mại. Trung Quốc cũng đồng ý không sử dụng các công ty Trung Quốc để có được công nghệ nhạy cảm, thông qua việc mua lại.

Thậm chí, trước đó, các quan chức Trung Quốc đã cam kết bỏ yêu cầu liên doanh trong các lĩnh vực như ô tô.

Sau thoả thuận giai đoạn 1, Trung Quốc còn ăn cắp công nghệ Mỹ nữa không? - Ảnh 5.

Người ta đang trông chờ vào thái độ cứng rắn hơn nữa của ông Trump. (Ảnh: Reuters).

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có tuân thủ các cam kết của mình hay không. Các quan chức Trung Quốc đã ban hành nhiều quy tắc vào tháng trước, đưa ra phần lớn những gì họ đã hứa trong thỏa thuận hôm 15/1.

Tuy nhiên nhiều luật sư quốc tế cho rằng các quy tắc mới có lỗ hổng lớn. Các quy tắc này cho phép các cơ quan quản lí Trung Quốc có toàn quyền hành động, khi họ thấy phù hợp trong các "trường hợp đặc biệt", "lợi ích quốc gia dân tộc" và các trường hợp ngoại lệ không rõ ràng khác.

Hiệp định thương mại kêu gọi tham vấn trong vòng 90 ngày, nếu Washington nghĩ rằng Bắc Kinh không tuân thủ các cam kết của mình. Nhưng Thời Báo New York không rõ liệu chính quyền Trump có thể cứng rắn hay không.

Nhìn rộng hơn, thoả thuận giai đoạn 1 không giải quyết các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các ngành công nghiệp mới. Đây là nguồn lực chính để có được kịch bản như những gì đã xảy ra trong lĩnh vực tuabin gió, pin mặt trời. Trung Quốc đã từ chối nhiều lời kêu gọi kiềm chế trợ cấp cho các đối thủ cạnh tranh trong nước với các ngành công nghiệp như chất bán dẫn, máy bay thương mại, xe điện và các công nghệ khác của tương lai.

Chính quyền Trump đang dựa vào thuế quan để đối trọng với điều này. Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn còn áp dụng thuế quan đối với nhiều ngành công nghiệp đó để ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ.