Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vừa ngự bút cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump trên bản thoả thuận giai đoạn 1 vào ngày 15/1. Thoả thuận được hai bên cho rằng sẽ mở ra một năm mới đầy triển vọng. Nhưng dữ liệu mới đây cho thấy, trước đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã kết thúc một năm đầy khó khăn.
Reuters phải bình luận "đúng như dự đoán", khi đưa tin về việc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2019.
Theo đó, tăng trưởng của kinh tế nước này đã giảm xuống còn 6,1% vào năm 2019, từ mức 6,6% vào năm 2018. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phải ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất suốt 29 năm qua, kể từ năm 1990.
Tuy nhiên, mặc dù đã giảm xuống mức thấp gần 30 năm qua, nhưng con số 6,1% đã đạt được mức mục tiêu từ 6-6,5% do chính quyền trung ương đặt ra vào đầu năm ngoái. Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng phân tích thêm, mức tăng trưởng này dù sao vẫn thấp hơn kì vọng của thị trường là 6,2%.
Mức tăng trưởng trên phù hợp với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Trước đó, WB dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 5,9% vào năm 2020, giảm 0,2% so với dự báo hồi tháng 6/2019. Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối phó với thuế quan của Mỹ và những hệ quả xoay quanh nó. Lần đầu tiên, Trung Quốc ghi nhận con số dự báo kinh tế dưới mốc 6% kể từ khi nước này thực hiện quá trình mở cửa.
Ngoài ra, theo thống kê, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc ghi nhận mức tăng 5,7% trong năm ngoái, tốt hơn một chút so với ước tính 5,6% của các nhà phân tích. Nhưng mức tăng này đã giảm so với 6,2% trong năm 2018.
Doanh số bán lẻ, một chỉ số quan trọng của tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới, đạt mức tăng trưởng 8% vào năm ngoái, giảm từ 9% vào năm 2018. Điều này phù hợp với kì vọng của thị trường.
Riêng tháng 12, Trung Quốc đạt được nhiều con số đẹp mắt giới đầu tư. Sản xuất công nghiệp tăng 6,9%, cao hơn dự báo của các nhà phân tích là 5,9% và đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 3/2019.
Trong tháng 12, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,6%, tăng từ mức 1,3% trong tháng 11. Nhập khẩu tăng 16,3% trong tháng 12, tăng từ 0,3% trong tháng 11. Doanh số bán lẻ tăng 8%, vượt xa dự báo của các nhà phân tích là 7,9%.
Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có thể cảm thấy nhẹ nhõm vì đã giữ tốc độ tăng trưởng chính thức trên mức 6%. Con số này rất quan trọng về mặt tâm lí, nhưng nhiều thách thức hơn đang chờ đợi vào năm 2020.
Năm nay rất quan trọng để Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội và thu nhập trong thập niên 2020, biến Trung Quốc thành một "xã hội tiểu khang".
Đây là khái niệm nằm trong Nho giáo, được xem là mục tiêu cốt lõi của chính quyền Bắc Kinh, tạm hiểu là một thời kì quốc gia xã hội từ từ ổn định, nhân dân bắt đầu được hưởng an lạc thái bình.
"Thỏa thuận giai đoạn 1 chỉ là thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Mỹ. Trên thực tế, để thúc đẩy đàm phán trong giai đoạn tiếp theo, Mỹ sẽ giữ mức thuế hiện tại đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trừ khi hai nước đạt được thỏa thuận giai đoạn 2", ông Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế vĩ mô châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ với Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, về triển vọng Trung Quốc năm nay.
Thoả thuận giai đoạn 1 được nhiều nhà phân tích xem là điểm sáng đầu năm cho cả đôi bên. Nhưng những nghi vấn vẫn chưa hề dập tắt trong tâm lí các nhà đầu tư.
"Trong chương đánh giá và giải quyết tranh chấp song phương, thỏa thuận cũng nêu rõ rằng, nếu các vấn đề không thể giải quyết, hai bên có quyền đình chỉ nghĩa vụ, áp dụng biện pháp khắc phục hoặc trong trường hợp xấu nhất, rút khỏi thoả thuận", ông phân tích thêm.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực kiềm chế suy thoái kinh tế kéo dài trong năm ngoái như cắt giảm thuế và đưa ra các gói kích thích tiền tệ thường xuyên. Tuy nhiên, thỏa thuận giai đoạn 1 đã khiến các quan chức ngân hàng trung ương phát biểu rằng: "Chính sách tiền tệ sẽ vẫn cần được thận trọng thông qua trong năm nay".
"Chúng tôi hi vọng Bắc Kinh sẽ giới thiệu các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế hơn trong những tháng tới, nhưng quy mô của gói kích thích có thể sẽ nhỏ hơn nhiều so với các biện pháp nới lỏng trước đó. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng GDP hàng quý dưới 6% là không thể tránh khỏi trong các quý tới", các nhà phân tích của Nomura nhận định.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 vẫn còn nhiêu điểm tựa.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào hôm kia, Ninh Cát Triêt, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đã nhấn mạnh thực tế thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng trên 10.000 USD vào năm ngoái. Vị này tuyên bố: "Tốc độ tiến bộ của Trung Quốc là không thể ngăn cản được. Thống kê cho thấy chất lượng phát triển kinh tế của Trung Quốc đang được cải thiện".