Kinh tế toàn cầu vẫn dễ tổn thương trong năm 2020, tăng trưởng Trung Quốc lần đầu tiên sẽ dưới 6%

Theo Ngân hàng Thế giới, năm nay kinh tế toàn cầu có phục hồi nhưng vẫn dưới mức 3%. Dù hạ nhiệt căng thẳng thương mại nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều giảm 0,2% trong tăng trưởng GDP.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020. Theo đó, WB tiếp tục hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế, do sự phục hồi chậm hơn dự kiến trong thương mại và đầu tư, dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang nguội dần.

Năm thứ 2 liên tiếp, GDP toàn cầu tăng dưới 3%

Đại diện WB chia sẻ với Reuters, rằng năm 2019 đánh dấu sự tăng trưởng kinh tế yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thập niên trước. 

"Và năm 2020, trong khi tình hình có một sự cải thiện nhẹ, nhưng kinh tế toàn cầu vẫn dễ bị tổn thương bởi những bất ổn về căng thẳng thương mại và địa chính trị", vị này nhấn mạnh.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của mình, WB đã hạ 0,2% mức tăng trưởng trong cả 2 năm, với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 là 2,4% và 2020 là 2,5%.

Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng dưới 3%/năm, kể từ năm 2019.

Lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc tăng dưới 6%? - Ảnh 1.

Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong năm nay nhưng chỉ tăng 0,1% so với năm 2019. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

"Sự gia tăng khiêm tốn trong tăng trưởng toàn cầu này đánh dấu sự kết thúc của đợt suy giảm bắt đầu vào năm 2018, và gây tổn thất nặng nề cho hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, đặc biệt là vào năm ngoái", ông Pahan Kose, nhà dự báo kinh tế hàng đầu của WB cho biết.

Về tình hình năm 2020, vị này nói thêm: "Chúng tôi mong đợi một sự cải thiện, nhưng nhìn chung, chúng tôi cũng thấy triển vọng tăng trưởng sẽ yếu hơn".

WB giải thích các dự báo mới nhất của mình đã tính đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được kí vào tuần tới. Theo thoả thuận, Bắc Kinh sẽ nhập nhiều nông sản Mỹ để đổi lại lệnh đình chỉ thuế quan mới của Mỹ đối với hàng tiêu dùng và giảm thuế suất đối với một số hàng hóa khác.

"Mặc dù việc giảm thuế suất sẽ có tác động khá nhỏ đối với thương mại, nhưng thỏa thuận này được kì vọng sẽ thúc đẩy niềm tin kinh doanh và triển vọng đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại", ông Kose nhận xét.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ cải thiện một cách khiêm tốn vào năm 2020 lên mức 1,9%, tức chỉ tăng 0,5% so với năm 2019. Đây là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình hàng năm 5% kể từ năm 2010.

Tăng trưởng Trung Quốc lần đầu tiên sẽ dưới mức 6%

Nhưng cả triển vọng thương mại và tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn dễ bị tổn thương trước những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng. Các quan chức của WB cho biết họ không thể ước tính tác động của cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Mỹ và Iran, nhưng cho biết điều này sẽ "làm tăng sự không chắc chắn trong tâm lí thị trường, sẽ làm tổn hại đến triển vọng đầu tư".

Giữa các nền kinh tế tiên tiến và các thị trường mới nổi cũng như đang phát triển có sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản dự kiến sẽ giảm nhẹ 0,2% xuống 1,4% vào năm 2020.

Nguyên nhân đến từ sự chững nhịp liên tục trong sản xuất và tác động tiêu cực kéo dài của thuế quan Mỹ và các biện pháp trả đũa kinh tế.

Lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc tăng dưới 6%? - Ảnh 2.

Nông dân Mỹ có một năm chật vật vì thương chiến với Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Nhưng các thị trường mới nổi sẽ chứng kiến sự tăng trưởng lên tới 4,3% vào năm 2020 từ mức 4,1% vào năm 2019. Phần lớn sự cải thiện của thị trường mới nổi được thúc đẩy bởi 8 quốc gia. WB điểm danh Argentina và Iran sẽ nổi lên từ các cuộc suy thoái vào năm 2020 và triển vọng sẽ đến với các nước như Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống 5,9% vào năm 2020, giảm 0,2% so với dự báo hồi tháng 6/2019. Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối phó với thuế quan của Mỹ và những hệ quả xoay quanh nó. 

Lần đầu tiên, Trung Quốc ghi nhận con số dự báo kinh tế dưới mốc 6% kể từ khi nước này thực hiện quá trình mở cửa.

Lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc tăng dưới 6%? - Ảnh 3.

Lần đầu tiên sau khi hội nhập, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng dưới 6%. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Ông Kose cho biết cuộc chiến thương mại đã tác động mạnh đến sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái, giữ mức tăng trưởng chỉ còn 6,1%. Quy định chặt chẽ hơn về lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc cũng sẽ làm sứt mẻ tình cảm với các nhà đầu tư.

"Triển vọng của Trung Quốc có thể trở nên tồi tệ hơn nếu căng thẳng thương mại với Washington bùng phát trở lại, hoặc có một sự xáo trộn lớn về nợ chính phủ. Nhưng Trung Quốc có đủ biện pháp nhằm giảm bớt sự ì ạch của kinh tế", Kose chỉ rõ.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...