Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. (Ảnh Ngọc Thắng)
Theo dự kiến kế hoạch kiểm toán vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước dự kiến sẽ thực hiện 146 cuộc kiểm toán, giảm 44 cuộc so với năm 2019, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án đường sắt đô thị Hà Nội; nhiệt điện Long Phú 1, nhiệt điện Sông Hậu 1, đường dây 500 kV Long Phú - Ô Môn; một số dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam…
Cụ thể, về ngân sách, ngoài kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2019 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến kiểm toán 12 bộ, cơ quan T.Ư và 41 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, trong đó có những TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.
Về kiểm toán hoạt động, Kiểm toán Nhà nước dự kiến tiến hành 9 cuộc, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu... như: công tác bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Nhà máy Boxit Nhân Cơ; hoạt động quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại thành phố Hà Nội; chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020 của Thành phố Hồ Chí Minh…
19 cuộc kiểm toán chuyên đề được dự kiến gồm: 2 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng (chuyên đề "Việc quản lý, sử dụng vốn TPCP năm 2019 tại Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải"; "Việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương") và các chương trình - dự án thuộc lĩnh vực an sinh - xã hội, phát triển kinh tế vùng, việc quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về công tác quản lý thu ngân sách và quản lý đầu tư XDCB… trong đó có cả việc quản lý nợ công năm 2019.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như: các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM); đầu tư xây dựng đường vành đai II, III TP.Hà Nội; dự án vệ sinh môi trường TP.Hồ Chí Minh; đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn; nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội...
Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, trong đó có Ngân hàng nhà nước; 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, Tổng Công ty Điện lực miền Trung, UDIC, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội…) và 3 ngân hàng thương mại (Agribank, Vietcombank, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam).
Lĩnh vực quốc phòng, dự kiến tổ chức 9 cuộc kiểm toán, gồm 5 đơn vị dự toán (quân khu 1, quân khu 2, quân khu 3, quân khu 5, quân khu 7); 3 doanh nghiệp (Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Viettel và Tổng Công ty Đông Bắc), 1 dự án đầu tư (dự án đầu tư xây dựng trụ sở Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị).
Lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng: dự kiến tổ chức 5 cuộc kiểm toán tại Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh; 27 công an tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 21 tỉnh uỷ, thành ủy; khối các học viện, nhà trường thuộc Bộ Công an và khối các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Công an.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30.9.2019, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 61.732 tỉ đồng, trong đó, số kiến nghị tăng thu 6.197 tỉ đồng và giảm chi 12.842 tỉ đồng; xử lý tài chính khác 42.693 tỉ đồng.
Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm toán năm 2019, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 36 văn bản (4 thông tư, 4 nghị quyết, 10 quyết định và 18 văn bản khác).
Đến 30.9.2019, KTNN đã cung cấp 41 bộ hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho Cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay không đúng quy định của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam và Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng).