Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa, tính đến tháng 8/2017, Khánh Hòa có 38 dự án BT, trong đó có 4 dự án đã hoàn thành quyết toán. Những dự án còn một số đã lựa chọn xong nhà đầu tư, chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ để ký hợp đồng chính thức, một số khác chưa có nhà đầu tư hoặc đang tiến hành lập hoặc chờ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án nút giao thông Ngọc Hội với giá trị hợp đồng BT và phụ lục đã ký kết khoảng 1.250 tỉ đồng, diện tích dự kiến giao khoảng 5,5ha đất vàng sân bay Nha Trang cũ với giá trị khoảng 1.215 tỉ đồng. (Ảnh: Khải An).
Đến tháng 4/2018, có 11 dự án BT đang triển khai xây dựng được hoàn vốn bằng 8 khu đất vàng ở TP Nha Trang và 3 khu đất tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.
Trong đó, 3 dự án BT giao thông hoàn vốn bằng một phần diện tích đất tại phân khu 2A, 2 và 3 thuộc dự án Khu Trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang (Sân bay Nha Trang cũ) do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) thực hiện đang được dư luận chú ý.
Bởi từ tháng 10/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ký Quyết định thu hồi 62,3 ha đất tại khu vực sân bay Nha Trang cũ để giao, thuê đất cho Công ty Phúc Sơn.
Sau khi giao đất, đến tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa mới ký hợp đồng BT để thực hiện 3 dự án giao thông nói trên. Cả 3 dự án BT đều không qua đấu thầu mà được chỉ định thầu là Công ty Phúc Sơn.
Cụ thể Nút giao thông Ngọc Hội với giá trị hợp đồng BT và phụ lục đã ký kết khoảng 1.250 tỉ đồng, diện tích dự kiến giao khoảng 5,5ha với giá trị khoảng 1.215 tỉ đồng.
Dự án BT Đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội, tổng trị giá hợp đồng BT và phụ lục đã ký kết khoảng 1.119 tỉ đồng, diện tích đất dự kiến giao khoảng 9,15ha giá trị khoảng 1.099 tỉ đồng.
Dự án BT nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, giá trị hợp đồng và phụ lục đã ký kết khoảng 967 tỉ đồng, diện tích dự kiến giao khoảng 6ha.
Khoảng 8.000m đường Trần Phú, trụ sở Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Khánh Hòa hoàn vốn cho 2 dự án BT được tạm tính gần 200 tỉ đồng. (Ảnh: Khải An).
Một dự án BT khác là trường hợp khu đất Đài Phát thanh – Truyền hình (PT-TH) tỉnh Khánh Hòa. Đây là lô đất đặc địa nằm ở số 70 đường biển Trần Phú với điện tích khoảng 8.000m2.
Tỉnh Khánh Hòa đã ký hợp đồng BT với Công ty TNHH Phương Đông Nha Trang (Công ty Phương Đông) để làm 2 dự án là "Trụ Anten của Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa tại xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang" với giá trị hợp đồng khoảng 75 tỉ đồng và "Trụ sở làm việc Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa tại Khu đô thị An Bình Tân, phường Phước Long, TP Nha Trang" với giá trị hợp đồng khoảng 123 tỉ đồng.
Ngay cả trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa có vị trí trung tâm TP Nha Trang với diện tích gần 5.000m2 tại 80 Quang Trung, cũng được ký hợp đồng BT giá trị khoảng 104 tỉ đồng để hoàn vốn cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng khi xây dựng trụ sở mới ở xã Vĩnh Ngọc.
Hiện, hầu hết các dự án BT đều chậm triển khai nguyên nhân do UBND tỉnh vướng giải phóng mặt bằng để giao doanh nghiệp thực hiện. Tuy chậm, nhưng các dự án đã triển khai với khối lượng công trình lớn và chi phí nhà đầu tư thực hiện xây dựng lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Khu đất vàng sân bay Nha Trang cũ hiện vẫn chưa được
Tuy nhiên, cho đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa xác định giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nên việc xác định giá trị các khu đất trở nên "lúng túng" vì sẽ được tính tại thời điểm giao đất hay thời điểm ký hợp đồng BT? Điều này khiến nhiều doanh nghiệp "mắc kẹt" và nhiều khu vực đất vàng nhếch nhác vì các dự án không được triển khai.
Ông Phạm Ngọc Cương - Phó tổng giám đốc Công ty Phúc Sơn cho rằng việc chậm trễ là chính quyền tỉnh Khánh Hòa chậm bàn giao mặt bằng. Theo ông Cương, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.800 tỉ đồng bao gồm 3 dự án BT và 2 dự án đối ứng xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Khu Trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang nhưng chưa được hoàn vốn.
"Trong hợp đồng BT đã ký với UBND tỉnh Khánh Hòa có điều khoản nhà đầu tư hoàn thành tiến độ đến đâu thì tỉnh Khánh Hòa phải quyết toán hoàn vốn bằng đất đến đó. Chúng tôi đã bỏ vốn làm công trình nhưng chưa thanh toán vì UBND tỉnh Khánh Hòa chậm xác định giá đất.
Việc xác định giá trị đất phải theo thời điểm nào giao đất, cụ thể là năm 2016. Nếu trường hợp xác định theo thời điểm ký hợp đồng BT năm 2017 cao hơn năm 2016, có sự chênh lệch lớn thì tỉnh Khánh Hòa phải thương lượng với nhà đầu tư. Thực tế chúng tôi đang hi sinh cho tỉnh, thậm chí tự nguyện giảm giá 5% giá thành xây lắp 3 công trình BT", ông Cương nói.
Còn theo Công ty Phương Đông, hiện nay Dự án Trụ Anten của Đài PT-TH Khánh Hòa BT tại xã Vĩnh Ngọc đã hoàn thành, đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018 với giá trị quyết toán dự kiến khoảng 80 tỉ đồng. Dự án này được đấu thầu công khai đúng theo pháp luật nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa được xác định giá trị đất và giao đất (hơn 2.300m2 đất số 70 Trần Phú).
Phía Công ty Phương Đông cũng không biết khi nào mới được giao đất nhưng trước mắt, công ty vẫn phải thực hiện theo hợp đồng BT đã ký. "Tiền đã bỏ ra khá lớn nhưng việc được hoàn vốn bằng đất chưa biết khi nào. Bây giờ phải xin ý kiến bộ, ngành thẩm định lại giá trị khu đất để sát với giá thị trường. Trường hợp xấu nhất phải đấu giá khu đất. Giá trị khu đất chắc chắn sẽ lớn hơn giá dự kiến ban đầu. Nếu chúng tôi không đủ kinh phí thì đành chấp nhận trả dự án và đề nghị UBND tỉnh trả lại tiền đã đầu tư"- vị lãnh đạo Công ty Phương Đông cho biết.
Đối với các dự án bất động sản mà có đất công hiện đang bị thanh tra, kiểm tra, mức độ ảnh hưởng của chủ đầu tư và khách hàng sẽ tùy từng dự án và các sai phạm (nếu có) liên quan đến quản lý, sử dụng đất công của từng dự án cụ thể.
Đa phần các sai phạm liên quan đến quản lý và sử dụng đất công nhìn chung chúng phát sinh từ việc không tuân thủ các yêu cầu, thủ tục và quy định về: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, về định giá tài sản, về đấu giá tài sản, giao đất, cho thuê đất hay chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất công không tuân thủ đầy đủ các quy trình và thủ tục.
Ví như liên quan đến việc định giá tài sản đất, có dự án vướng phần đất công trước đây bị định giá không phù hợp hay chỉ là tạm nộp tiền sử dụng đất, nay do không thống nhất được về giá đất (trong đó có đất công) nên dẫn đến chủ đầu tư chưa thể hoàn tất được nghĩa vụ tài chính dẫn đến việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người mua.
Có trường hợp, sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra số tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung là cao hơn so với thực tế trước đó mà chủ đầu tư do không hạch toán hay lường trước được về giá đất nên chủ đầu tư đề nghị cư dân cùng hỗ trợ để nộp thêm phần chênh lệch này nhưng đa phần là các cư dân từ chối nên phát sinh đến tranh chấp.
Có trường hợp các sai phạm liên quan đến đất công được cho là nghiêm trọng, bị buộc phải thu hồi lại và đưa ra đấu giá. Chắc chắn các chủ đầu tư và khách hàng của họ khi vướng phải tình trạng này sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi rất lớn.
Luật sư Nguyễn Sơn Tùng - Giám đốc Công ty Luật Legal United Law
Đô thị 11:30 | 23/10/2019
Đô thị 07:34 | 23/10/2019
Đô thị 16:14 | 22/10/2019
Kinh doanh 13:25 | 21/10/2019
Đô thị 18:40 | 19/10/2019
Đô thị 11:11 | 19/10/2019
Nhà đất 16:13 | 17/10/2019
Đô thị 16:52 | 14/10/2019