Sẽ phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của Hà Nội và TP HCM trong giai đoạn 2021-2025

Đó là thông tin do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong báo cáo về kế hoạch phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025.

Phát triển mạnh đô thị vệ tinh

Trong báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập đến việc phát triển đô thị trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Việt Nam sẽ đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, xanh.

5 năm tới, chúng ta phấn đấu có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM; tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Về hạ tầng đô thị, chúng ta tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai, đường xuyên tâm, các bãi đỗ xe, các công trình, đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước tại các đô thị lớn.

Các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Sẽ phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của Hà Nội và TP HCM trong giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 1.

Một góc Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Hà Nội. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Những đô thị vệ tinh tại Hà Nội và TP HCM 

5 đô thị vệ tinh của Hà Nội:

Đô thị Sóc Sơn có diện tích 5.459,39 ha, gồm toàn bộ diện tích đất thuộc thị trấn Sóc Sơn, xã Tiên Dược và một phần diện tích đất của các xã Phù Linh, Tân Minh, Đức Hòa, Đông Xuân, Mai Đình, Quang Tiến. Quy mô dân số Sóc Sơn đến năm 2030 khoảng 247.000 người.

Sóc Sơn nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố Hà Nội với tính chất cơ bản là thương mại - dịch vụ, công nghiệp, du lịch, giáo dục đào tạo, nông nghiệp sinh thái, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

Đô thị Sơn Tây có diện tích khoảng 12.185,22 ha, gồm toàn bộ thị xã Sơn Tây và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 239.800 người.

Sơn Tây có tính chất cơ bản là phát triển các chức năng về dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục đào tạo cấp vùng, du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, gắn với những giá trị lịch sử truyền thống của địa phương, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao để hỗ trợ cho nhu cầu của đô thị trung tâm.

Đô thị Hòa Lạc có quy mô khoảng 17.274 ha, thuộc địa giới hành chính hai huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600.000 người.

Về tính chất và chức năng, đô thị Hòa Lạc được định hướng là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng...

Hòa Lạc cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, đô thị khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội.

Đô thị Xuân Mai nằm ở huyện Chương Mỹ, có diện tích 6.537,66 ha. Dân số đến năm 2030 là 220.000 người.

Xuân mai được định hướng là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề của địa phương; cửa ngõ giao thông phía Tây Hà Nội giao thương với các tỉnh phía Tây Bắc; đô thị đại học với trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng; đô thị sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên hiện có.

Đô thị Phú Xuyên có diện tích 3.982 ha, bao gồm địa giới hành chính các thị trấn: Phú Xuyên, Phú Minh, các xã: Phượng Dực, Đại Thắng, Quang Trung, Sơn Hà, Nam Triều, Nam Phong, Văn Nhân, Thụy Phú, Phúc Tiến - huyện Phú Xuyên, các xã: Tô Hiệu, Thống Nhất, Vạn Điểm, Văn Tự, Minh Cường – huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 127.000 người.

Phú Xuyên có vai trò là trung tâm tiếp vận vùng, thúc đẩy trao đổi thương mại, hàng hóa trong hành lang phát triển liên vùng giữa Thủ đô với các tỉnh trong Vùng Thủ đô, với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trực tiếp là Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam.

Sẽ phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của Hà Nội và TP HCM trong giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 2.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm của Đô thị vệ tinh phía Đông TP HCM. (Ảnh tư liệu: Trường Nguyên).

4 đô thị vệ tinh của TP HCM:

Theo Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, TP HCM có 4 đô thị vệ tinh, bao gồm:

Thành phố Đông gồm quận 2, quận 9 và quận thủ Đức, có diện tích 211 km2 (21.100 ha), dân số 890.000 người, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm. Vì đô thị này giáp với trục cao tốc TP HCM – Long An – Dầu Giây nên được xác định có chức năng kinh tế phát triển các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính, tín dụng), công nghệ cao, du lịch sinh thái…

Thành phố Tây gồm toàn bộ quận Bình Tân hiện nay, một phần phường 7, phường 16 của quận 8 và bốn xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh, có diện tích 109 km2 (10.900 ha), dân số 810.000 người, trung tâm là khu đô thị xã Tân Kiên, giáp quốc lộ 1. 

Thành phố Tây chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, quận 6, Tân Bình.

Thành phố Nam gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích phường 7 của quận 8 (phần phía Nam rạch Bà Tàng) và hai xã Bình Hưng, xã Phong Phú thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 169 km2 (16.900 ha) với quy mô dân số 470.000 người, lấy khu đô thị Nam Sài Gòn làm trung tâm phát triển (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng), thị trấn Nhà Bè và đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.

Thành phố Bắc gồm toàn bộ quận 12, huyện Hóc Môn, có diện tích 162 km2 (16.200 ha), có dân số 860.000 người, trung tâm phát triển là xã Tân Thới với hành lang phát triển là quốc lộ 22, có chức năng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, công nghệ cao và phát triển các khu dân cư phục vụ việc giãn dân, chỉnh trang đô thị quận Gò Vấp, Tân Bình.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.