Tiền sẽ đổ về những nhóm dự án hạ tầng giao thông lớn nào giai đoạn 2021-2025?

Nhìn lại hạ tầng giao thông Việt Nam 5 năm qua và kế hoạch đầu tư trong 5 năm tới.

Hạ tầng giao thông Việt Nam 5 năm qua

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, ước giải ngân đến 31/12/2020 là gần 390.000 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Từ kết quả trên, có thể thấy trên thực tế, trong năm qua có nhiều công trình trọng điểm quốc gia được khởi công, như: Đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây...; xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Việc giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành cũng được đẩy mạnh, đầu năm 2021 dự án đã khởi công giai đoạn 1.

Nhiều dự án kết cấu hạ tầng và công nghiệp trọng điểm cũng được đẩy nhanh, như: cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Cơ quan chức năng cũng đã phê duyệt chủ trương một số tuyến đường lớn như Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Tiền sẽ đổ về những nhóm dự án hạ tầng giao thông lớn nào trong giai đoạn 2021-2025? - Ảnh 1.

Đường cất hạ cánh, đường lăn Sân bay Nội bài đang được cải tạo, nâng cấp. (Ảnh: Thủy Long).

Trước đó, trong những năm đầu giai đoạn 2016 – 2020, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác đã đưa vào sử dụng như: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án dường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải.

Nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn khác được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 như: Các đường bộ cao tốc Đà Năng - Quảng Ngãi, Hoà Lạc - Hoà Bình, Hạ Long - cầu Bạch Đằng; các tuyến quốc lộ: Tân Vũ - Lạch Huyện, Quốc lộ 3 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - cầu Giẽ (giai đoạn 2); các hầm: Đèo Cà, Cù Mông; cảng Lạch Huyện, luồng sông Hậu.

Một số dự án quan trọng theo phương thức đối tác công - tư đã hoàn thành như: Cảng hàng không Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn...

Cũng trong giai đoạn 2016 – 2020, nhiều đoạn của cao tốc Bắc – Nam đã được khởi công.

"Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là tại các đô thị lớn đang từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá, đồng bộ hoá với các hình thức đầu tư đa dạng, các nguồn vốn đầu tư được mở rộng hơn.

Nhiều công trình tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm, các tuyến tránh đô thị, các càu lớn và nút giao lập thể được đầu tư xây dựng. Chất lượng phục vụ của hạ tầng kỹ thuật đô thị được cải thiện rõ rệt," Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết.

Nhiều dự án còn chậm tiến độ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH&ĐT cho rằng, cơ cấu đầu tư, trọng tâm đầu tư công giai đoạn qua chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp chưa được giải quyết triệt để.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu. Các dự án, công trình giao thông khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 rất ít so với yêu cầu, quy hoạch phát triển.

Tiền sẽ đổ về những nhóm dự án hạ tầng giao thông lớn nào trong giai đoạn 2021-2025? - Ảnh 2.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng sẽ vận hành thương mại trong năm nay. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Việc hoàn thành 2.000 km dường bộ cao tốc chậm khoảng hai năm so với mục tiêu đề ra. Chưa có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Phát triển đường sắt còn chưa được quan tâm bố trí vốn, các dự án đuờng sắt đô thị triển khai chậm.

Một số dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ đến thời điểm này như: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, La Sơn - Tuý Loan, Trung Lương - Mỹ Thuận; các dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên.

Theo Bộ KH&ĐT, hạ tầng hàng không đã được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch, một số sân bay quốc tế lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... đều đã quá tải.

Những nhóm dự án được ưu tiên rót vốn thời gian tới

Về kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong 5 năm tới, Bộ KH&ĐT cho biết, đến năm 2025 sẽ hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành trên 1.700 km dường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyên đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; đầu tư nâng cấp cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không trọng điểm; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.

Về hạ tầng đô thị, tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án đường sắt đô thị, đường vành đai, đường xuyên tâm, các bãi đỗ xe, các công trình, đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước tại các đô thị lớn. 

Các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.