Chiều ngày 5/11, cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, lưu ý. Trong đó có nội dung về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các thị trường này phát triển. Đến nay, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Quy mô các thị trường này và thị trường bất động sản tăng mạnh.
Cụ thể, quy mô thị trường vốn trong 5 năm qua tăng với tốc độ bình quân 28,5%; đến cuối tháng 9/2022 đạt 111,3% GDP, gấp 3,9 lần năm 2015, trong đó quy mô thị trường cổ phiếu đạt 70,6%GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP, trong đó thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 24,8%GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 15,9%GDP.
Theo báo cáo tháng 9/2022 của ADB, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến hết quý II/2022 của Trung Quốc là 36,8%GDP; Hàn Quốc là 86,6%GDP; Nhật Bản là 17,5%GDP; Singapore là 35,2%GDP; Thái Lan là 25,4%GDP; Malaysia là 55,1%GDP.…
Thị trường bất động sản có bước phát triển mạnh mẽ; giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 20% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu. Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn...
Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm (một số trường hợp gian lận, vi phạm quy định đã được xử lý), Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém. Trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để sàng lọc, bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành; Chỉ thị số 13/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững).
Đồng thời, Chính phủ có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Trong đó có Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán năm 2019; Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP…
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, yêu cầu quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình phát hành, sử dụng vốn và hướng dẫn cụ thể, công khai, minh bạch để nhà đầu tư nhận thức rõ rủi ro và có quyết định lựa chọn đầu tư phù hợp. Bảo đảm hệ thống giao dịch vận hành an toàn, thông suốt.
Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. Rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ. Trong đó, thúc đẩy hình thành và hoạt động của các định chế và nhà đầu tư chuyên nghiệp (ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…).
Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".