Sét đánh trúng nhà dân gây cháy 130 triệu đồng tiền tích góp trả nợ ngân hàng: Tiền cháy có đổi được không?

Trong các vụ cháy thì thiệt hại về tài sản là rất lớn trong đó bao gồm cả việc tiền của người dân bị cháy. Theo quy định pháp luật tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông có thể được thực hiện thu và đổi.

Theo VnExpress đưa tin, chiều 21/5, ông Lê Kim Do - Chủ tịch UBND xã Xuân Khang, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết, khoảng hơn 9h cùng ngày, trên địa bàn xã xảy ra một trận mưa giông lớn sau nhiều ngày nắng nóng.

Trong cơn giông, bất ngờ một tia sét đánh trúng căn nhà của gia đình ông Hồ Công Hòa, tại thôn Xuân Hưng, gây hỏa hoạn khiến nhiều đồ đạc như tivi, bàn ghế, giường tủ bị cháy và hư hỏng, tường nhà nứt vỡ...

Ông Hoà trình báo chính quyền, vụ sét đánh còn gây cháy hơn 130 triệu đồng tiền mặt gia đình tích góp, cất giữ trong tủ để trả nợ ngân hàng. Hiện chính quyền và người dân địa phương đang giúp gia đình khắc phục hậu quả.

Từ vụ viện này, nhiều bạn đọc thắc mắc tiền bị cháy, hư hại một phần liệu có thể được ngân hàng đổi lại tiền mới hay không?

Sét đánh trúng nhà dân gây cháy 130 triệu đồng tiền tích góp trả nợ ngân hàng: Tiền cháy có đổi được không? - Ảnh 1.

Nhiều tài sản trong căn nhà bị lửa thiêu cháy sau khi bị sét đánh trúng. (Ảnh: Lam Sơn/VnExpress).

Tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 25/2013/TT- NHNN, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông là các loại tiền giấy (tiền cotton và tiền polymer), tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành, đang lưu hành nhưng bị rách nát, hư hỏng hay biến dạng theo quy định về tiêu chuẩn tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được quy định tại Thông tư này.

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 25/2013/TT-NHNN, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông gồm:

Quá trình lưu thông

Tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền.

Tiền kim loại bị mòn, han gỉ, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn, chữ, số và lớp mạ trên đồng tiền.

Quá trình bảo quản

Tiền giấy bị thủng lỗ, rách mất một phần; tiền được can dán; cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao; giấy in, màu sắc bị biến đổi do tác động của hóa chất; viết, vẽ, tẩy xóa; đồng tiền bị mục hoặc biến dạng bởi các lý do khác nhưng không do hành vi hủy hoại.

Tiền kim loại bị cong, vênh, thay đổi định dạng, hình ảnh thiết kế do tác động của ngoại lực hoặc nhiệt độ cao; bị ăn mòn do tiếp xúc với hóa chất.

Tiền bị lỗi kỹ thuật do quá trình in, đúc của nhà sản xuất

Giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc.

Như vậy tiền bị cháy thuộc đối tượng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Các trường hợp tiền hư hỏng được đổi tiền mới

Điều 6 Thông tư 25/2013/TT- NHNN quy định cụ thể về điều kiện đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.

Không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ

Tiền giấy bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số; nhàu, nát, nhòe, bẩn, cũ; rách rời hay liền mảnh được can dán lại nhưng còn nguyên tờ tiền.

Tiền kim loại bị mòn, han gỉ, hư hỏng một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, hoa văn, chữ, số và lớp mạ trên đồng tiền.

Giấy in bị gấp nếp làm mất hình ảnh hoặc mất màu in, lấm bẩn mực in và các lỗi khác trong khâu in, đúc.

Với các trường hợp này, khách hàng có nhu cầu đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi, sẽ được đổi không hạn chế số lượng cũng như không yêu cầu thủ tục giấy tờ.

Thu đổi có điều kiện và phải nộp hiện vật cho Ngân hàng

Đối với tiền rách nát, hư hỏng do quá trình bảo quản không đủ điều kiện lưu thông, khách hàng phải nộp hiện vật cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, đơn vị thu đổi.

Các đơn vị này nhận và xét đổi theo các điều kiện sau:

- Tiền rách nát, hư hỏng không phải do hành vi hủy hoại

- Trường hợp tiền bị cháy, thủng, rách mất một phần thì diện tích còn lại phải bằng hoặc lớn hơn 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại

Nếu được can dán thì phải có diện tích tối thiểu bằng 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại và đảm bảo nguyên gốc, nguyên bố cục một tờ tiền (mặt trước, mặt sau; trên, dưới; bên phải, bên trái), đồng thời nhận biết được các yếu tố bảo an.

Tiền polymer bị cháy hoặc biến dạng co nhỏ lại do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao, thì diện tích còn lại tối thiểu phải bằng 30% so với diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục một tờ tiền, đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an như: yếu tố hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, hàng số sêri…

Trường hợp các tờ tiền chưa xác định được điều kiện đổi và cần giám định, khách hàng phải có giấy đề nghị đổi tiền theo Phụ lục số 01 đính kèm Thông tư 25/2013/TT-NHNN.

Ngân hàng không được từ chối việc đổi tiền cho khách, nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện đã nêu bên trên. Theo nghị định 96/2014/NĐ-CP thì ngân hàng sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu từ chối đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho khách hàng.

Như vậy trường hợp tiền bị cháy, bị biến dạng chỉ được Ngân hàng Nhà nước thu đổi khi thỏa các điều kiện sau:

+ Diện tích tờ tiền còn lại tối thiểu bằng 30% so với diện tích tờ tiền cùng loại

+ Còn giữ nguyên bố cục đồng tiền

+ Đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an như: Yếu tố hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số sêri, dây bảo hiểm, yếu tố IRIODIN.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.