Tín dụng và trái phiếu đang là những kênh gọi vốn chủ đạo của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hiện nay.
Bộ Xây dựng dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS tính đến thời điểm cuối năm 2021 xấp xỉ 700.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, với kênh trái phiếu, trong năm 2021 các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 214.440 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2020 là 71.000 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, các cơ quan nhà nước đã có động thái siết chặt hai kênh trái phiếu và tín dụng. Trước tình hình đó, không ít doanh nghiệp BĐS đã lên kế hoạch tìm kiếm những phương án nhằm đa dạng nguồn vốn như bắt tay hợp tác chiến lược, tìm đến các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài…
Trao đổi với người viết, đại diện bộ phận tư vấn tài chính Công ty Luật TNHH BLawyers Vietnam cho biết, các phương án huy động vốn của doanh nghiệp rất đa dạng mà dưới đây là một số phương án chủ yếu.
Theo BLawyers Vietnam, đây là phương án mà chủ doanh nghiệp hoặc thành viên/cổ đông của doanh nghiệp có thể góp thêm vốn vào doanh nghiệp, cho doanh nghiệp vay vốn hoặc chuyển đổi lợi nhuận chưa chia trong năm tài chính thành vốn.
Về ưu điểm, các thủ tục pháp lý để tiến hành phương án này không quá phức tạp, do vốn được huy động thêm từ chủ doanh nghiệp/thành viên/cổ đông, là những người đang nắm rõ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và được quyết định trong nội bộ doanh nghiệp.
Song, do nguồn vốn chỉ đến từ tài sản của các chủ sở hữu/thành viên/cổ đông doanh nghiệp hiện tại nên sẽ bị giới hạn về quy mô vốn.
Một trong những phương pháp huy động vốn từ bên ngoài là việc chào bán cổ phần trong CTCP hoặc từ thành viên mới trong Công ty TNHH theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Ưu điểm của phương pháp này là pháp luật đã có quy định rõ ràng, cụ thể.
Tuy nhiên, nếu so với phương thức huy động vốn nội bộ doanh nghiệp thì phương thức này đòi hỏi có phương án rõ ràng, cụ thể vì những người góp vốn là người ngoài công ty.
Doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn bên ngoài từ các tổ chức tín dụng (như ngân hàng thương mại, công ty cho thuê tài chính…), từ các quỹ đầu tư (như quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ hoán đổi danh mục hay quỹ đầu tư bất động sản…).
Với phương thức này, doanh nghiệp sẽ huy động được khối lượng vốn lớn ngắn hạn hoặc dài hạn, do vậy đáp ứng nhu cầu về vốn cho các mục tiêu khác nhau. Bên cạnh đó, lãi vay tại tổ chức tín dụng được xem là chi phí của doanh nghiệp, do đó khi sử dụng vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp được giảm một phần thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đi vay phải có bản báo cáo kế hoạch sử dụng vốn cụ thể cho tổ chức tín dụng thẩm định cũng như cần tài sản để bảo đảm cho khoản vay đó. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định do tổ chức tín dụng đề ra trong việc sử dụng vốn vay.
Tương tự, với hình thức huy động vốn qua các quỹ đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải trải qua các vòng thẩm định của quỹ đầu tư nên sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt được nguồn vốn theo nhu cầu.
Dòng tiền từ việc khách hàng thanh toán trước (ví dụ đặt cọc mua nhà…) cũng được xem là một công cụ huy động vốn cho doanh nghiệp. Phương thức này giúp chuẩn bị được nguồn tài chính để trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Đổi lại, doanh nghiệp cần phải thực hiện đúng các cam kết theo hợp đồng với khách hàng và tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Ví dụ, đối với việc kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, doanh nghiệp BĐS phải hoàn thiện một phần tiến độ của dự án trước khi huy động vốn từ khách hàng.
Đồng thời, phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.
Với việc tái cơ cấu doanh nghiệp/công ty con/một bộ phận thông qua thủ tục hợp nhất, sáp nhập các doanh nghiệp độc lập, doanh nghiệp có thể huy động được cả về vốn, nhân lực và sự hỗ trợ trong kinh doanh sau khi được hợp nhất, sáp nhập.
Song, hạn chế của phương thức này là thủ tục pháp lý để thực hiện việc tái cơ cấu của doanh nghiệp khá phức tạp, cần diễn ra trong khoảng thời gian khá dài. Do đó, phương án này chỉ thực sự phù hợp với những doanh nghiệp muốn thay đổi về dài hạn.
Hiện nay, cổ phiếu và trái phiếu là những kênh huy động vốn phổ biến trên thị trường. Với hai kênh này, doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và từ công chúng (đối với công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán).
Hiện nay, ở Việt Nam có 3 sàn giao dịch chứng khoán phổ biến là sàn HSX, sàn HNX và sàn Upcom. Hoạt động chào bán, phát hành chứng khoán phải tuân thủ theo Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan.
Tuy nhiên, việc các công ty đại chúng phát hành thêm cổ phiếu cũng tiềm ẩn rủi ro pha loãng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông.
Ảnh hưởng của siết trái phiếu và tín dụng có thể phản ánh vào giá BĐS
Theo BLawyers Vietnam, ở khía cạnh tích cực, việc siết chặt trái phiếu và tín dụng sẽ giúp cho thị trường BĐS phát triển một cách ổn định và hạn chế những rủi ro gây ảnh hưởng trên diện rộng.
Những doanh nghiệp nào có khả năng hoạt động tốt, có uy tín với khách hàng, có khả năng chống chọi với biến cố của thị trường… thì càng có nhiều cơ hội tiếp cận hai kênh này.
Ngược lại, nếu hai kênh này được sử dụng quá dễ dàng, có thể dẫn đến hệ quả là các dự án BĐS được phát triển rầm rộ, đi kèm rủi ro như sự xuất hiện của các dự án “ma” được doanh nghiệp phát hành trái phiếu thổi phồng thông tin nhằm nhận được khoản tiền từ nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu rơi vào tình trạng nợ xấu do không có khả năng chi trả khoản nợ trái phiếu khi đến hạn cũng là một rủi ro tiềm ẩn. Sự vỡ nợ của các ông lớn trong ngành BĐS của Trung Quốc như Evergrande, Sunshine do thất bại trong việc chi trả các lô trái phiếu là những minh chứng cụ thể.
Mặt khác, việc siết chặt hai kênh huy động vốn trên sẽ khiến cho các doanh nghiệp BĐS bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn vốn dồi dào từ bên ngoài, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng cho thị trường BĐS. Điều này sẽ khiến cho giá BĐS tăng cao, gây khó khăn cho người có nhu cầu sở hữu và sử dụng BĐS.