Siêu thị ra điều kiện thế nào để doanh nghiệp Việt được đưa hàng Việt vào siêu thị?

Dù các siêu thị tuyên bố luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt đưa hàng vào siêu thị, nhưng nhà sản xuất từ nhỏ đến lớn vẫn “kêu trời” vì thủ tục phức tạp và hàng loạt loại phí.

Tại các hội nghị xúc tiến của ngành bán lẻ, lãnh đạo nhiều siêu thị trong và ngoài nước, cũng khẳng định luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, câu chuyện hàng Việt vào siêu thị có thực sự dễ dàng như vậy.

"Đưa hàng vào siêu thị Việt Nam còn khó hơn siêu thị Nhật"

Năm 2016, hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từng gây ồn ào khi đòi các doanh nghiệp nông sản, thủy sản Việt Nam muốn đưa hàng vào siêu thị phải chịu mức chiết khấu 25%. Từ đây, câu chuyện chịu chiết khấu để được đặt chân vào siêu thị bắt đầu trở nên nóng, và được bàn đến nhiều hơn.

img6269-15621474483361107859762

Hàng trăm nhà cung cấp Việt Nam bức xúc trước quyết định tạm ngưng nhập hàng trong vòng nửa tháng. (Ảnh: Phúc Minh).

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết không riêng chiết khấu, để đưa được hàng vào siêu thị còn "trần ai" về thủ tục, cùng với một loạt phí khác như phí quầy kệ, mở mã hàng, tiếp thị, marketing…

Bà Thanh L. - chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp nhiều loại thực phẩm cho các siêu thị, thừa nhận đây là những khó khăn thực tế mà các nhà cung cấp gặp phải. Đặc biệt, khó khăn càng đè nặng lên vai các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Theo bà L. đòi hỏi của các siêu thị hiện quá cao, chủ yếu là về chiết khấu và các loại phí.

"Trên cùng một quầy kệ, nếu để ý sẽ thấy những sản phẩm của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ nằm tuốt ở góc trong cùng và bị khuất. Với vị trí này làm sao bán được hàng và đến tay người tiêu dùng", bà L. nói.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp này cũng cho biết nhiều nhà cung cấp muốn thương hiệu của họ được biết đến nhưng trong trường hợp này, là hầu như không thể, vì vị trí "vàng" tại các siêu thị đều thuộc về những "ông lớn" lớn hơn.

IMG_6314

Để có hàng trên kệ siêu thị, đại diện nhiều doanh nghiệp than trời về thủ tục và đủ loại chi phí. (Ảnh: Phúc Minh).

Ngay cả nhiều doanh nghiệp lớn cũng than trời về những quy định khó khăn của siêu thị.

"Trong nhiều trường hợp, đưa hàng vào siêu thị Việt Nam còn khó hơn siêu thị Nhật, do đủ thứ thủ tục phức tạp, mất thời gian", "Vua chuối" Võ Quan Huy từng thẳng thắn chia sẻ.

Ông Huy là Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, một trong số ít những đơn vị hiếm hoi đưa được sản phẩm chuối của doanh nghiệp vào các hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Ông cho rằng các tiêu chí về an toàn, chất lượng của Nhật vốn rất cao, nhưng trong nhiều trường hợp đưa hàng vào siêu thị Việt lại trở nên khó khăn hơn vì thủ tục rườm rà.

Các siêu thị nói gì về thủ tục đưa hàng vào siêu thị?

Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân cho biết cơ hội để đưa hàng Việt vào siêu thị là rất nhiều, và không khó, nếu như nhà cung cấp biết được các quy định cụ thể và có quyết tâm.

Tại Saigon Co.op, hiện cả hệ thống có 35.000 mặt hàng, mỗi tháng có khoảng 1.700 mặt hàng mới được đưa vào kinh doanh. 

IMG_1866

Đại diện Saigon Co.op cho biết các sản phẩm vào siêu thị phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là an toàn thực phẩm với nhóm hàng thực phẩm. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo đại diện Saigon Co.op, muốn đưa hàng vào siêu thị, doanh nghiệp cần quan tâm nghiên cứu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, giám sát, kế hoạch kiểm tra định kì, tiêu chuẩn tem nhãn, hậu mãi cũng như bộ phận giải quyết thắc mắc của khách hàng.

Đặc biệt, hàng hóa vào siêu thị phải đảm bảo các điều kiện an toàn, đặc biệt vệ sinh an toàn thực phẩm với nhóm hàng thực phẩm. 

Vì vậy, doanh nghiệp cần quyết tâm và Saigon Co.op luôn có chiết khấu hợp lí và chính sách hỗ trợ hàng Việt, tạo điều kiện cho nhà cung cấp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, tiêu chuẩn, điều kiện đưa hàng vào siêu thị ngoại lại có phần khó khăn hơn. 

Đại diện Aeon (Nhật Bản) cho biết các doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng của siêu thị bắt buộc phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng. Các tiêu chuẩn này gồm chuẩn quốc tế, chuẩn Nhật Bản và cả tiêu chuẩn riêng của tập đoàn.

Cụ thể, trước khi bắt tay hợp tác, Aeon sẽ đến từng nhà máy để kiểm tra các thiết bị, điều kiện nhân viên, công nhân, làm việc có phù hợp hay không. Khi đã xác nhận hợp tác, Aeon sẽ tiếp tục làm việc chung các doanh nghiệp.

IMG_6297

Trong khi doanh nghiệp Việt than về thủ tục, chiết khấu thì sự xuất hiện của các nhãn hiệu ngoại tại siêu thị ngày càng nhiều. (Ảnh: Phúc Minh).

Vị này cho rằng đi kèm với điều kiện ban đầu khó khăn thì giá thành sản phẩm cũng sẽ được nâng cao, tức vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa nâng cao giá thành.

Nhìn nhận câu chuyện các doanh nghiệp, nhà cung cấp đang gặp khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thừa nhận hiện các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào siêu thị không những gặp phải thủ tục phức tạp mà còn hàng loạt các loại phí khác, trong đó, có cả vấn đề ép giá nông sản.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương nói một phần đến từ khâu sản xuất, tức chưa có định hướng. Phần lớn hiện nay sản xuất theo phong trào, chạy theo lợi nhuận dẫn đến dư thừa và chất lượng không đảm bảo.

Bà Nga cho rằng Bộ Công Thương đang có có những giải pháp để quản lí vấn đề này. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển thị trường bán lẻ, hệ thống phân phối với các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà cung cấp.