Hàng Việt tại siêu thị hiện có gì?

Dù các siêu thị tuyên bố hàng Việt chiếm 80-90% số lượng mặt hàng đang kinh doanh nhưng thực tế lại không phải như vậy. Nhiều khu vực, quầy kệ tại các siêu thị là sự thống lĩnh hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và của hàng ngoại, trong đó khá nhiều hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Thương hiệu ngoại chiếm hết "đất vàng" trong siêu thị

Với nhóm hóa mĩ phẩm gồm các dòng sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội, sữa tắm, bột giặt, nước xả vải, kem đánh răng… của hai ông lớn đến từ Mỹ là Unilever và P&G. Nhóm hàng nước giải khát là sự thống lĩnh của Coca Cola, Pepsi… Điều này gần như đúng với hầu hết siêu thị, bất kể là nhà bán lẻ nội hay ngoại.

IMG_6315

Hàng Thái Lan và hàng của các doanh nghiệp FDI tại Big C chiếm hầu hết ở quầy hóa phẩm ở Big C An Phú, quận 2. (Ảnh: Phúc Minh).

Ghi nhận tại siêu thị Big C An Phú (quận 2, TP HCM), dù mặt bằng điểm kinh doanh không quá rộng nhưng sự hiện diện và độ phủ của các thương hiệu này là rất lớn. Sản phẩm hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp FDI này luôn được ưu tiên với một khu lớn, trải dài và rộng khắp.

Trong khi đó, tại một số siêu thị có mặt bằng lớn, nhóm các sản phẩm thuộc các doanh nghiệp đa quốc gia cũng luôn tồn tại ít nhất 2-3 kệ hàng, ở những vị trí dễ đập vào mắt nhất: một ngay cửa ra vào, một tại khu vực quầy hàng chính, một tại vị trí vàng nhiều người qua lại và cả vị trí tính tiền.

Liên quan câu chuyện hàng Việt tại siêu thị chiếm bao nhiêu phần trăm sau sự kiện Big C thông báo tạm dừng đột ngột nhập hàng may mặc của các đối tác Việt Nam trong thời gian 15 ngày, một chuyên gia thị trường chia sẻ tại siêu thị, ngoài việc các thương hiệu ngoại đang được ưu tiên hơn so với hàng Việt, các doanh nghiệp này còn chi phối cả việc bày trí, thiết kế quầy hàng để đảm bảo việc nhận diện thương hiệu.

IMG_6311

Tại nhiều siêu thị, Coca Cola được ưu ái có cách bày trí đặc biệt theo nhận diện thương hiệu về hình ảnh và màu sắc. (Ảnh: Phúc Minh).

Thực vậy, khảo sát tại siêu thị Big C, khác với các thương hiệu cùng ngành hàng, Coca Cola và Heineken được ưu ái với cách bày trí đồng nhất màu thương hiệu, thể hiện chiến dịch marketing đang triển khai. Rõ ràng, ngoài việc có được những vị trí "vàng" tại siêu thị, các thương hiệu ngoại còn được ưu ái hơn nhiều so với thương hiệu Việt Nam.

Vị này cũng cho rằng việc tuyên bố hàng Việt có đến 80-90% tại siêu thị là sự đánh tráo khái niệm, bởi dù hầu hết sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng chủ thương hiệu thực sự là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hàng Việt tại siêu thị hiện có gì?

Trong khi sản phẩm của các đại gia ngoại hiện diện ở vị trí đẹp, bắt mắt, khu vực bày trí rộng thì các thương hiệu Việt có phần lép vế hơn tại các quầy kệ siêu thị. Không thể phủ nhận sự đa dạng của các thương hiệu Việt trong từng nhóm, ngành hàng, tuy nhiên, số lượng từng loại sản phẩm xuất hiện trên kệ lại quá ít, điều này cũng tác động đến tâm lí chung của người tiêu dùng khi chọn mua.

"Nhóm hàng bột giặt, dầu gội… tôi thường mua của các thương hiệu lớn nước ngoài, bởi thực sự hàng Việt rất hiếm. Riêng các loại bánh kẹo, hóa mĩ phẩm khác thì hàng Việt và ngoại đều có. Hàng Việt có quầy nhỏ, trong khi các thương hiệu từ Mỹ hay Pháp có kệ hàng lớn, nổi tiếng nên nói thật tôi an tâm hơn", chị Thúy Ngọc (ngụ quận 10, TP HCM) cho biết.

0459_1_3

Khu vực thực phẩm, rau xanh tại các siêu thị mới thực sự hàng Việt "làm chủ". (Ảnh: Phúc Minh).

Tại các siêu thị hiện nay, sự hiện diện của hàng Việt dễ nhận thấy nhất là nhóm hàng thực phẩm, quầy hàng tươi sống, rau xanh. Tại đây, các loại rau củ, thịt gia súc, gia sản đều đến từ các thương hiệu Việt. 

Tuy nhiên, trái cây thì hàng ngoại nhiều thời điểm lấn át cả hàng nội.

Đại diện một số siêu thị cho biết ở nhóm thực phẩm, chủ yếu là rau củ quả, họ có hệ thống phân phối riêng, đều đến từ các nhà cung cấp Việt Nam. Việc sản xuất được thực hiện theo tiêu chuẩn quy định chung và chuẩn của siêu thị đưa ra. 

Trong khi đó, nhóm hàng thịt gia súc, gia cầm hiện được cung cấp bởi những đơn vị lớn như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood…

Với nhóm hàng tươi sống này, ghi nhận tại một số siêu thị cho thấy, việc kinh doanh hiệu quả nhất thuộc về Saigon Co.op, với hệ thống siêu thị Co.opmart. Ngoại trừ giờ cao điểm mua sắm của các bà nội trợ là đầu buổi sáng và tan tầm, các thời điểm còn lại trong ngày, khách hàng lựa chọn thực phẩm tươi sống cũng rất đông. Đứng sau Saigon Co.op là Satra.

Hàng Việt có nguy cơ "teo tóp" trong siêu thị?

Dù dễ nhận thấy thực phẩm, hàng tươi sống vốn là ngành hàng các thương Việt chiếm ưu thế tại siêu thị hiện nay, tuy nhiên, đang có nguy cơ san bằng giữa yếu tối nội - ngoại. 

Trên kệ hàng của các siêu thị gần đây, rau củ và đặc biệt là trái cây của các Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Nam Phi... xuất hiện ngày càng nhiều. Dù có giá thành đắt gấp nhiều lần hàng Việt nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng mua, vì là hàng nhập khẩu, mẫu mã bắt mắt.

IMG_6297

Rất nhiều siêu thị dành khu vực riêng bán hàng nhập khẩu. (Ảnh: Phúc Minh).

Tại quày thịt, ngoài thịt nóng trong nước, siêu thị có quầy thịt mát là sản phẩm thịt đông lạnh nhập từ các nước với thịt heo, thịt bò, hải sản nhập khẩu các loại.

Trong khi đó, ở nhóm hàng tiêu dùng khác, thương hiệu riêng của các đại gia bán lẻ ngoại cũng ồ ạt xâm nhập với mức giá cạnh tranh. 

Tại Big C, Lotte Mart có hẳn khu vực riêng chỉ bán hàng nhập khẩu từ châu Á, với mức giá chỉ từ vài chục nghìn đồng/sản phẩm. Xuất xứ hàng hóa đa phần được nhập khẩu trực tiếp từ Hàn Quốc và Thái Lan.

Tại MM Mega Market, nhà bán lẻ Thái Lan có hàng loạt sản phẩm được sản xuất dưới thương hiệu riêng cùng tên, từ bánh kẹo, bột giặt, khăn giấy… 

Tại Aeon Mall, thương hiệu TopValu gần như phủ sóng các kệ hàng, đặc biệt là nhóm sản phẩm may mặc.

IMG_6289

Thương hiệu riêng MM Mega Market (Metro cũ) xuất hiện dày đặc tại hệ thống siêu thị cùng tên của người Thái. (Ảnh: Phúc Minh).

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết hiện các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoại, sau khi đặt chân vào Việt Nam đang có xu hướng mang nhiều hàng hóa ngoại, nhãn hàng riêng từ quốc gia của mình xâm nhập vào các hệ thống bản lẻ của họ.

Theo ông, với việc đưa các thương hiệu riêng này vào siêu thị với mức giá hấp dẫn, các đại gia ngoại đang tạo ưu thế cạnh tranh với các nhà phân phối Việt Nam. 

Vì vậy, trước nguy cơ hàng ngoại xuất hiện ngày càng nhiều, tương lai, hàng Việt tại các siêu thị có nguy cơ sẽ càng "teo tóp" hơn.