Sở GTVT Hà Nội: Điều chuyển xe khách không vì 'lợi ích của ai đó'

Sáng 20/4, đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định tỉnh Thái Bình đã "kéo nhau" về Sở GTVT Hà Nội nhằm đối thoại với Sở này về vấn đề điều chuyển xe khách.
so gtvt ha noi dieu chuyen xe khach khong vi loi ich cua ai do
Các doanh nghiệp vận tải chất vấn Sở GTVT về điều chuyển xe khách. Ảnh: Di Linh

Tại cuộc tiếp xúc, ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Xí nghiệp vận tải 27/7 Đông Hưng cho biết, sau 4 tháng từ khi điều chuyển xe khách từ bến xe Mỹ Đình về Nước Ngầm thì các xe đều hoạt động thua lỗ.

"Chúng tôi không đủ tiền trả lãi xuất ngân hàng. Một số doanh nghiệp phải bán xe, đứng trước nguy cơ phá sản. Chúng tôi muốn được quay về hoạt động tại bến xe Mỹ Đình", ông Sơn nói.

Đại diện các doanh nghiệp vận tải cũng mong muốn sớm nhận được câu trả lời từ các cấp, ngành chức năng về việc có hay không điều chỉnh lại việc sắp xếp luồng tuyến. Họ nhận định, nếu tiếp tục giữ nguyên luồng tuyến thì sẽ xin phá sản.

Trả lời doanh nghiệp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc điều chuyển luồng tuyến không phải vì "lợi ích của ai đó". "Đúng là doanh nghiệp có khó khăn sau điều chuyển. Nhưng vì lợi ích chung thì sẽ có một bộ phận bị ảnh hưởng", ông Viện nói.

so gtvt ha noi dieu chuyen xe khach khong vi loi ich cua ai do
Doanh nghiệp vận tải khẳng định cho biết đang thua lỗ lớn do điều chuyển xe khách. Ảnh: Di Linh

Theo ông Vũ Văn Viện, TP Hà Nội mới đây đã có cuộc tiếp đại diện một số doanh nghiệp vận tải. Ông Viện nói Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định chủ trương điều chuyển xe khách là "đúng quy định, đúng thời điểm và không có bất kỳ lợi ích nhóm nào".

Cũng theo vị này thì việc xin về Mỹ Đình của doanh nghiệp là không thể thực hiện được và cũng không đúng quy hoạch. "Chúng tôi sẽ tập hợp những kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo TP. TP sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng này", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Tại buổi tiếp xúc, một vấn đề được doanh nghiệp vận tải rất quan tâm là có hay không sắp xếp lại luồng tuyến. Về nội dung này, ông Viện cho biết phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp "kéo nhau" về Hà Nội. Trước đó, ngày 15/3, đại diện các doanh nghiệp vận tải cũng lên Sở GTVT Hà Nội làm việc.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chuyển xe khách trên địa bàn thành phố Hà Nội và giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm, hiệu quả các bất cập, tồn tại trong việc điều chuyển các tuyến vận tải trên địa bàn Thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu đi lại thuận lợi cho người dân.

Đồng thời giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, chống lợi ích nhóm, chống ùn tắc giao thông và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trong tháng 4/2017.

Cuối năm 2016, một số nhà xe đã đình công ở bến Mỹ Đình; sáng 28/2/2017, hơn 50 xe khách thuộc diện điều chuyển chạy xe không kéo về Hà Nội nhằm phản đối điều chuyển luồng tuyến.

Sau các vụ việc trên, Bộ GTVT đã đề nghị các tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị vận tải không tổ chức đoàn xe đi đến cơ quan chức năng để kiến nghị, gây mất trật tự ATGT, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của vận tải; việc kiến nghị phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.