Gần 63% người dân Sài Gòn đồng tình hạn chế xe cá nhân, chuyên gia nói ‘rất khó’

Khảo sát 35.000 phiếu trên địa bàn 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông, cơ quan chuyên ngành cho biết có gần 63 % người dân TP.HCM đồng tình hạn chế xe cá nhân

Ngày 1/3, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội về đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng xe cơ giới cá nhân trên địa bàn TP do Sở GTVT TP HCM phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (TDSI) - Bộ GTVT nghiên cứu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM.

Cơ quan này đưa 35.000 phiếu trên địa bàn 24 quận, huyện và các đầu mối giao thông khảo sát cho ra kết quả 62,56% ý kiến đồng tình hạn chế xe cá nhân (ô tô con, xe máy) trong đó 40,77 đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Gần 63% người dân Sài Gòn đồng tình hạn chế xe cá nhân, chuyên gia nói ‘rất khó’ - Ảnh 1.

Xe máy và ô tô cá nhân hiện nay được cho là "thủ phạm" gây nên tình trạng ùn tắc giao thông tại TP HCM.

TDSI đánh giá hiện nay phương tiện xe cá nhân tiếp tục phát triển quá nhanh đã gây áp lực lớn cho hạ tầng cơ sở. Theo số liệu thì hiện nay TP HCM có 8 triệu xe máy nhưng thực tế con số này có thể lên tới khoảng 10 triệu xe. Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng có chiều hướng thụt lùi khi chỉ đáp ứng được khoảng 4,3% nhu cầu giao thông đô thị.

Theo đề án, lộ trình thực hiện qua ba giai đoạn gồm từ nay đến năm 2020; giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng mà đề án đưa ra là tiến tới cấm mô-tô, xe máy hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm ở các quận 1, 3, 5, 10...

Vào giai đoạn 2025 - 2030, khi hệ thống VTHKCC (xe buýt, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh - BRT) cũng như các dịch vụ đi kèm bảo đảm với cự ly tiếp cận trung bình của hành khách đến hệ thống VTHKCC đạt dưới 500m.

Gần 63% người dân Sài Gòn đồng tình hạn chế xe cá nhân, chuyên gia nói ‘rất khó’ - Ảnh 2.

Xe máy đang là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân không chỉ ở TP HCM mà cả nước.

Đề án này cũng đặt ra yêu cầu đến năm 2030, thị phần VTHKCC toàn thành phố phải đạt từ 29,3 đến 36,8% để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân. Giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sẽ phải thực hiện theo lộ trình, trước mắt là khu vực trung tâm TP, đến năm 2030 mở rộng ra các khu vực quận 1, 3, 5, 10, khu đô thị Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng. Sau đó phát triển mở rộng, lan tỏa sang các khu vực lân cận.

Cấm xe máy, ô tô con: Rất khó

Tuy nhiên tại hội nghị, tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng TP HCM cần cân nhắc lại vấn đề này vì khi cấm xe máy thì có thể đẩy nhanh xu hướng chuyển sang ô tô của người dân khiến tình trạng ùn tắc sẽ càng trầm trọng hơn.

Gần 63% người dân Sài Gòn đồng tình hạn chế xe cá nhân, chuyên gia nói ‘rất khó’ - Ảnh 3.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du

Hiện nay, việc người dân phụ thuộc vào phương tiện cá nhân đang là một trong những "cơn ác mộng" của nhiều thành phố trên thế giới chứ không riêng gì TP HCM. Nếu không còn phương pháp nào tốt hơn thì nên cân nhắc mục tiêu đến 2030 sẽ không cho phép phương tiện cá nhân vào một số khu vực trung tâm.

"Chính quyền thành phố làm sao cho người dân hiểu sở hữu phương tiện là quyền tự do của mỗi người nhưng sẽ phải trả toàn bộ chi phí gây ra, rất tốn kém chứ không phải cấm xe máy là đương nhiên", ông Du phân tích.

Cùng quan điểm với ông Huỳnh Thế Du nhưng PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trưởng khoa Đô thị học, ĐH KHXH&NV TP HCM) đưa ra một giải pháp là phân bổ lại dân cư bằng cách tạo ra thêm nhiều khu trung tâm so với hiện tại thì giao thông sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng đề án cấm phương tiện cá nhân là quá đặt nặng về "kỹ thuật" và mau chóng lạc hậu so với sự phát triển giao thông hiện nay.

"Kinh nghiệm các nước cho thấy khi tạo ra nhiều trung tâm thì sẽ giãn được dân. Việc giãn dân ra ngoại thành đã được đề cập nhiều lần nhưng thành phố vẫn chỉ phát triển trong 930 ha khu trung tâm nên lễ tết đều kẹt xe trầm trọng. Người dân cũng biết đi xe máy có nhiều bất cập nhưng họ không có giải pháp khác", ông Hòa chỉ ra vấn đề.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.