Sở TNMT phải giải trình về hệ thống quan trắc ở TP HCM

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết sẽ chất vấn đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề quan trắc không khí tự động trong kỳ họp thứ 17 HĐND TP.

Sáng 7/12, trao đổi với Zing.vn bên lề kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 17 khóa IX, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho biết ô nhiễm không khí tại TP.HCM là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong kỳ họp này. Theo bà Lệ, HĐND sẽ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) giải trình việc đến năm 2022, TP.HCM mới có hệ thống quan trắc môi trường tự động.

"Thứ 2 tới, các đại biểu sẽ chất vấn đại diện Sở TNMT về vấn đề này. Báo chí có thể chờ đến phiên chất vấn để nghe sở giải trình", bà Lệ thông tin.

Sở TNMT phải giải trình về hệ thống quan trắc ở TP HCM - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cho biết sẽ chất vấn Sở TNMT về ô nhiễm không khí. Ảnh: Lê Quân.

Trước đó, trao đổi với Zing.vn, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện TP đang tiến hành đầu tư hệ thống quan trắc tự động trị giá 495 tỉ đồng và sẽ cập nhật chỉ số môi trường liên tục cho người dân. Theo kế hoạch, ba thành phần được quan trắc tự động gồm: không khí, nước và lún.

"Các trạm quan trắc sẽ được đặt tại toàn bộ 24 quận, huyện của TP.HCM để cung cấp thông tin toàn diện nhất. Tuy nhiên, địa điểm nào đã có trạm quan trắc của Bộ TNMT từ trước thì mình không làm trùng lấp mà sẽ chỉ đặt trạm tại những nơi chưa được quan trắc, tránh lãng phí", ông Thắng cho hay.

Sở TNMT phải giải trình về hệ thống quan trắc ở TP HCM - Ảnh 2.

Hiện TP HCM đang sử dụng hệ thống quan trắc thủ công. Ảnh: Danh Phạm.

Mới đây, Sở TNMT đã có văn bản gửi UBND TP đề xuất tăng thời điểm quan trắc từ 2 lần lên 3 lần/ngày và quan trắc hàng ngày thay vì 10 ngày/tháng như trước đây.

Người dân có thể tiếp cận thông tin quan trắc hàng ngày trên web và ứng dụng điện thoại thông minh. Độ trễ của số liệu quan trắc là 5 ngày. Các thông số được công bố gồm: Nồng độ các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng); mức ồn (7h30-8h30); bụi PM 10, PM 2.5 (trung bình 24 giờ liên tục); quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

Đây là giải pháp đặc biệt tạm thời được Sở TNMT đề xuất trong thời gian chờ đầu tư trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo Luật Đầu tư công. Theo kế hoạch, năm 2022 các trạm này mới có thể đi vào vận hành chính thức. TP HCM đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc (19 vị trí giao thông; 3 vị trí môi trường nền, 4 vị trí ở khu dân cư, 4 vị trí ở khu công nghiệp).

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.