Sóc Trăng cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông

Ngày 23/4, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tỉnh cần phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh công nghiệp hoá, thu hút đầu tư, tạo việc làm ổn định cho người dân.

Qua khảo sát một số dự án trọng điểm và định hướng quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050,  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, đồng thời cơ bản thống nhất trong việc đầu tư những công trình, dự án trọng điểm mà địa phương dự định đầu tư trong tương lai.

Theo Bộ trưởng, Sóc Trăng phải quan tâm hơn nữa đến các nguồn thu ngân sách; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quy hoạch phát triển, sản xuất phải chú trọng đến tình hình biến đổi khí hậu. Tỉnh có tầm nhìn xa hơn trong việc phát triển hạ tầng, quy hoạch phải gắn với quản lý chặt chẽ về đất đai; quan tâm đến việc chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Bộ trưởng cho rằng, tỉnh Sóc Trăng nếu có Cảng nước sâu sẽ giúp cho địa phương phát triển mạnh trong tương lai, giúp kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ "cất cánh". Do đó, các kiến nghị về: tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây đã ghi vốn, đường ven biển, ứng phó với an ninh quốc phòng và biến đổi khí hậu, Bộ ủng hộ cao; các tuyến đường còn lại thì ghi nhận và sẽ cho ý kiến sau. Riêng đối với Cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng với Trà Vinh, Bộ trưởng cho biết hiện đang làm các thủ tục cần thiết để đầu tư.

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quan tâm hỗ trợ Sóc Trăng về Chương trình chuyển đổi số, với tổng kinh phí ước tính khoảng 1.175 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Sóc Trăng xác định những vùng quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phát triển liên vùng; công nghiệp sạch; dịch vụ du lịch sông nước ven sông Hậu, kết nối từ Long Phú qua Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Đây là những vùng động lực phát triển kinh tế biển, cảng biển nước sâu, điện gió…

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã xác định những "trụ cột" trong phát triển kinh tế - xã hội, gồm nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo… Cái khó nhất của tỉnh là về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực; thách thức đối với tỉnh là biến đổi khí hậu, nước biển dâng… do đó Bí thư tỉnh kiến nghị sớm đầu tư cảng nước sâu, cầu Đại Ngãi và một số hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nên kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quan tâm hỗ trợ tỉnh sớm đầu tư một số dự án liên kết vùng và ứng phó biến đổi khí hậu. Các dự án gồm hồ chứa nước ngọt ở thành phố Sóc Trăng; đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 939B, 935B; tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây. Tuyến đường nếu làm xong sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế vùng, phát triển cảng nước sâu sau này.

Đồng thời, tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục, triển khai dự án Cầu Đại Ngãi; phối hợp bộ, ngành Trung ương nâng cấp tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu và tuyến đường bộ ven biển từ Cầu Mỹ Thanh 2 đến giáp ranh tỉnh Bạc Liêu…

Trong chuyến khảo sát và làm việc tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tặng 3 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh trị giá 150 triệu đồng.

Trước khi làm việc với lãnh tỉnh Sóc Trăng và huyện Trần Đề, đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo và các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng đã có chuyến khảo sát thực tế tại các công trình quan trọng mà tỉnh đang kiến nghị Bộ quan tâm hỗ trợ, gồm: Dự án Hồ chứa nước ngọt trên địa bàn Phường 10, thành phố Sóc Trăng; dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây tỉnh Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng; vị trí dự kiến đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Trần Đề và Dự án Cảng cá Trần Đề giai đoạn 2…

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.