Hai nghiên cứu mới nhất của Chương trình Nhiễm độc Quốc gia (National Toxicology Program - NTP) của Mỹ đã kết luận rằng sóng bức xạ của điện thoại di động không gây hại lên con người. Nhưng để đảm bảo an toàn thì người dùng cũng nên cẩn thận khi sử dụng.
Các nghiên cứu trên chuột thí nghiệm, cho chúng tiếp xúc liên tục với bức xạ tần số vô tuyến điện (radio frequency radiation - RFR), loại bức xạ tương tự được phát ra từ điện thoại di động và lò vi sóng. Theo Tiến sĩ John Bucher, nhà khoa học cấp cao của NTP, "nếu có rủi ro thì cũng rất nhỏ".
Những con chuột được cho tiếp xúc với sóng RFR và những con chuột không tiếp xúc đều có tình trạng sức khỏe như nhau, thậm chí một số con tiếp xúc với loại sóng này còn có tuổi thọ lâu hơn. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Bucher vẫn khuyên người dùng không nên áp điện thoại di động vào tai quá nhiều.
Theo ông, việc này "làm giảm đáng kể sự tiếp xúc với bức xạ, do bức xạ của điện thoại di động giảm đi theo khoảng cách". Tiến sĩ cũng khuyên người dùng nên đặt thiết bị xa đầu khi đi ngủ, do vẫn có những trường hợp bị ảnh hưởng bởi bức xạ điện thoại sau một thời gian tiếp xúc liên tục.
"Hiện nay không có một bằng chứng cụ thể nào chứng minh bức xạ không ion-hóa tăng khả năng ung thư... việc ngày càng có nhiều người sử dụng tai nghe, cả loại không dây và có dây, đã làm giảm sự ảnh hưởng của sóng radio lên não bộ người dùng", theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ.