'Cuộc chiến' giữa người già và thiết bị gia dụng

Giao diện, cách sử dụng, tính năng của hầu hết các thiết bị gia dụng hiện nay chưa thân thiện với người cao tuổi.

Anh Thành (Hà Nội) muốn mua cho bố mẹ ở quê một chiếc máy giặt nhưng thuyết phục nhiều lần "hai cụ vẫn không đồng ý". Trước đó mấy tháng vào dịp hè, anh ngỏ ý muốn sắm cho bố mẹ một chiếc điều hòa nhưng cũng bị phản đối mạnh mẽ. Gặng hỏi nhiều lần, cuối cùng anh mới phát hiện ra là bố mẹ anh sợ không biết sử dụng, sẽ làm hỏng máy móc.

Lớn lên trong thời chiến, đã ở tuổi gần 70 nhưng cả hai không có cơ hội tiếp xúc nhiều với các thiết bị, máy móc hiện đại. Riêng việc sử dụng điện thoại di động cũng là một thử thách lớn đối với hai cụ. Thời kỳ đầu khi mới dùng điện thoại, bố mẹ anh đã phải nhiều lần mất công đi hỏi mọi người xung quanh cách sử dụng, sạc pin hay xem tin nhắn.

"Tôi không dám mua smartphone cho bố mẹ vì sợ các cụ phải lo lắng vì những thông báo không đâu. Bản thân tôi đôi khi cũng rối trí với chính chiếc di động của mình. Giờ tới máy giặt hay điều hòa cũng phức tạp, bấm nhầm một nút là có vấn đề ngay chứ không điều khiển đơn giản như các thiết bị trước kia", anh nói.

Chị Mai, (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Có điều kiện kinh tế, gia đình chị có đầy đủ các thiết bị điện tử gia dụng hiện đại, cũng như không ít các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, người giúp việc lớn tuổi lại không thấy thoải mái. Dù đã cùng sinh hoạt với gia đình lâu năm, người giúp việc vẫn phải dán hướng dẫn sử dụng cạnh các loại máy cần dùng hay điều khiển.

"Dù hơi bất tiện, gia đình tôi đã quen thuộc với người giúp việc này nên không có ý định đổi người mới. Đã có hướng dẫn rõ ràng nhưng đôi khi đang đi làm vẫn bị gọi điện để thông báo về những sự cố không mong muốn với mấy món đồ điện tử", chị cho biết.

cuoc chien giua nguoi gia va thiet bi gia dung

Theo iFeng, hơn 90% thiết bị điện tử gia dụng hiện nay như Internet TV, điều hòa không khí, tủ lạnh thông minh, máy giặt, nồi cơm điện... có điều khiển từ xa hoặc các tính năng "thông minh".

Với những người trẻ, sự phát triển đáng kể này của công nghệ mang lại một cuộc sống mới hiện đại, thoải mái và thuận tiện hơn. Nhưng những người cao tuổi gần như thất bại trong việc theo kịp với làn sóng mới và dễ bị áp lực, bối rối trước các tính năng phức tạp và đa dạng của chúng.

Bởi càng "thông minh", chức năng càng phong phú thì các thiết bị điện tử gia dụng lại càng được tăng thêm độ khó trong thao tác điều khiển. Đó cũng là lý do mà những quyển sách hướng dẫn sử dụng ngày càng dày thêm và không ít tính năng hiện đại bị bỏ qua do người dùng không nắm rõ cách vận hành.

Mặc dù nhiều tính năng được xây dựng dựa trên giao diện đơn giản, hoặc mô phỏng thực đơn (Menu) giống như smartphone rất quen thuộc với nhiều người, điều đó không có nghĩa là những người lớn tuổi có thể hiểu và áp dụng một cách linh hoạt.

Trên thực tế, vấn đề không chỉ nằm ở việc người lớn tuổi không thể bắt kịp với sự phát triển của các thiết bị thông minh. Một nguyên nhân sâu xa khác là đến một độ tuổi nhất định, khả năng chấp nhận những cái mới của con người sẽ trở nên giảm sút. Họ trở nên quen với cuộc sống với những quán tính cố định, ví dụ chỉ ăn một vài loại thức ăn, xem mặc định vài chương trình TV...

Cùng với đó, vì lý do sinh lý cơ thể, người lớn tuổi phát sinh các nhu cầu và đòi hỏi mới như cần nghe âm thanh lớn, các thông tin dạng mệnh lệnh đơn giản nhưng rõ ràng... Và rõ ràng, các thiết bị quá "thông minh" không thể đủ thông minh để thay đổi để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng đặc biệt này nữa.

cuoc chien giua nguoi gia va thiet bi gia dung
Các thiết bị gia dụng hiện đại, thông minh nhưng lại chưa thực sự "thân thiện" với người cao tuổi.

Có một sự thật "khắc nghiệt" là với sự chênh lệch của đối tượng khách hàng lớn tuổi so với người trẻ, các doanh nghiệp sản xuất sẽ chưa (hoặc không) đánh đổi nhu cầu và đưa ra các sản phẩm riêng phục vụ phân khúc này. Với tháp dân số trẻ của Việt Nam, điều này cũng có thể chưa xuất hiện sớm trong vài năm tới. Ví dụ, sản phẩm công nghệ phổ biến nhất là điện thoại thông minh, chúng có nhiều mẫu mã kiểu dáng nhưng ít sản phẩm có tính năng hỗ trợ cho người già. Họ cần một loại thiết bị với chức năng, độ hiển thị và cách sử dụng thuận tiện hơn nhiều hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, người cao tuổi không phải là nhóm cận biên trong thị trường tiêu dùng. Ngược lại, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hiện đại, nhóm người này ngày càng có nhiều quyền lực và ảnh hưởng tới quyết định chi trả mua sắm trong gia đình. Thậm chí, tiềm năng của nhóm khách hàng lớn tuổi này có dấu hiệu ngày càng tăng. Đi cùng với nó sẽ là nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đặc thù, hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường có quy mô lớn.

"Tôi nghĩ cái gọi là sản phẩm thông minh thực sự không phải là thêm nhiều chức năng mà phải là các chức năng hoàn hảo, dễ sử dụng cho tất cả mọi người, từ trẻ tới già. Sản phẩm tốt phải thỏa mãn đúng nhu cầu chứ không phải cố làm phức tạp hóa mọi thứ lên, như bổ sung các tính năng mà thậm chí bản thân khách hàng cũng không nhận ra", anh Thành chia sẻ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.