Ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 3110/QĐ-BTNMT về việc công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2016.
Theo đó, các sự kiện bao gồm:
1. Ban hành Chương trình hành động của Ban cán sự đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
2. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường và ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủvề công tác bảo vệ môi trường ngày 24/8/2016 |
3. Lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016
4. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2016
5. Việt Nam tham gia Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF)
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF) 2016 |
6. Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09 tháng 4 năm 2016
7. Ký kết, phê duyệt Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và ban hành Kế hoạch thực hiện Thoả thuận
Ngày 22/4/2016, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ký kết Thỏa thuận Paris - Thỏa thuận lịch sử toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. |
8. Phát hiện mới về khoáng sản đồng và quặng urani tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum
9. Hoàn thành Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 đính kèm Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam - Lào; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào
10. Thực hiện phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số và các ứng dụng công nghệ thông tin
Trong khi đó, sự cố Formosa Hà Tĩnh bắt đầu từ tháng 4/2016 đã khiến người Việt Nam đối diện với sự cố môi trường lớn nhất từ trước đến nay.
Để lại hậu quả khiến 39.000 người dân ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế mất việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng. Ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng khiến GDP cả nước tăng dưới 6% sau 9 tháng.
Trước đó, từ ngày 6/4-2016 hiện tượng cá chết hàng loạtbất thường ở miền Trung đã xảy ra hàng loạt, bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình ngày 10-4, Thừa Thiên - Huế ngày 15-4, Quảng Trị ngày 16-4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4-5. Từ ngày 19/4, báo chí bắt đầu đưa tin về hiện tượng này, vụ việc trở nên nóng hơn khi có một bé gái 8 tuổi ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị ngộ độc sau khi ăn cá chết và báo chí đưa tin về một đường ống nghi là hệ thống xả thải từ dự án Formosa (của Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) “cắm” xuống đáy biển Vũng Áng. Ngày 22/4, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các thông tin nêu “Nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân tình hình hải sản chết bất thường. Chiều ngày 23/4, tại cuộc làm việc giữa các tỉnh có hiện tượng cá chết hàng loạt với đại diện Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết đường ống xả thải ra biển của Formosa có trong thiết kế, có quy trình xử lý và được Bộ cho phép. Trước khi nước được thải ra biển đã được xử lý, quan trắc tự động. Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả cá chết hàng loạt, chỉ đạo các bộ, ban ngành liên quan làm việc hết trách nhiệm, tìm ra nguyên nhân cá chết, trường hợp cần thiết có thể thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Chiều ngày 25/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại miền Trung, báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm vi phạm. Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân. Ngày 26/4, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết các nhà khoa học liên ngành đã tiến hành khảo sát tại hiện trường từ ngày 19 đến ngày 24-4, lấy mẫu phân tích, thu ảnh vệ tinh... tìm nguyên nhân cá chết và đã loại bỏ nguyên nhân tràn dầu, địa chấn, tập trung vào ảnh hưởng của các yếu tố môi trường: tảo độc, độc chất. Tại cuộc họp báo tối ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết hiện chưa có bằng chứng để kết luận công ty Formosa liên quan tới cá chết bất thường ở miền Trung. Các nhà khoa học thống nhất nhận định sơ bộ có 2 nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt: Do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thuỷ triều đỏ. Ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã thị sát kiểm tra Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng; đồng thời tự nhận khuyết điểm về sự lúng túng trước sự việc cá chết hàng loạt. Bộ trưởng Hà chỉ đạo Formosa phải đưa đường ống xả thải ngầm lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát. Chiều 1/5, làm việc tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần làm rõ nguyên nhân cá chết với tinh thần không bao che, mời các nhà khoa học nước ngoài phối hợp với các nhà khoa học trong nước để làm rõ nguyên nhân cá chết. Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan. Hỗ trợ bằng gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng. Hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, không chỉ các hộ nuôi trồng, đánh bắt, kinh doanh hải sản mà ảnh hưởng đến cả du lịch, kinh tế biển miền Trung. Đơn cử, tại Huế, đến tận ngày 9-6, du khách tắm biển mới bắt đầu đông trở lại. Chiều 2-6, sau gần 2 tháng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5-2016 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã xác định được nguyên nhân cá chết hàng loạt ở biển miền Trung thời gian qua, nhưng cần phản biện khoa học trước khi công bố. Ngày 30/6, tại họp báo Chính phủ, nguyên nhân cá chết được công bố là do một lượng lớn phenol, xyanua kết hợp với phức sắt dạng keo gây ra sự cố cá chết. Thủ phạm gây ra sự cố là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa. Cũng tại họp báo công bố video Formosa xin lỗi nhân dân Việt Nam và hứa bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết đã chuyển 3.000 tỷ đồng tiền tạm ứng cho 4 địa phương để thực hiện bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng. Theo đó, tổng số tiền tạm ứng đã được chuyển khoản về tài khoản địa phương từ ngày 4/10 và đến cuối ngày 10/10, tất cả 4 địa phương đã nhận được tiền. Trong đó, số tiền chuyển cho tỉnh Quảng Bình là 1.100 tỷ đồng, Hà Tĩnh là 1.000 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế là 400 tỷ đồng. |