“Đừng để con bị đói, mẹ chưa có sữa thì phải cho bú sữa công thức, cứ 2-3 tiếng phải đánh thức con dậy để ăn nếu không con sẽ bị hạ đường huyết”, chắc hẳn câu nói này từ các nhân viên y tế đã quá đỗi quen thuộc với các mẹ mới sinh. Và tất nhiên với những người làm mẹ lần đầu hoặc chưa trang bị đủ kiến thức chăm con thì sẽ dễ mang tâm lý hoang mang, lo sợ.
Dr.Jack Newman – bác sĩ người Canada, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn nuôi con sữa mẹ giải thích mối liên hệ giữa nuôi con sữa mẹ và hạ đường huyết ở em bé mới sinh và cách phòng tránh.
Cho trẻ da tiếp da và bú mẹ có thể phòng tránh hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. (Ảnh: La Thư) |
Hoàn toàn có thể phòng tránh hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
Theo bác sĩ, có hai phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh nên được giới thiệu và thực hành rộng rãi ở các bệnh viện sản, bởi nếu không áp dụng hai phương pháp này, nhiều khả năng các bà mẹ sẽ thất bại trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, cho dù trước đó họ có ý định sẽ làm điều này.
Thứ nhất, trẻ cần được da tiếp da với mẹ ngay sau khi chào đời. Khoa học đã chứng minh trẻ được da tiếp da với mẹ sẽ có thể duy trì nồng độ đường trong máu tốt hơn những bé không được da tiếp da hoặc những bé phải ở trong lồng ấp. Phương pháp da kề da, khi đó bé không mặc quần áo và được đặt lên ngực trần của mẹ, nên được thực hiện và kéo dài suốt vài giờ sau sinh. Bằng cách này, không chỉ giúp trẻ sơ sinh duy trì nồng độ đường trong máu, mà nó còn giúp ổn định nhịp tim, hệ hô hấp và huyết áp của trẻ.
Ngoài những lợi ích trên, da tiếp da còn mang đến cho bé cơ hội được tự tìm bầu vú mẹ theo bản năng và được bú mẹ sớm ngay sau sinh. Hạ đường huyết ở em bé mới sinh hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách cho bé da tiếp da với mẹ và bú mẹ, tốt hơn nhiều so với sữa công thức.
Thứ hai, người mẹ cần được hướng dẫn, trang bị kiến thức để biết được em bé của mình bú đủ sữa từ bầu ngực mẹ hay không. Nếu em bé bú đủ, người mẹ cần kiên trì và tiếp tục cho con bú. Nếu bé không bú đủ, thì việc đầu tiên cần làm là cải thiện lượng sữa mẹ và giúp bé nhận được sữa mẹ nhiều hơn.
Da tiếp da giúp ổn định đường huyết của trẻ sơ sinh. (Ảnh: Tuyết Dung) |
Xét nghiệm đường huyết là cái cớ để trẻ phải bú sữa bổ sung - gây cản trở cho nuôi con sữa mẹ
Hạ đường huyết là một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến việc trẻ phải bú sữa công thức trong vài ngày đầu sau sinh. Tuy nhiên hầu hết trẻ được chẩn đoán bị hạ đường huyết mà không tìm ra nguyên nhân là do đâu, vì đó là hạ đường huyết sinh lý, và những em bé này bị uống sữa công thức một cách vô lý, không cần thiết.
1. Xét nghiệm đường huyết là xét nghiệm được thực hiện khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Thực tế kết quả của xét nghiệm này chỉ gây lo lắng, hoang mang cho các bậc cha mẹ, và dẫn đến hệ quả đáng tiếc là trẻ phải uống sữa công thức bổ sung. Rất nhiều bệnh viện ở Mỹ và Canada thực hiện xét nghiệm này. Nhưng điều thú vị là, phần lớn bác sĩ nhi dường như cố không hiểu hạ đường huyết ở trẻ mới sinh là bình thường. Họ chỉ nhìn vào kết quả và nói “cần cho trẻ bú thêm sữa công thức”.
2. Thực tế, chưa có thống nhất nào chính xác về chỉ số đường huyết bình thường ở trẻ sơ sinh. Mỗi người đều tự quyết định một chỉ số nào đó là “quá thấp”.
3. Nồng độ đường trong máu ở trẻ sơ sinh có thể nhiều hơn, ít hơn hoặc tương đương với lượng đường trong máu của mẹ tại thời điểm sinh nở. 1-2 tiếng sau sinh, nồng độ đường trong máu giảm ở một số trẻ, và các trường hợp này bị coi là hạ đường huyết. Tuy nhiên, hạ đường huyết khi này là bình thường.
Chỉ số đường huyết sau khi giảm sẽ tăng trở lại 1-2 tiếng sau và thậm chí kể cả khi trẻ không được bú thêm. (Ảnh: La Thư) |
Sau khi trẻ sơ sinh bị cắt rời khỏi dây nhau, nồng độ đường glucose trong máu trẻ sơ sinh giảm nhanh (hạ đường huyết sơ sinh sinh lý - không phải hạ đường huyết bệnh lý). Hiện tượng này giúp kích thích tuyến tuỵ tạo hocmon glucagon và kích hoạt cơ chế "điều tiết đối ứng" và kích thích hocmon stress cortisol cần thiết ngắn hạn để kích hoạt một số tuyến thần kinh, hocmon và men (nuôi dưỡng sinh học, bao gồm được mẹ ấp tiếp da và bú mẹ sớm, giúp giảm hocmon stress sau thời điểm cần thiết này.)
Dưới tác động của hocmon glucacon, glycogen dự trữ được phân huỹ thành glucose (glycogenolysis) và mô mỡ trắng được phân huỹ thành axit béo tự do và glucose (lipolysis), cung cấp đường cho não và năng lượng liên tục, đặc biệt hiệu quả trong trong 72g đầu đời.
Chỉ số đường huyết sau khi giảm sẽ tăng trở lại 1-2 tiếng sau và thậm chí kể cả khi trẻ không được bú thêm. Điều này không chỉ xảy ra ở người mà các động vật có vú khác cũng như vậy, theo như các nghiên cứu đã chứng minh. Việc điều trị hạ đường huyết trong trường hợp này đồng nghĩa với điều trị biểu hiện bình thường của cơ thể, và điều này là hoàn toàn không cần thiết. Tiếc rằng hàng nghìn trẻ em đã và đang bị uống sữa bổ sung, và bố mẹ chúng thì cứ tin rằng như vậy sẽ giúp ổn định đường huyết của trẻ.
4. Việc da tiếp da với mẹ sẽ giúp ổn định đường huyết ở trẻ sơ sinh. Lợi ích này sẽ không thể có được nếu tách trẻ khỏi mẹ. Như đã nói ở trên, da tiếp da còn là nền tảng giúp bé có cữ bú đầu đời hoàn hảo và thành công.
Có thể vắt trữ sữa non bắt đầu từ tuần thứ 35-36 của thai kỳ nếu thai kỳ khỏe mạnh và người mẹ không có tiền sử sinh non. (Ảnh: People) |
5. Sữa non của mẹ là sữa non tốt nhất cho trẻ. Đứng thứ hai là sữa từ ngân hàng sữa mẹ. Sữa của mẹ ruột và sữa cho tặng từ các mẹ khác là hai loại sữa có thể phòng tránh và điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Điều này là do sữa mẹ không kích thích sản xuất insulin ở trẻ, ngược lại sữa công thức lại gây ra điều này. Do vậy, các chuyên gia sữa mẹ đều khuyến cáo các bà mẹ có con có nguy cơ bị hạ đường huyết nên trữ sữa non từ tuần 35-36 của thai kỳ. Vì nếu trong trường hợp cần thiết, có thể cho bé bú sữa đó, thay vì sữa công thức. Không có bằng chứng nào cho thấy việc vắt sữa bằng tay trong giai đoạn của thai kỳ sẽ tăng nguy cơ sinh non.
6. Có bằng chứng cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hạ đường huyết và được bú mẹ ngay sau sinh ít khi tiến triển thành hạ đường huyết bệnh lý và những trẻ này có nồng độ đường trong máu cao hơn trẻ có cữ bú đầu đời là sữa công thức.
Cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu 2 năm đầu đời và không có tối đa. (Ảnh: La Thư) |
7. Không có bằng chứng nào cho thấy trẻ sinh nặng cân có nguy cơ bị hạ đường huyết nếu người mẹ không bị tiểu đường. Ngược lại, những trẻ có nguy cơ hạ đường huyết vì có nhiều mỡ trong cơ thể, lượng mỡ này sẽ bị chia thành các hợp chất được gọi là thể ketone.
8. Các thể ketone bảo vệ não của trẻ khỏi ảnh hưởng của hạ đường huyết và thể ketone có nhiều trong máu của trẻ sơ sinh bú mẹ hơn trong máu của trẻ sơ sinh bú sữa bột.
9. Trẻ nằm trong nhóm có nguy cơ bị hạ đường huyết (có mẹ bị tiểu đường, cả tuýp 1 và tuýp 2) không cần bất cứ sự chăm sóc đặc biệt nào ngoài được ở gần mẹ, da tiếp da với mẹ, được bú theo nhu cầu và được các nhân viên y tế hỗ trợ nhằm đảm bảo rằng trẻ bú mẹ đủ. Sữa non trữ trong tuần 35-36 của thai kỳ có thể rã đông và cho trẻ ăn bằng thìa.
10. Tóm lại, có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết và dẫn đến bị điều trị bằng cách cho bú sữa công thức, thông thường bằng bình sữa. Một người mẹ từng liên hệ với bác sĩ và kể rằng con của cô được chăm sóc đặc biệt do bị hạ đường huyết sau sinh. Tại khoa chăm sóc đặc biệt, bé được cho ăn sữa công thức qua tĩnh mạch, còn bản thân người mẹ thì duy trì sữa mẹ bằng cách hút sữa hàng ngày. Trải qua vài ngày điều trị khá vô lý trong khoa chăm sóc đặc biệt, kết quả nhận được là viện phí quá tốn kém. Tất cả chỉ vì người ta coi việc xét nghiệm đường huyết ở trẻ sơ sinh là thói quen cần phải làm mà chẳng cần biết rằng em bé đó có nằm trong nhóm nguy cơ cao bị hạ đường huyết hay không?