Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, năm học 2018-2019, toàn TP dự kiến có hơn 1.677.000 học sinh (HS), tăng hơn 67.000 HS so với năm học trước. Trong đó, tăng kỷ lục ở bậc mầm non (tăng 20.225 HS) và tiểu học (26.812 HS).
Áp lực chỗ học bán trú
Năm học này, quận Bình Tân tăng hơn 4.000 HS. Đây là quận mỗi năm phải gồng gánh đến 65% dân nhập cư. Dự kiến số trẻ vào lớp 1 là 14.160 em, tăng hơn 4.000 em so với năm học trước. Bậc THCS chỉ có 5.400 HS tốt nghiệp lớp 9 nhưng có đến 8.400 HS vào lớp 6.
Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, quận không có trường học nào được xây mới, chỉ xây thêm 11 phòng học ở bậc tiểu học và 5 phòng ở THCS. Ở phường Bình Trị Đông B, số HS hoàn thành lớp 5 năm nào cũng đông nhưng không có trường THCS nên HS được phân sang Trường THCS An Lạc và Tân Tạo ở phường lân cận.
Học sinh Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp, TP HCM) vào năm học mới Ảnh: TẤN THẠNH |
Ở phường này, khoảng 800 trẻ vào lớp 1 nhưng chỉ có duy nhất Trường Tiểu học Bình Trị 2. Với khả năng nhận chỉ hơn một nửa nên số HS còn lại sẽ được phân về 2 trường tiểu học là Bình Tân và An Lạc 3. Theo ông Tuyên, để bảo đảm đủ chỗ học, không còn cách nào khác là giảm số lớp học 2 buổi/ngày, giảm lớp bán trú, tăng sĩ số các lớp.
Nhiều quận gặp áp lực về dân nhập cư như Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, quận 12 cũng phải cắt nhiều lớp bán trú để ưu tiên chỗ học. Tại quận Tân Phú, theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận, vì số HS đầu cấp tăng, quận dự kiến giảm tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày để ưu tiên cho HS đầu cấp. Năm học mới này, toàn quận chỉ có 4 trường tiểu học mà toàn bộ HS được học 2 buổi/ngày.
Một phụ huynh tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) cho biết trường tổ chức bán trú nhưng không đủ cho toàn bộ HS. Vì thế, có lớp được ở lại, có lớp nếu phụ huynh không sắp xếp được thì hết chương trình buổi sáng sẽ qua học bán trú vệ tinh tại trường khác.
Tình trạng không có bán trú khiến phụ huynh khổ sở, nhất là những phụ huynh có con ở lớp đầu cấp. Tại Trường Tiểu học Thái Văn Lung (quận Thủ Đức), trong số 6 lớp 1 thì chỉ có 3 lớp bán trú. Một phụ huynh tại trường này kể rằng trước khi có danh sách xếp lớp, nhiều phụ huynh xếp hàng cố nài nỉ xin cho con nhưng không được. Trong khi đó lại có tình trạng HS đang học lớp 4 bỗng dưng phải cắt bán trú để ưu tiên cho các lớp nhỏ hơn.
Sĩ số tăng chóng mặt
Năm học 2018-2019, tại Hà Nội có 130.000 HS vào lớp 1, tăng 30.000 em so với năm học trước. Lứa HS "rồng vàng" 2012 tăng mạnh đã khiến các trường quá tải.
Trong khi điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp có không quá 35 HS, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, thừa nhận việc quá tải đã khiến sĩ số ở không ít trường tiểu học các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân... lên tới 60 HS/lớp. Đặc biệt có trường lên đến 69 HS/lớp như Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân. Trường này có 9 lớp 1 thì 7 lớp có sĩ số 69 HS, 2 lớp sĩ số 68 HS. Ba em phải chen chúc một bàn, trong khi bàn chỉ thiết kế tối đa cho 2 em.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô, Trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy); Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân)...
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, cho hay quận phải tuyển vượt chỉ tiêu mới hết số HS có nhu cầu học. Như vậy, tổng số tăng so với năm trước của quận Tây Hồ là 790 em, tương đương với chỉ tiêu khối lớp 1 của một trường mới. Tại Trường Tiểu học Chu Văn An, ngoài chỉ tiêu 520 HS đã được tuyển vào, vẫn còn thêm 100 HS có nhu cầu học. Vì vậy, quận tăng thêm 2 lớp để 100 em này sang học ở 2 trường tiểu học là Xuân La và Đông Thái.
Quận Thanh Xuân cũng tăng khoảng 1.200 HS lớp 1 so với năm học trước. Theo tính toán, quận cần khoảng 300 phòng học và các trường đã phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất để đáp ứng số lượng HS tăng đột biến này.
Tạm học theo ca Bà Đinh Thị Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), cho hay trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 500 em nhưng số lượng HS đăng ký lên tới 563 nên phải chia tới 13 lớp 1. Do thiếu phòng học nên hiện trường đang dùng tạm cả phòng chức năng, chia ca để giảng dạy. Theo đó, HS lớp 1 học thứ hai, thứ sáu; HS lớp 2 đến lớp 5 học thứ ba, năm, bảy. Sau khi chuyển địa điểm sang trường mới vào đầu tháng 9, nhà trường mới có thể giảm tải. |
Tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018: Đại học vùng lao đao vì không tuyển đủ
Kết thúc đợt 1 xét tuyển năm 2018, nhiều trường đại học vùng vẫn còn thiếu hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. ... |
Thông tin tuyển sinh 2018 (15/8): Học sinh THCS sẽ được miễn học phí
Giáo dục TP HCM lo lắng về lạm thu; miễn, giảm học phí cho học sinh các trường mầm non ngoài công lập tại Nghệ ... |
Chuẩn bị vào năm học mới, giáo viên vẫn chưa biết dạy trường nào
Chuẩn bị đến năm học mới 2018-2019, những trường THPT trong diện phải giải thể theo đề án sắp xếp các trường THPT công lập ... |