Tại sao Eximbank công bố sớm kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên 2020?

Với việc bầu ra thành viên bộ máy lãnh đạo mới nhiệm kỳ VII (2020 - 2025), phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank được kì vọng sẽ thống nhất được cơ cấu HĐQT và tìm được tiếng nói chung giữa các cổ đông lớn.
Tại sao Eximbank công bố ‘sớm’ kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên 2020? - Ảnh 1.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, HĐQT Eximbank ngày 30/10/2019 đã công bố Nghị quyết 574/2019/EIB/NQ-HĐQT thống nhất lộ trình tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 (kí bởi Chủ tịch Cao Xuân Ninh).

Theo đó, HĐQT chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/11/2019 để cổ đông thực hiện quyền ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Dự kiến đến ngày 2/12/2019, Eximbank sẽ gửi thông báo chi tiết cho cổ đông có tên trong danh sách chốt về việc ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Thời gian nhận hồ sơ của cổ đông/nhóm cổ đông về việc ứng cử, đề cử nhân sự sẽ kéo dài từ 7h30 ngày 9/12/2019 đến 16h ngày 23/12/2019. Địa chỉ nhận hồ sơ là Văn phòng HĐQT Eximbank tại Tầng 8, Tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP HCM.

Khoảng thời gian kiểm tra hồ sơ ứng cử, đề cử dự kiến sẽ kéo dài từ ngày 24/12/2019 đến ngày 8/1/2020.

Tiếp đó, vào ngày 20/1/2020, Eximbank sẽ trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự được bầu trước khi tiến hành bầu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020.

Đến ngày 10/3/2020, HĐQT cũng thống nhất chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền tham dự họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 22/4/2020 tại Trung tâm Hội nghị White Palace (TP HCM).

Với giới đầu tư, đặc biệt là các cổ đông Eximbank, phiên họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào năm sau được đánh giá có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định phương hướng của Eximbank. Bởi, một trong các nội dung được đưa ra tại Đại hội là bầu ra HĐQT, BKS cho nhiệm kì mới (2020 – 2025).

Về tính chất, đây có thể coi là cuộc họp ĐHĐCĐ “kép”, gộp cả ĐHĐCĐ cả năm 2019 và 2020.

Bởi lẽ, Nghị quyết cho thấy, nội dung dự kiến tại cuộc họp tới bao gồm các nội dung trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 (chưa được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2019).

Như Nhadautu đã đưa tin, nhà băng này đã hai lần không thể tổ chức ĐHĐCĐ. Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên lần đầu tổ chức ngày 26/4 chỉ có 57% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, thấp hơn mức 65% theo Điều lệ và bởi vậy không thể tiến hành. ĐHĐCĐ thường niên lần 2 sau đó dự kiến tổ chức ngày 25/5 cũng đã bị hoãn lại do “cần thêm thời gian để hoàn thiện kĩ lưỡng công tác tổ chức”.

Đến ngày 21/6, ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng đã đủ điều kiện với 199 cổ đông, đại diện cho 93,88% cổ phần có quyền biểu quyết. Dù vậy, Đại hội vẫn không thể tiến hành do sự bất đồng lớn giữa các nhóm cổ đông lớn và không thể thông qua quy chế Đại hội.

Cuộc chiến tranh chấp quyền lực đã âm ỉ suốt nhiều năm qua tại Eximbank và "bùng cháy" từ Nghị quyết HĐQT bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT ngày 22/3/2019. Theo sau đó là quá trình kiện cáo kéo dài gần hai tháng, trước khi nhóm ông Lê Minh Quốc rút đơn vào ngày 14/5.

Ngày 22/5, HĐQT Eximbank có Nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm Chủ tịch HĐQT ông Lê Minh Quốc, đồng thời cuộc họp ngày 20/5 đã bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT mới. Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng thông qua bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó TGĐ thường trực (nhân sự dự kiến giữ chức danh Tổng giám đốc) làm quyền Tổng giám đốc ngân hàng.

Tới lúc này, những tưởng các bên đã tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên ngày 5/6, cổ đông CTCP Rồng Ngọc - pháp nhân có liên hệ tới nhóm Nam A Bank đã khởi kiện yêu cầu đình chỉ Nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Cảnh Vinh làm quyền Tổng giám đốc và khôi phục vị trí Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú.

Diễn biến này cho thấy cuộc "nội chiến" ở Eximbank vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, với sự xung khắc giữa các bên thậm chí ngày càng lớn hơn. Dù sau đó, TAND Quận 1 ngày 19/6/2019 đã ra quyết định đình chỉ giải quyết việc “Yêu cầu đình chỉ thực hiện Nghị quyết của HĐQT” của CTCP Rồng Ngọc.

Cho đến nay, ông Cao Xuân Ninh vẫn đảm nhiệm vị trí này dù một các nhóm cổ đông vẫn đặt vấn đề về tính hợp pháp trong những quyết định bổ nhiệm ông.

Trở lại với kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Eximbank, việc gộp hai ĐHĐCĐ (cũng có thể hiểu là bỏ qua ĐHĐCĐ thường niên 2019) cho thấy HĐQT Eximbank đang dồn nhiều kì vọng vào năm tới.

Tuy nhiên, việc không tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 cũng đặt ra dấu hỏi lớn về mặt pháp lí. Ngoài ra, nó cũng cho thấy những tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank vẫn chưa dứt và khó có thể giải quyết thỏa đáng trong ngắn hạn. Những diễn biến này dự báo một phiên họp ĐHĐCĐ đầy khó khăn nữa của Eximbank.

Dù vậy, giới đầu tư, và các cổ đông nhỏ lẻ của Eximbank vẫn có thể đặt niềm tin về sự chuyển biến mới của ban lãnh đạo nhà băng này.

chọn
Nhiều dự án ở tỉnh lẻ bung hàng
Những tháng cuối năm, thị trường bất động ở các tỉnh lẻ như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Ninh... bắt đầu đón nguồn cung từ các dự án mới.