Bạn Nguyễn Đình Anh, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí động lực - ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2017, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng đi một số công ty xin việc, có công ty tôi cảm thấy không phù hợp, cũng có công ty tôi mong muốn vào thì lại không liên hệ tuyển dụng tôi”.
Tìm hiểu sâu về lý do một số công ty không tuyển dụng cũng như những kỹ năng cần, Đình Anh chia sẻ tiếp: “Có thể họ thấy tôi không phù hợp với vị trí ứng tuyển, họ lo ngại sinh viên Bách khoa không gắn bó lâu dài. Còn về cơ hội việc làm tôi đang cố nắm bắt và do bản thân mình có năng nổ hay không. Về kiến thức và kỹ năng thì chắc chắn là phải trau dồi nhiều thứ như kỹ năng về kỹ thuật auto cad, solid work và một số kỹ năng khác như tiếng Anh giao tiếp".
Không chỉ là nỗi băn khoăn của Nguyễn Đình Anh, mà còn rất nhiều những sinh viên mới ra trường khác cũng đều gặp phải những khó khăn về kỹ năng cũng như về phía nhà tuyển dụng như vậy.
Sinh viên cần trang bị những kỹ năng khi ra trường (Ảnh: Giaoduchocduong.com) |
Chuyên gia nói gì về kỹ năng của sinh viên hiện nay?
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Phan Hoàng Ngọc – Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên trực thuộc Bộ Tư Pháp.
NCS. Phan Hoàng Ngọc (Bên trái) – Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên trực thuộc Bộ Tư Pháp |
Xin ông cho biết, điều gì dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không tìm được việc làm?
Ông Phan Hoàng Ngọc: Chương trình đào tạo của hai khối ngành (Tự nhiên và Xã hội) có sự chênh lệch lớn, cụ thể: khối ngành Kỹ thuật thì đào tạo thiên về thực hành, không mấy đào tạo các kỹ năng. Ngược lại, với khối ngành Xã hội thì lại nghiêng về đào tạo kỹ năng mà lại không chú trọng vào đào tạo thực hành. Do chưa có sự chú trọng đó nên sinh viên khối ngành số ít đáp ứng được cả về mặt chuyên môn lẫn kỹ năng của nhà tuyển dụng. Đó là nguyên nhân thứ nhất.
Nguyên nhân thứ hai, tôi cho rằng tính chủ động của sinh viên hiện nay chưa cao, chỉ có một số ít sinh viên trong quá trình học tập quan tâm đến các kỹ năng khi ra trường. Chính vì vậy, tỷ lệ sinh viên ra trường đáp ứng các kỹ năng mà nhà tuyển dụng là rất ít.
Có một số ý kiến cho rằng sinh viên hiện nay cái gì cũng biết nhưng không biết sâu cái gì? Ông đánh giá về hiện trạng này như thế nào?
Ông Phan Hoàng Ngọc: Ý kiến này có một phần đúng, nguyên nhân là do chương trình đào tạo nhà trường còn bó hẹp trong giáo trình và khả năng của giáo viên chứ chưa đào tạo được những kiến thức xã hội và doanh nghiệp cần. Do đó, sinh viên có lượng kiến thức hạn chế, hàn lâm, lý thuyết nhiều hơn thực hành. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại cho chất lượng sinh viên hiện tại.
Theo ông các tân sinh viên hiện nay cần trang bị những kỹ năng gì khi ra trường?
Phan Hoàng Ngọc: Sinh viên cần trang bị những kỹ năng với mục tiêu tìm việc. Khi tìm được công việc mình mong muốn thì ngoài những kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường ra, theo tôi tính chủ động của sinh viên được đặt lên trên hàng đầu.
Bởi lẽ đòi hỏi sinh viên cần chủ động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng hiện tại ra sao, họ cần kỹ năng: ngoại ngữ, tin học, soạn thảo văn bản… hay các kỹ năng mềm khác như: giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán, quản lý thời gian… như thế nào?
Mặt khác, về phía Nhà trường, cơ quan tuyển dụng, doanh nghiệp cần có sự phối hợp nhằm khảo sát nhu cầu chất lượng lao động từ đó có sự điều chỉnh về chương trình đào tạo, phương pháp dạy học để trang bị cho sinh viên tốt hơn.
Hướng đi cho sinh viên từ phía nhà tuyển dụng
Nhiều nhà tuyển dụng cho biết, đối bới họ một bảng điểm đẹp không phải là điều quan trọng họ cần ở sinh viên mới ra trường. Vậy điều gì sẽ quyết định các nhà tuyển dụng sẽ ứng tuyển các bạn?
Buổi tư vấn tuyển dụng tại trường ĐH Mỏ - Địa chất năm 2014. Ảnh ĐH Mỏ - Địa chất. |
Theo TS Trần Hữu Phúc – Giảng viên ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, ông cũng là Giám đốc Công ty TNHH MTV Phan Quang Quảng Ninh, cho biết: “Hiện nay sinh viên ra trường dẫu có bằng đẹp, điểm cao nhưng vẫn chủ yếu trên một mớ lý thuyết, khả năng thực hành còn hạn chế.
Sinh viên được học nhiều kiến thức quá nhưng lại không sâu nên cứ nghĩ là cái gì mình cũng biết, nên khi giao cho giải quyết một công việc chưa được, thay vì cố gắng như những người chỉ biết 1 việc, thì lại nảy sinh tư tưởng nhảy sang việc khác và dẫn đến thái độ bất an, bất phục tùng. Điều này ngược với người sử dụng là họ muốn tính ổn định lâu dài và tính phục tùng, kỷ luật cao".
Quả thật, sinh viên ra trường hiện nay có kiến thức nhưng thiếu kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng cần thiết để làm việc. Một số bạn trẻ còn cho rằng, các nhà tuyển dụng chỉ cần tuyển người có năng lực chuyên môn, vi tính thành thạo, ngoại ngữ bằng A, B, C… Chính vì thế, sinh viên đổ xô đi học nhiều bằng khác nhưng với các chủ doanh nghiệp và công ty chú trọng đến các kỹ năng làm việc, cách đối mặt với những khó khăn.
TS Phúc khẳng định: “Là một nhà tuyển dụng, yêu cầu đầu tiên của tôi là có sức khỏe tốt, có sự gắn bó lâu dài của lao động đối với doanh nghiệp; thái độ của người lao động đối với công việc, đồng nghiệp; khả năng sáng tạo và phát triển; sau là kiến thức chuyên môn và xã hội của người lao động…”
Không phải ra trường rồi thì sinh viên mới có thể bắt đầu công việc. Các bạn chưa có việc làm có thể là do các bạn còn thiếu các kỹ năng cần thiết, thiếu định hướng nghề nghiệp. Để giải quyết khó khăn này các bạn sinh viên hãy tự mình trau dồi những kỹ năng cần thiết, xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ khi bước chân vào cánh cửa Đại học. Để chắc chắn rằng các bạn có một hành trang đầy đủ khi bước ra khỏi cánh cửa nhà trường.