Evan Siddall, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Canada Mortgage and Housing Corporation (CMHC - tập đoàn thuộc Chính phủ Canada (Ca-na-đa), có nhiệm vụ góp phần bình ổn thị trường nhà đất và hệ thống tài chính), mới đây đã thừa nhận trên Twitter rằng CMHC đã sai lầm khi năm ngoái dự báo sự sụp đổ kinh tế do đại dịch gây ra có thể khiến giá nhà giảm tới 18%.
Câu hỏi đang nổi lên hiện nay đó là liệu phần lớn các khu vực tại Canada có đang rơi vào tình trạng bong bóng bất động sản sắp vỡ hay không.
Tại Vancouver vào tháng 2/2021, giá các căn nhà biệt lập đã tăng 13,7% so với một năm trước, lên đến 1,6 triệu CAD (1,27 triệu USD). Tại khu vực Toronto, giá bán trung bình các căn nhà biệt lập đã tăng 23,1% so với cùng thời kỳ năm trước.
Thị trường thuộc về người bán là hiện tượng phổ biến hiện nay ở Canada, ngay cả vào thời điểm kinh tế khó khăn đối với nhiều người. Tại Ottawa, một thành phố có số lượng bán nhà kỷ lục vào tháng trước, không cần quá nhiều thời gian để các biển báo "Rao bán" được thay bằng nhãn "Đã bán".
Đại dịch COVID-19 đã không tác động đến thị trường như dự báo trước đó, mặc dù trong những tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng, thị trường bất động sản Canada đã suy giảm nghiêm trọng.
Khoảng 1/4 người dân Canada được hỗ trợ thu nhập khẩn cấp sau khi công việc của họ bị dừng lại vì nền kinh tế đóng cửa và một số lượng lớn người Canada phải trì hoãn các khoản thanh toán thế chấp. Sau đó, CMHC đã "vào cuộc", mua 150 tỷ CAD chứng khoán thế chấp để giữ mạch sống cho thị trường.
Một báo cáo từ CMHC cho thấy lý do tại sao - bất chấp những yếu tố đó - thị trường bất động sản lại tăng vọt thay vì rơi vào khủng hoảng. Một nguyên nhân là đại dịch không ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của nhóm có thu nhập cao. Tại Ottawa, Montreal, Toronto và Vancouver, báo cáo cho thấy sự tăng giá nhà rõ rệt nhất ở những ngôi nhà có giá cao.
Những người thu nhập cao hơn ít bị thất nghiệp hơn vì công việc của họ thường là có thể làm từ xa. Nhóm thu nhập cao cũng có thể tiết kiệm nhiều hơn bình thường, vì những hạn chế đi lại và mua sắm (được áp dụng trong đại dịch) đồng nghĩa với việc họ chi tiêu ít hơn. Kết hợp với lãi suất thế chấp siêu thấp, nhà ở trở thành mục tiêu hấp dẫn để chi tiêu số tiền đó.
Một lý do khác đó là nhu cầu tăng vọt. Báo cáo của CMHC kết luận rằng người mua đông hơn người bán trên thị trường ở nhiều khu vực đã tạo thành một tình huống hoàn hảo cho người bán. Đáng chú ý là mặc dù thừa nhận lỗi dự báo của mình, ông Siddall không kém phần thận trọng về tương lai và tỏ ý lo ngại về thị trường bất động sản của Canada.