Tài xế Uber, Grab Hà Nội: 'Muốn về nhà chắc phải xé logo'

Sáng 11/1, việc lắp đặt biển báo cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã hoàn tất tại nhiều tuyến phố Hà Nội. Nhiều tài xế xe hợp đồng Uber và Grab bối rối về phương án di chuyển.

Anh M. Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) lái chiếc Huyndai Grand i10 do chính mình làm chủ đang hoạt động dưới dạng đối tác của Uber. Ngoài thời gian mở ứng dụng để đón khách, anh dùng xe như phương tiện di chuyển thông thường của gia đình.

Với quy định của Sở GTVT Hà Nội cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi tại những tuyến phố đang cấm taxi truyền thống, thời gian thí điểm là một tháng, anh Dũng nhẩm tính khoảng 25.000 lái xe hợp đồng đối tác với Uber và Grab như anh sẽ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp, không chỉ đến thu nhập mà còn nhiều vấn đề liên quan.

Xe hợp đồng điện tử bị cấm như taxi là chấp nhận, nhưng...

"Việc xe hợp đồng bị cấm như taxi thì mình có thể hiểu và chấp nhận, nhưng nếu mình tắt ứng dụng, không sử dụng xe với mục đích chở khách mà vẫn bị cấm đường thì cuộc sống sẽ đảo lộn rất nhiều", anh Dũng nói.

tai xe uber grab ha noi muon ve nha chac phai xe logo

13 tuyến phố cấm xe hợp đồng giờ cao điểm ở Hà Nội. Đồ hoạ: Châu Châu.

Tài xế này nói rằng các trục đường bị cấm là những trục anh thường xuyên di chuyển để chở vợ con đi học, đi làm.

"Tôi sử dụng chiếc xe không khác gì những người khác sử dụng phương tiện cá nhân để phục vụ đời sống, giờ bị cấm đường tôi không biết phải đi lại ra sao. Cơ quan của vợ tôi nằm trên phố Láng Hạ, trường con tôi học cũng phải đi qua đường Trường Chinh, giờ cả hai trục đường này đều bị thí điểm cấm xe", anh nói thêm.

tai xe uber grab ha noi muon ve nha chac phai xe logo

Nhiều tài xế cho rằng việc cấm đường với xe hợp đồng đối tác Uber, Grab như taxi làm đảo lộn cuộc sống. Ảnh: Hiếu Công.

Tương tự, anh V. Bách (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay việc dùng xe cá nhân để chạy Grab chỉ là công việc bán thời gian của anh.

"Tôi vẫn còn công việc thường xuyên phải di chuyển trên trục đường Láng Hạ - Giảng Võ, giờ Hà Nội cấm xe hợp đồng chạy vào tuyến phố này tôi không biết phải tới chỗ làm bằng cách nào", anh Bách nói.

Cũng theo anh này, hôm nay anh phải gửi tạm xe ở Hoàng Cầu để đi bộ vào Giảng Võ giải quyết công việc. Nhưng không thể làm cách này mãi, vì chi phí gửi xe rất tốn kém cũng như quãng đường đi bộ rất xa.

Tính cách sống chung với biển cấm

Chung quan điểm với hai tài xế trên, nhiều tài xế xe hợp đồng khác thể hiện sự bối rối vì cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều người cho rằng việc cấm đường với xe hợp đồng như taxi là chưa hợp lý, vì tính chất của hai loại hình này không giống nhau.

"Taxi đã ra đường là để kinh doanh, trong khi xe hợp đồng chúng tôi lúc tắt ứng dụng đi thì không khác gì phương tiện cá nhân. Hơn nữa việc cấm đường sẽ khiến cả taxi và xe hợp đồng đi vào những tuyến tránh, đường thay thế, tuyến cấm, khiến tình trạng ùn tắc tại những tuyến đường này trầm trọng hơn", anh Hải, lái xe hợp đồng của Grab khẳng định.

Nhiều khách hàng cũng chia sẻ sự bất tiện kể từ khi có lệnh cấm đường đối với xe hợp đồng. Chị Phương Chi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay ngày 11/1 chị đã mất tới 30 phút để chờ một cuốc xe Uber đón chị tại Giảng Võ.

"Mình gọi UberX tới đón từ chỗ làm trên đường Giảng Võ từ 19h nhưng phải 30 phút xe mới tới đón, với lý do đường Giảng Võ cấm trong khung giờ cao điểm", chị Chi nói.

Cũng theo chị, trước đây đường Giảng Võ đã cấm taxi nên Uber, Grab là "cứu cánh", nay loại xe này cũng bị cấm nốt nên khách có nhu cầu di chuyển sẽ khó khăn rất nhiều.

Hay như trường hợp của đồng nghiệp chị Chi, mà theo chị kể lại đã "vừa phải đi bộ sang Hoàng Cầu để đón xe, vừa phải đi đường vòng để tránh đường cấm nên quãng đường thường ngày chỉ mất 50.000-60.000 đồng để di chuyển thì nay đã lên tới gần 100.000 đồng".

tai xe uber grab ha noi muon ve nha chac phai xe logo

Việc gắn biển báo thí điểm cấm xe hợp đồng đã hoàn thành trong ngày 11/1 và chính thức có hiệu lực. Ảnh: Văn Chương.

"Nhờ" khách đi bộ sang đường không bị cấm gần nhất cũng là một trong những cách mà tài xế đang áp dụng để tiếp tục đón khách những khu vực bị cấm đường. Phản đối, nhưng các tài xế loại hình xe này cũng bàn nhau tìm cách "sống chung với biển cấm".

T. Quang, một lái xe có nhà riêng trên phố Láng Hạ, nói rằng nếu "bí quá chắc mỗi ngày, khi chạy xe về nhà mình phải xé phù hiệu xe hợp đồng, hôm sau dán lại. Chứ giờ đường về nhà cũng bị cấm rồi, nhiều khi muốn về trong giờ cao điểm mà xe lại bị tính là đang kinh doanh, không vào được nhà", anh Quang cho biết.

Cùng làm dịch vụ, tài xế cần được công bằng

Đã bị cấm ở các tuyến đường này nhiều năm nay, anh B. Đắc (Hoàng Mai, Hà Nội), một tài xế của hãng taxi Vạn Xuân, cho rằng việc Uber và Grab phải chịu quản lý tương tự như với taxi là điều đương nhiên và công bằng.

"Trước nay họ thoải mái đón khách trong khu vực cấm taxi, trong khi chúng tôi mất hẳn khách ở những địa bàn này. Về hình thức thì cùng là ôtô chở khách, cùng gây tắc đường nhưng xe hợp đồng lại không hề bị cấm", anh Đắc nói.

Cũng theo tài xế này: "Việc cấm đường với xe Uber và Grab là chuyện đáng ra phải làm từ lâu, để công bằng với tài xế taxi. Còn chuyện các anh ấy có bật ứng dụng hay không làm sao có ai kiểm soát được. Các anh tham gia chở khách thì cũng phải tuân thủ luật như mọi người".

Trước khi Hà Nội thí điểm cấm đường với xe hợp đồng áp dụng như taxi, chia sẻ với Zing.vn vềnhững được mất sau 2 năm thí điểm dịch vụ gọi xe Uber, Grab, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho rằng Uber, Grab đã góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, taxi cũng có nhiều bức xúc, nhất là sự thiếu công bằng giữa xe ứng dụng hợp đồng điện tử và dịch vụ taxi truyền thống.

"Tôi lấy ví dụ ở một số tuyến phố, taxi bị cấm nhưng xe hợp đồng điện tử lại không bị cấm gây nên sự thiếu công bằng. Người ta cũng băn khoăn là thuế đã bình đẳng chưa? Vấn đề này cũng cần phải nghiên cứu và trong thời gian tới cần có quy định cụ thể hơn, để đảm quản lý chặt chẽ và bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau", ông Ngọc nói.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thì nhấn mạnh cần phải nhận diện Uber, Grab như taxi, để từ đó mới có cách ứng xử cho phù hợp. “Nhận diện nó, biết bản chất của nó, chứ chúng ta không cấm”, ông Viện nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng từng khẳng định Bộ sẽ sửa đổi các quy định và điều kiện kinh doanh theo hướng rõ ràng và tạo sự công bằng giữa các loại hình ta xi và xe hợp đồng điện tử.

Về việc thực hiện thí điểm cấm xe tại một số tuyến đường, ông Viện cho biết Sở sẽ lấy ý kiến của người dân. 10 ngày đầu cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở những lái xe vi phạm.

13 tuyến phố cấm xe hợp đồng vào giờ cao điểm gồm Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.
chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.