Tối 12/11, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ GD&ĐT đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Gần 40 thầy cô giáo xuất sắc đại diện cho các điểm trường còn gặp nhiều khó khăn nơi hải đảo đã được vinh danh.
Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận TƯ ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các thầy cô giáo nơi biển đảo còn khó khăn của cả nước (Ảnh: Nhật Cường). |
Phải xin nhiều lần mới được ra đảo “dạy học”
Câu chuyện về một thầy giáo thuộc thế hệ 9x xung phong ra đảo Song Tử Tây – huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã khiến nhiều người cảm thấy khâm phục. Đó là thầy giáo Lê Văn Quyết (SN 1990) – Giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây từ tháng 6/2013.
Thầy Quyết chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình rất khó khăn, từ nhỏ, tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình đã phải nghỉ học. Từ đó, tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành một thầy giáo dạy giỏi, để cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách tới trường.
Thầy giáo Lê Văn Quyết (SN 1990) – Giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây – huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Nhật Cường). |
Để thực hiện ước mơ, sau khi tốt nghiệp, tôi thường đến Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hoà rất nhiều lần để hỏi khi nào có đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa. May mắn có dịp tuyển và tôi được chọn. Tôi đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dạy học, dù khi đó tôi chưa biết hoàn cảnh cụ thể trên đảo ra sao”.
Người thầy giáo trẻ vẫn nhớ lần đầu tiên lên tàu ra đảo. Lúc ấy, cảm giác say sóng vật vờ trên thuyền gần như không biết gì nhưng đến bây giờ thì thầy đã quen.
“Khi đó, đảo không có trường riêng, lớp học chỉ là nhà tạm đơn sơ mượn của bộ đội. Không có quạt điện, học sinh ngồi học mà mồ hôi chảy ròng ròng, vừa học vừa lau mồ hôi lăn trên trán, nhưng ánh mắt vẫn rạng ngời niềm say mê với con chữ càng thấy thương các học trò hơn”, thầy Quyết xúc động nói.
Nhìn lại chặng đường hơn 3 năm dạy chữ trên đảo Song Tử Tây, thầy giáo 9x cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn. Với thầy Quyết giờ đây đảo là nhà, các cán bộ chiến sỹ và nhân dân, học trò trên đảo là một gia đình lớn.
Hay như câu chuyện của thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ (SN 1990) - Giáo viên Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là một minh chứng cho tình yêu nghề, yêu biển đảo của mình. Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, anh viết đơn tình nguyện ra huyện đảo Trường Sa dạy học khi biết tin Sở GD&ĐT Khánh Hòa đang tuyển giáo viên tiểu học cho Trường Sa. Để được ra đảo dạy học, anh đã phải giải thích, thuyết phục bố mẹ cũng như động viên người yêu.
Mãi bền chí nơi biển đảo quê hương
Là một trong số các thầy cô có độ tuổi trẻ nhất được vinh danh lần này, cô giáo Quảng Thị Thúy Ngân (SN 1991) – Giáo viên Trường Mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ hết sức xúc động với chúng tôi.
Cô giáo Quảng Thị Thúy Ngân (SN 1991) – giáo viên Trường Mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Nhật Cường). |
Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn năm 2011, Ngân quyết định về quê để xin việc. Ngày nhận được quyết định về dạy học tại trường mầm non Thạnh An, cô rất xúc động và muốn được lên lớp ngay.
“Mới đó mà đã hơn 4 năm, giây phút đó có lẽ tôi không bao giờ quên được bởi không chỉ thực hiện được ước mơ dạy trẻ mầm non mà còn được cống hiến trên chính quê hương của mình. Được góp phần truyền tình yêu thương của những con người trên đảo đến các em nhỏ là niềm vui vô cùng lớn với tôi”, cô giáo Thúy Ngân tâm sự.
Cô Ngân cũng chia sẻ, ra thăm Hà Nội lần này nhìn thấy học sinh thành phố mặc quần áo đồng phục đẹp, tự tin giao tiếp và được sự quan tâm sâu sát của bố mẹ, cô lại nghĩ tới học trò nơi xã đảo còn nhút nhát nên càng quyết tâm phấn đấu để dạy tốt hơn.
“Đời sống bà con vùng xã đảo nơi tôi đang công tác còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, ý thức học của các con rất ngoan ngoãn, chịu khó cùng cô làm ra các món đồ chơi ‘tự chế’ từ vỏ sò, ốc biển cũng đủ làm cho cô trò rất vui vẻ, đầm ấm. Điều này làm tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc mỗi ngày đến trường”, cô giáo Thúy Ngân xúc động nói.
Khi được hỏi nếu có cơ hội được vào trong đất liền dạy học, cô Ngân cười hiền cho biết: “Chính những nụ cười ngây thơ, chân chất của các con nơi xã đảo quê hương đã truyền cảm hứng cho tôi yêu lấy nghề này. Dù như thế nào thì tôi vẫn sẽ kiên trì bám trụ nơi xã đảo quê hương dẫu còn lắm khó khăn, gian khổ này!”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến (SN 1987) – Giáo viên tại Trường Tiểu học và THCS Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh nhận bằng khen và kỷ niệm chương tại chương trình (Ảnh: Nhật Cường). |
Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Yến (SN 1987) – Giáo viên tại Trường Tiểu học và THCS Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Học trò vừa học vừa phải tranh thủ thời gian để về phụ giúp cha mẹ đi biển, hay là mò cua bắt ốc. Điện ở trên đảo cũng không đầy đủ nên học trò phải học dưới ngọn đèn leo lét.
Sống ở đảo tôi phải học đánh cá để hoà nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây. Để cô trò thêm gần gũi, giờ ra chơi cô trò chúng tôi ngồi tết tóc cho nhau, tôi nghe các trò kể chuyện và hiểu thêm về các em”.
Thầy giáo Huỳnh Tấn Phát (SN 1983) – Phụ trách công tác Đoàn, Đội tại Trường THCS An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng không giấu nổi niềm vinh dự và xúc động khi nằm trong danh sách được vinh danh lần này.
Thầy giáo Huỳnh Tấn Phát chia sẻ với phóng viên (Ảnh: Nhật Cường). |
Được biết, thầy Phát công tác tại trường từ năm 2008 đến nay. Ngoài phụ trách công tác Đoàn, Đội thầy cũng được phân công dạy thêm cả môn Thể dục và Hát nhạc cho các em.
“Trước hôm tôi lên đường ra Hà Nội tham gia chương tình này, các học trò ở trường đã hát tặng tôi một bài hát và dặn, thầy đi nhớ giữ sức khỏe và ghi lại các cảnh đẹp ở Thủ đô cho các em nghe. Khi ấy, tôi đã rưng rưng nước mắt vì tụi trẻ. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được ra Hà Nội và chắc chắn sẽ có nhiều chuyện để kể với các em học sinh thân yêu nơi quê nhà”, thầy Huỳnh Tấn Phát chia sẻ.
Ngoài ra, còn rất nhiều gương thầy cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 40 điểm trường còn gặp khó khăn nơi biển đảo quê hương cũng đã góp mặt tại chương trình. Mỗi người là một câu chuyện đầy xúc động về tình thầy trò rất đỗi thiêng liêng.
Họ mãi xứng đáng với tên gọi những “Người chiến sĩ văn hóa” vẫn đang kiên trì bám biển đảo, gắn bó với sự nghiệp trồng người đầy tự hào của đất nước. Đây sẽ là món quà ý nghĩa nhất đối với các thầy cô nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.