Cái nghèo, cái khổ mãi đeo bám
Anh Tú kể về cuộc đời bôn ba của hai vợ chồng. Ảnh: Trang Anh. |
Từ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chúng tôi vượt gần 50km để về thị xã Buôn Hồ tìm gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1982) và anh Nguyễn Hoàng Tú (SN 1980). Trước mắt chúng tôi là căn nhà gỗ lụp xụp, trời nắng xuyên rọi khắp nơi, còn trời mưa nước hắt vào bốn phía.
Với gương mặt gầy guộc, lem luốc cùng nước da ngăm đen, anh Tú kể về quãng đời bất hạnh, nay đây mai đó của hai vợ chồng. Anh kể, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cha mẹ mang theo anh từ Miền Tây lên TP HCM để kiếm sống từ khi mới bập bẹ biết nói.
Đến thành phố phồn thịnh những tưởng cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi, nhưng khi đến đây anh bị mẹ ruột đem cho một người đạp xích lô nuôi dưỡng. Sau đó, lần lượt anh như “một món hàng” được “sang tay” qua vài ba lần nữa. Đến năm sáu tuổi anh được hai vợ chồng ở Đắk Lắk đón về chăm sóc.
Mặc dù có gia đình nhưng không được quan tâm, chăm sóc nên khi lên 18 anh Tú đã rời khỏi nhà xuống TP HCM lập nghiệp. Do không có giấy tờ tùy thân nên sau khi bươn chải qua nhiều nghề anh được đưa vào Nhà nuôi Chánh Phú Hòa (tỉnh Bình Dương) học nghề. Tại đây, anh Tú và chị Hiền gặp gỡ, đồng cảm với hoàn cảnh nên đã đến với nhau sau bao thăng trầm của cuộc sống.
“Sau ba năm được học nghề tại nhà nuôi Chánh Phú Hòa, năm 2011 tôi và vợ về Đắk Lắk sinh sống, lập nghiệp và có với nhau đứa con đầu lòng. Những ngày đầu lên đây chúng tôi phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống, ai thuê gì làm nấy nhưng vẫn không đủ sống”, anh Tú chia sẻ.
Do không được ăn học tử tế, anh Tú và chị Hiền không biết chữ, không nhận thức được kế hoạch hóa gia đình, chính vì vậy anh chị lại có thêm hai đứa con. Cuộc sống đã nghèo, khó khăn lại càng trở nên túng thiếu triền miên. Hiện tại, căn nhà anh chị đang ở phải thuê với mức 600.000 đồng/tháng nhưng với thu nhập vài chục nghìn đồng/ngày thì việc lo miếng cơm manh áo quả thật rất khó khăn.
“Đứt ruột” đưa con đi xin ăn
Ngôi nhà anh Tú và chị Hiền đang ở lụp xụp và dột nát. Ảnh: Trang Anh. |
Đứa con đầu của anh chị nay mới lên sáu tuổi, còn đứa con út chỉ mới tròn ba tuổi. Vì hoàn cảnh khó khăn nên ba đứa con của anh chị cũng không được đi học đàng hoàng như cha mẹ chúng. Hàng ngày, khi ra khỏi nhà đi bán vé số, chị Hiền phải dắt theo con ra chợ để xin thêm ít tiền lo đường sữa.
“Những hôm bán không được, không ai cho tiền cả nhà phải nhịn đói, những đứa nhỏ nheo nhóc cứ khóc đòi sữa, đòi đồ ăn. Lúc đó, hai vợ chồng tôi nhìn nhau bất lực, buồn ứa nước mắt”, chị Hiền tâm sự.
Chị Hiền còn cho biết, có hôm anh chị đi làm, các con đã tự ý ra chợ xin tiền. Sau đó, anh chị đã bị công an phường An Bình nhắc nhở, viết bản cam kết không cho các con ra đường đi ăn xin nữa.
“Không mẹ cha nào muốn con cái của mình đi ra đường để xin ăn, nhưng hoàn cảnh ép buộc vợ chồng tôi cày cuốc cả ngày cũng không đủ ăn, con cái biết sống sao. Sau khi được chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở nay vợ chồng tôi để con ở nhà, đến trưa thay phiên nhau về cho con ăn”, anh Tú rưng rưng nói.
“Nếu con sống với chúng tôi chỉ có khổ cả cuộc đời”
Vào ngày 15/11/2016, ở lần sinh thứ tư, chị Hiền đã hạ sinh một cô con gái kháu khỉnh. Nhưng điều kiện không cho phép, anh chị đành cho con của mình cho một cặp vợ chồng hiếm muộn ở TP HCM.
Sau khi giao con cho cặp vợ chồng hiếm muộn nuôi dưỡng, anh chị đã viết giấy cam kết cho con. Sau đó, nhận thấy hoàn cảnh của anh chị Hiền quá khó khăn, hai người này đã gửi lại 20 triệu bồi dưỡng sức khỏe và để anh chị lo cho ba đứa nhỏ ăn học.
“Một số người cho rằng vợ chồng tôi bán con lấy tiền, nhưng tôi không quan tâm miệng lưỡi thế gian, tôi chỉ biết nếu con sống với chúng tôi chỉ có khổ cả cuộc đời. Hiện tại, gia đình tôi chỉ mong ba đứa nhỏ có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Nhưng nay, giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu hai vợ chồng tôi chưa có nên không thể làm giấy khai sinh cho các con được. Chính quyền cũng đã hướng dẫn làm các thủ tục liên quan, nhưng ngày ngày các con vẫn đói thì vợ chồng tôi biết xoay sở ra sao”, anh Tú tâm sự.
Nuốt nước mắt vào trong, anh Tú và chị Hiền nói, khi hạ sinh ba cháu trước anh chị phải trốn viện vì không có tiền trả tiền viện phí.
“Lần này đứa thứ tư của chúng tôi ra đời, chúng tôi đành lòng phải cho đi để hy vọng ở một gia đình mới con sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn”, chị Hiền buồn rầu nói.
Ông Hồ Vĩnh Tùng, trưởng công an phường An Bình xác nhận, trước đây đã từng xử lý trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền và anh Nguyễn Hoàng Tú để con đi ăn xin ngoài chợ.
“Sau khi bị xử lý vào tháng 11/2016 đến nay, chúng tôi chưa thấy tình trạng ba người con ngồi ăn xin nữa”, ông Tùng thông tin.
Cũng theo ông Tùng, gia đình anh Tú, chị Hiền sinh sống từ năm 2010 đến nay, nhưng chỉ mới đăng kí tạm trú. Gia đình chưa có sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân, các con của anh chị cũng không đi học do chưa có giấy khai sinh.
“Hoàn cảnh gia đình anh Tú chị Hiền vô cùng khó khăn, ăn còn lo không nổi thì làm sao có thể cho con cái ăn học tử tế như người ta. Đơn vị cũng đã hướng dẫn các thủ tục làm các giấy tờ cá nhân để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa nhận được các giấy tờ cần thiết để hoàn tất các thủ tục”, ông Tùng cho hay.