Tâm trạng khác nhau của cử tri Mỹ về ngày trọng đại 3/11

Trong khi cử tri Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump vì lập trường cứng rắn của ông với Trung Quốc, số khác lại lo lắng về kịch bản bạo động nổ ra trên khắp đất nước bất luận ứng viên nào đắc cử.
Muôn vàn tâm trạng của cử tri Mỹ về ngày trọng đại 3/11 - Ảnh 1.

Cử tri đi bỏ phiếu trong các khối hộp giãn cách. (Ảnh: Getty Images)

Bất luận kết quả thế nào, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã trở thành một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử Mỹ khi mà gần 100 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu sớm. Con số này tương đương hơn 2/3 tổng số phiếu bầu phổ thông trong cuộc bầu cử năm 2016.

Tính đến chiều tối ngày 3/11 theo giờ Việt Nam (tức sáng cùng ngày theo giờ Mỹ), đã có gần 99,7 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu, trong đó có gần 35,7 triệu người đi bỏ phiếu trực tiếp và gần 64 triệu người bỏ phiếu qua thư.

Tổng số cử tri đi bỏ phiếu tại Texas và Hawaii đã vượt số liệu năm 2016, trong khi các bang chiến địa như North Carolina, Georgia và Florida cũng đã đạt khoảng 90% số phiếu bầu của 4 năm trước.

Theo New York Times, đến nay đã có 20 bang báo cáo dữ liệu về các cử tri đăng kí bỏ phiếu sớm. Dự án Bầu cử Mỹ nhận thấy 45% trong số này ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden, 30% nghiêng về phe Tổng thống Trump và 24% không lựa chọn theo phe nào.

Cử tri Mỹ gốc Việt

Cử tri Mỹ gốc Á nhìn chung có xu hướng thiên tả (ngả theo Đảng Dân chủ) trong các cuộc bầu cử gần đây, song một bộ phận đã chuyển sang phe cánh hữu (thiên về Đảng Cộng hoà), tích cực nhất là cử tri Mỹ gốc Việt và ít nhất là cử tri Mỹ gốc Ấn.

Theo khảo sát của APIAVote, trong cuộc bầu cử năm nay, người Mỹ gốc Việt và gốc Philippines là hai nhóm cử tri gốc Á ủng hộ Tổng thống Trump mạnh mẽ nhất. 48% cử tri gốc Việt tham gia khảo sát cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, tăng so với con số 45% của năm 2016.

Muôn vàn tâm trạng của cử tri Mỹ về ngày trọng đại 3/11 - Ảnh 5.

Một cử tri ủng hộ ông Trump xếp hàng chờ trước khi bỏ phiếu thành phố Hillsboro, bang Virginia. (Ảnh: EPA)

Trên tạp chí Vox, tác giả Terry Nguyen đã phần nào hé lộ lí do. Theo anh, nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc. Hơn nữa, từ trước đến nay cũng chưa ai kiên quyết với Trung Quốc như ông Trump.

"Bác phải thừa nhận hơn 50% quyết định bỏ phiếu cho ông Trump có liên quan đến Trung Quốc", người bác của Terry Nguyen cho biết trong một cuộc điện thoại với anh. "Các bác thích ông Trump vì ông có cùng quan điểm với chúng ta về vấn đề đó".

Lo sợ bạo động

Sau khi tổ chức một mạch 5 sự kiện tranh cử cuối cùng hôm 2/11, ông Trump hiện đã trở về Nhà Trắng và sắp tiếp đón hàng trăm người để cùng theo dõi cuộc bỏ phiếu. Bên ngoài, người ủng hộ đã rồng rắn xếp hàng từ đêm khuya để bày tỏ sự ủng hộ với đương kim Tổng thống Mỹ.

Tại sự kiện tranh cử cuối cùng của ông Trump ở thành phố Grand Rapids (bang Michigan), hàng nghìn người ủng hộ chấp nhận lê bước qua những bãi đất lầy lội và xếp hàng dài bất tận để nghe ông Trump phát biểu trong đêm 2/11, rạng sáng 3/11.

Grand Rapids là địa điểm mang tính biểu tượng với ông Trump vì thành phố này là nơi ông khép lại chặng đua năm 2016. Giờ đây, ông Trump đang đứng trước một thời điểm bước ngoặc, hoặc kết thúc nhiệm kì hoặc tiếp tục 4 năm nữa.

Muôn vàn tâm trạng của cử tri Mỹ về ngày trọng đại 3/11 - Ảnh 7.

Cử tri chấp nhận đêm tối và thời tiết giá lạnh để tham dự sự kiện tranh cử cuối cùng của ông Trump và nghe ông phát biểu. (Ảnh: Reuters)

Trong đêm tối, khi nhiệt độ giảm xuống còn 4 độ C, người ủng hộ của ông Trump vẫn rất lạc quan. Tuy nhiên, nhiều người dự đoán sẽ có bất ổn xảy ra sau cuộc bầu cử.

"Kiểu gì cũng sẽ xuất hiện bạo lực", bất kể ông Trump hay ông Biden thắng cuộc, cô Angela Young, 43 tuổi, bày tỏ. Là người sở hữu súng sống ở một thị trấn nhỏ tại bang Michigan, cô Young cho hay cô không lo ngại về sự an toàn của bản thân, tuy nhiên viễn cảnh bạo lực nổ ra sau cuộc bầu cử là "không thể chấp nhận được".

Trong vài ngày trước thềm bầu cử, tâm lí đề phòng của người dân xuất hiện khắp trung tâm thủ đô Washington, trải dài từ khu vực quanh Nhà Trắng đến các khu phố giải trí về đêm ở Đường 14 và Adams-Morgan và thậm chí là lan sang khu vực ngoại ô.

Muôn vàn tâm trạng của cử tri Mỹ về ngày trọng đại 3/11 - Ảnh 8.

Thợ ốp ván ép vào mặt tiền các cửa hàng và tòa nhà văn phòng để tránh kịch bản bạo động. (Ảnh: New York Times)

Mặt tiền của nhiều cửa hàng và tòa nhà văn phòng được che chắn bằng ván ép trong suốt mấy ngày cuối tuần và có thể kéo dài cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc. Ván ép luôn khiến người dân bất an. Nó cho thấy hỗn loạn và bạo lực sắp lên ngôi, tờ New York Times bình luận. Và ván ép xuất hiện ở thủ đô Washington lại càng đáng quan ngại hơn.

Bản thân Tổng thống Trump cũng đã từ chối cam kết chuyển giao quyền lực hòa bình. Điều đó càng thổi bùng tâm lí lo sợ trong một bộ phận cử tri Mỹ về viễn cảnh bạo loạn nổ ra trên khắp đất nước.

Gia đình rạn nứt

Cuộc bầu cử thậm chí còn gây sứt mẻ tình cảm gia đình. Cách đây 5 tháng, bà Mayra Gomez, một cử tri cả đời ủng hộ Đảng Dân chủ, nói với cậu con trai 21 tuổi rằng vào ngày 3/11 bà sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Biết tin, cậu con trai đã từ mặt mẹ mình.

"Con trai tôi tuyên bố: 'Mẹ không còn là mẹ của con, vì mẹ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump", bà Gomez chia sẻ với Reuters. Cuộc trò chuyện cuối cùng của hai mẹ con cay đắng đến mức bà không chắc hai người có thể hòa giải, ngay cả khi ông Trump thua cuộc.

"Trong tâm trí nhiều người, ông Trump là một con quái vật. Thật đáng buồn. Nhiều người không còn nói chuyện với tôi và tôi cũng không chắc cuộc sống của mình có quay trở lại như xưa hay không", bà Gomez nói.

Muôn vàn tâm trạng của cử tri Mỹ về ngày trọng đại 3/11 - Ảnh 9.

Bà Mayra Gomez bị con trai từ mặt vì bỏ phiếu cho ông Trump. (Ảnh: Reuters)

Nhiều gia đình khác cũng nảy sinh hiềm khích và rạn nứt vì có người chọn bỏ phiếu cho ông Trump. Đáng buồn hơn, Reuters cho biết bà Gomez không phải người duy nhất tin rằng rất khó để hàn gắn lại mối quan hệ vụn vỡ giữa các thành viên, thậm chí cơ hội có thể bằng 0.

Trong các cuộc phỏng vấn với 10 cử tri, 5 ủng hộ ông Trump và 5 theo phe ông Biden, rất ít người cảm thấy có thể hàn gắn hoàn toàn mối quan hệ rạn nứt giữa các thành viên trong gia đình và hầu hết tin rằng chúng đã bị phá hủy vĩnh viễn.

Một báo cáo hồi tháng 9 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy gần 80% cử tri ủng hộ ông Trump và ông Biden cho biết họ có rất ít hoặc không có bạn bè ủng hộ ứng viên còn lại.

Cuộc bầu cử vẫn đang tiếp diễn trên cả nước và theo nhiều chuyên gia chính trị, kết quả có thể chưa ngã ngũ ngay trong đêm 3/11 mà có thể kéo dài thêm vài ngày hoặc thậm chí vài tuần vì công tác kiểm phiếu năm nay tốn nhiều thời gian hơn mọi năm.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.