Tân cử nhân, khởi đầu tại tập đoàn lớn hay công ty nhỏ?

Trong buổi tư vấn về nghề nghiệp được tổ chức tại ĐH Kinh tế Quốc dân tối 25/9, các diễn giả đã chia sẻ cụ thể từ chính những trải nghiệm của bản thân về môi trường làm việc ở các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ.
 

Nhiều nhà tuyển dụng chỉ ra, có đến 80% các bạn trẻ thuộc thế hệ Y (sinh năm 1986-2000) thường mất khoảng 3 – 5 năm sau khi ra trường để tìm môi trường làm việc phù hợp, đáp ứng đúng mong muốn của bản thân.

Tuy nhiên, nếu may mắn không tới thì hậu quả chỉ là lãng phí thời gian và công sức và hơn hết là tuổi trẻ. Dẫu tuổi trẻ là để thử và để sai, nhưng cái gì cũng có hạn sử dụng và chi phí cơ hội.

tan cu nhan khoi dau tai tap doan lon hay cong ty nho
Nhiều sinh viên chăm chú lắng nghe chia sẻ của các vị diễn giả. Ảnh: Huyền Trần

Chương trình Tân cử nhân, khởi đầu tại tập đoàn lớn hay công ty nhỏ? do Đoàn Thanh niên trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức, nhằm cung cấp chiến lược để các bạn lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với năng lực, tính cách và nguyện vọng của bản thân từ chính những trải nghiệm thực tế của các diễn giả trong nhiều ngành nghề khác nhau.

Ứng viên tiềm năng ở tập đoàn lớn và công ty nhỏ cần những tiêu chí gì?

Theo anh Nguyễn Mạnh Hải, thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, điều quan trọng, tiêu chí đầu tiên quyết định các bạn tân cử nhân liệu có phải là ứng viên sáng giá cho một vị trí công việc chính là ở thái độ đối với công việc đó.

tan cu nhan khoi dau tai tap doan lon hay cong ty nho
Nguyễn Mạnh Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex chia sẻ về môi trường làm việc tại các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: Huyền Trần

"Quan trọng nhất là thái độ cầu thị, ham học hỏi. Người có thái độ cầu thị thì lúc nào cũng có thể học, tìm ra những điểm mới lạ, sáng tạo để áp dụng cho bản thân mình.

Một người nếu học kém nhưng vẫn sẵn sàng lăn xả vào công việc, thành thạo từ những khâu nhỏ nhất, làm nhanh nhất có rất nhiều cơ hội so với một người được đánh giá là giỏi. Người có thái độ cầu thị, biết quan sát, tìm tòi, học hỏi, đúc kết sẽ có nhiều cơ hội để tiến xa", anh Hải chia sẻ.

Đại diện Ngân hàng Petrolimex tiếp tục phân tích: "Kỹ năng quan trọng nhất ngày nay là kỹ năng giải quyết vấn đề, bao gồm có 2 yếu tố. Đó là thái độ dám đương đầu, nhận trách nhiệm để giải quyết vấn đề đó, có thể chỉ là bắt đầu từ con số 0. Nếu như bản thân mình không thể tự giải quyết thì phải tìm được người hỗ trợ để giải quyết được vấn đề đã đặt ra".

"Tôi là nạn nhân của bằng cấp!"

Đó là chia sẻ của chị Võ Minh Ngọc, Giám đốc Học viện Impactus, Chuyên viên tư vấn truyền thông Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trước câu hỏi "Liệu bảng thành tích, tấm bằng đại học danh giá có mang tính quyết định?" trong ứng tuyển vào các công ty, tập đoàn.

Để giúp các bạn sinh viên có thể nhìn nhận rõ hơn về giá trị của bằng cấp đối khi đi xin việc, chị Ngọc đã chia sẻ từ chính thực tế của bản thân khi tốt nghiệp và đi xin việc ở môi trường trong nước.

tan cu nhan khoi dau tai tap doan lon hay cong ty nho
Võ Minh Ngọc, chuyên viên tư vấn truyền thông Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Ảnh: Huyền Trần

"Tôi tốt nghiệp trường ĐH Ngoại thương và sau đó quyết định đi du học chương trình thạc sĩ tại Anh để có thể dễ dàng hơn trong khi tìm việc sau này.

Nhưng khi tôi ôm tấm bằng danh giá này về nước thì không có nhà tuyển dụng nào quan tâm. Thậm chí CV của tôi được đánh giá thấp hơn so với CV của các bạn chỉ học ở trong nước, tôi bị đánh trượt dù có bằng cấp cao nhưng lại không có kinh nghiệm trong thực tế làm việc", chị Ngọc chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ thắc mắc, tại sao luôn đòi hỏi kinh nghiệm làm việc đối với những sinh viên vừa mới ra trường, như vậy là không cho các bạn cơ hội?

Theo chị Ngọc, ở góc nhìn của một nhà tuyển dụng, họ sẽ luôn ưu tiên người có kinh nghiệm làm việc, sẵn sàng cho vị trí công việc ứng tuyển. Họ không thể vừa mất thời gian để đào tạo lại ứng viên cho phù hợp với môi trường làm việc, văn hóa tại doanh nghiệp trong khi đồng thời phải trả bảo hiểm, các loại chi phí khác cho chính ứng viên đó.

Từ chính kinh nghiệm của bản thân kinh qua các vị trí ứng viên phỏng vấn đến nhà tuyển dụng trực tiếp tuyển dụng, theo vị chuyên viên tư vấn truyền thông này, khi phỏng vấn ứng viên, nhà tuyển dụng chỉ tập trung vào 3 câu hỏi chính:

"Câu hỏi đầu tiên - Bạn có khả năng làm được công việc này không? Đây cũng là điều quan trọng trước tiên đối với mỗi ứng viên.

Câu hỏi thứ 2 - Bạn có muốn làm công việc này không? Bạn giỏi và có năng lực đáp ứng được vị trí công việc này nhưng bạn có thực sự muốn làm việc và cống hiến cho công ty, doanh nghiệp này hay không lại là điều khác.

Câu hỏi thứ 3 - Bạn có phù hợp với công việc này không?"

Nên chọn khởi đầu tại tập đoàn lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Theo anh Võ Quang Dũng, chuyên viên tư vấn chiến lược tập đoàn VNPT phân tích, dù ở công ty nhỏ hay tập đoàn đa quốc gia thì các bạn khi trúng tuyển đều được bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất.

tan cu nhan khoi dau tai tap doan lon hay cong ty nho
Võ Quang Dũng, Chuyên viên tư vấn chiến lược tập đoàn VNPT. Ảnh: Huyền Trần

Sau khi theo học ĐH Ngoại thương, anh Dũng trúng tuyển vào chương trình Quản trị viên tập sự của một tập đoàn đa quốc gia, nhưng công việc đầu tiên của anh không phải ở vị trí quản lý mà bắt đầu từ công việc bán hàng.

"Những ngày đầu tiên tôi thực sự choáng khi mình phải đi bán băng vệ sinh Kotex, bán bỉm Huggies. Những người bạn khác của anh ở tập đoàn như Unilever thì có người đi bán nước rửa chén, bột giặt mà không phải được đi bán ở trong thành thị", cựu sinh viên ĐH Ngoại thương nhớ lại.

Lý giải thêm về điều này, anh Dũng cho biết: "Quan trọng là các bạn phải biết bản thân mình thích gì, và sở thích ấy có phù hợp môi trường làm việc ở đó không. Con dù làm việc ở công ty nhỏ hay tập đoàn lớn thì các bạn đều phải bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất.

Vì chỉ khi trải qua vị trí ấy các bạn mới hiểu được thị trường, để sau này khi ở các vị trí cao hơn, các bạn có thể xây dựng được các chiến lược phù hợp để phát triển công ty".

Hãy trải nghiệm nhiều, nhưng trải nghiệm phải có kết quả!

"Công việc đầu tiên chưa chắc đã là công việc cuối cùng của mỗi người. Vì vậy, công việc đầu tiên chỉ cần thỏa mãn một hoặc một vài mục tiêu của bản thân mà thôi. Đó có thể là vì mình thích, có thể là để trang trải nợ sau khi đi học - một điều rất thực tế.

Công việc nào thỏa mãn nhất mục tiêu đó thì là thích hợp nhất trong thời điểm đó. Tuy nhiên, thời gian là có hạn chứ không thể thử mãi được, do đó các bạn cần đặt ra 1 hạn định cho bản thân.

"Nhảy" việc cũng phải có chiến lược, mỗi lần "nhảy" việc phải tiến bộ, đạt được mục đích thì mới "nhảy". Hoặc khi không thể đạt được mục đích thì mình mới thay đổi. Chính vì vậy, hãy thử thách bản thân ngay từ bây giờ để biết mình có phù hợp hay không, thậm chí từ bây giờ là hơi muộn".

Nguyễn Mạnh Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex

"Nhiều bạn thử sức theo kiểu cứ 3 tháng lại thay 1 công việc, điều này sẽ gây hại đối với CV của các bạn. Nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào đó và đánh giá bạn không có một chuyên môn cụ thể nào.

Do đó, bạn nên thử sức ít nhất từ 6 tháng - 1 năm đối với mỗi công việc. Chỉ khi trải nghiệm với khoảng thời gian như vậy, bạn mới đủ khả năng để đánh giá công việc và môi trường này có phù hợp với bản thân hay không. Vì vậy, các bạn hãy thử sức ngay khi mình còn là sinh viên năm nhất, năm hai chứ đừng đợi đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu những trải nghiệm của mình".

Võ Minh Ngọc, Giám đốc Học viện Impactus, Chuyên viên tư vấn truyền thông Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

tan cu nhan khoi dau tai tap doan lon hay cong ty nho Shark Tank Việt Nam: Định giá phi lí, ứng dụng tập luyện cá nhân gọi vốn thất bại

Trong tập 12 của chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 2, cặp đôi Quỳnh Khanh và Minh Tân, đồng ...

tan cu nhan khoi dau tai tap doan lon hay cong ty nho Chờ đợi gì ở show truyền hình thực tế về khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam sắp lên sóng?

Vào ngày 25/10, show truyền hình thực tế về khởi nghiệp dành cho các star-up trẻ sẽ lần đầu tiên lên sóng tại Việt Nam ...

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.