Tập đoàn Tân Hoàng Minh bắt đầu kinh doanh từ lĩnh vực vận tải với thương hiệu Taxi V20, sau đó lấn sân sang bất động sản vào năm 2006. Đến nay, Tân Hoàng Minh sở hữu ít nhất 14 dự án tại các khu đất "vàng" của Hà Nội, TP HCM, Hà Tĩnh và Phú Quốc (Kiên Giang).
Tại Hà Nội, tập đoàn này có 11 dự án, trong đó 7 dự án đã đi vào hoạt động gồm: D'. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ; D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D'.El Dorado I (Phú Thượng); D'.El Dorado II (Phú Thanh); D'Capitale Trần Duy Hưng; Summit Building Trần Duy Hưng.
4 dự án đang triển khai gồm: Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt – D’. Jardin Royal; Tân Hoàng Minh Lò Đúc; Tân Hoàng Minh Hoàng Mai; D’. San Raffles Hàng Bài (đầu năm 2021 chuyển cho Masterise Homes).
Tại TP HCM, Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư Tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và căn hộ hạng sang D’. Saint Raffles tại số 43 – 45 – 47 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1. Dự án này đã mở bán từ năm 2020.
Doanh nghiệp của ông Dũng cũng sở hữu dự án D’. Metropole Hà Tĩnh - khu phức hợp đầu tiên và duy nhất của Tân Hoàng Minh tại Hà Tĩnh. Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng quy mô 2,4 ha; với vị trí 4 mặt tiền đường lớn gồm Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Bùi Dương Lịch và Phan Kính.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng vừa khởi công Tổ hợp quẩn thể du lịch, giải trí tại Phú Quốc với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ đồng) hồi cuối năm 2021.
Ngoài những dự án đã và đang triển khai, thời gian gần đây, Tân Hoàng Minh liên tiếp đề xuất đầu tư, khảo sát hàng loạt dự án BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh thành.
Riêng năm 2021, tập đoàn này "nhắm" đến khoảng hơn chục dự án lớn tại các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Tháng 11/2021, Tân Hoàng Minh đề xuất thực hiện hai dự án gồm Khu công nghệ thông tin tập trung và công nghiệp Yên Bình; Khu đô thị Nam Thái mở rộng quy mô 320 ha; tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng ở Thái Nguyên.
Tại Lạng Sơn, tỉnh này vừa cho phép doanh nghiệp khảo sát lập quy hoạch hai dự án là khu đô thị kết hợp công nghiệp, thương mại dịch vụ và khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái cao cấp tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng.
Tháng 4/2021, Tân Hoàng Minh tìm về Phú Yên, đề xuất triển khai các dự án đầu tư ở các lĩnh vực cảng biển, lọc dầu, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi,…
Tại Lâm Đồng, Sở Xây dựng Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh này cho phép Tân Hoàng Minh nghiên cứu, khảo sát lập ý tưởng, phương án quy hoạch khu đất lên tới 4.319,5 ha ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt. Trước đó, vào tháng 8/2021, doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án Khu đô thị - du lịch - phim trường tại khu vực này.
Năm 2020, Tân Hoàng Minh từng đến Đắk Lắk để tìm hiểu đầu tư. Tập đoàn muốn rót vốn thực hiện các dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh này.
Doanh nghiệp cũng đề xuất tham gia đấu giá tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) tại số 2 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, đồng thời trình bày phương án quy hoạch dự án trên khu đất này.
Tháng 6/2020, Tân Hoàng Minh và UBND TP Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư dự án Thành phố vệ tinh thông minh Xuân Mai Smart City, huyện Chương Mỹ. Dự án có quy mô 3.072 ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 3,5 tỷ USD, được quy hoạch thành khu đô thị gồm bệnh viện, giáo dục các cấp, thể thao, trường đua ngựa quốc tế, sân golf, công viên giải trí...
Ngoài Xuân Mai Smart City, Hà Nội cũng đã trao biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư dự án khu outlet 400 triệu USD tại huyện Đông Anh cho doanh nghiệp.
Cũng trong năm này, tại Hòa Bình, tỉnh này đã chấp thuận cho phép Tân Hoàng Minh nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng khu resort cao cấp tại khu vực hồ Hòa Bình, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Dự án đề xuất xây dựng trên diện tích đất 355,97 ha với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.629 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh nghiệp từng đề nghị TP HCM cho phép tham gia đấu thầu dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, huyện Bình Chánh đã treo hơn 20 năm qua. Dự án có quy mô 426 ha; tổng mức đầu tư ban đầu 29.900 tỷ đồng (1,35 tỷ USD).
Không chỉ dừng lại ở bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng, gần đây nhất Tân Hoàng Minh công bố chiến lược xây hàng triệu m2 nhà ở cho công nhân với giá rẻ hơn từ 40 - 60%.
Theo đó, từ năm 2022, Tân Hoàng Minh sẽ thi công loạt khu nhà ở xã hội lắp ghép cho công nhân tại KCN nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Hoà Bình hay Long An, Bình Thuận…
Hiện Tân Hoàng Minh đã hợp tác cùng một công ty thành viên của Tập đoàn Hàn Quốc SH phát triển hệ thống nhà ở xã hội lắp dựng sẵn.
Tối ngày 5/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, C03 ra các quyết định khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 bị can đồng phạm về tội danh trên.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng ba công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, CTCP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.