Trên thị trường bất động sản, Tân Hoàng Minh được biết đến là đơn vị chuyên phát triển phân khúc căn hộ hạng sang. Song, xuất phát điểm của doanh nghiệp ban đầu là kinh doanh vận tải hành khách công cộng.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh thành lập vào ngày 16/6/1993 tại TP HCM, khởi đầu với thương hiệu “Taxi V20” ra đời vào năm 1995. Sau hơn 5 năm hoạt động vận tải hành khách, đến năm 2001, số lượng xe taxi V20 của Tân Hoàng Minh đạt gần 1.000 xe, chiếm 25% thị phần tại ba thành phố là TP HCM, Nha Trang và Hà Nội.
Sau thương hiệu Taxi V20, vào năm 1998, Tân Hoàng Minh mở rộng đầu tư sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm mây, tre đan với thương hiệu Ratex, xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ,...
Đến năm 2006, Tân Hoàng Minh bắt đầu đặt chân vào thị trường bất động sản. Giai đoạn 2009 - 2017, tên tuổi Tân Hoàng Minh nổi lên là một trong những thương hiệu lớn với loạt dự án hạng sang trên các khu đất vàng Hà Nội như dự án D'. Palais Louis - Nguyễn Văn Huyên, D'. Le Roi Soleil - Quảng An, D'. Le Pont D'or - Hoàng Cầu...
Ở thời điểm ra mắt, giá bán các sản phẩm của chủ đầu tư này được tiết lộ gần như đắt nhất toàn thị trường. Năm 2017, Tân Hoàng Minh cùng Vingroup là hai đơn vị dẫn đầu về doanh số bán căn hộ và số lượng bán hàng tại thị trường Hà Nội, theo thống kê của Savills.
Năm 2016, Tân Hoàng Minh từng trở thành hiện tượng đấu giá khi trúng đấu giá lô đất tại số 23 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) với giá 1.460 tỷ đồng (gần 483 triệu đồng/m2), gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm.
Tháng 6/2017, Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra về loạt sai phạm tại ba dự án của Tân Hoàng Minh tại Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Huyên và Quảng An. Hai năm sau đó, Tân Hoàng Minh không công bố thêm dự án mới nào.
Năm 2019, Tân Hoàng Minh chuyển nhượng lại khu đất 23 Lê Duẩn cho Techcombank. Đồng thời, doanh nghiệp động thổ dự án cao ốc văn phòng D’. Saint Raffles tại số 43 – 45 – 47 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.
Đến tháng 6/2020, Tân Hoàng Minh khởi công Tổ hợp shophouse, biệt thự, nhà liền kề tại đường Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh (D’. Metropole Hà Tĩnh). Hai tháng sau, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ, báo hiệu một giai đoạn kinh doanh mới.
Tính đến tháng 8/2020, vốn điều lệ của Tân Hoàng Minh là 2.680 tỷ đồng, trong đó ba cổ đông là Chủ tịch Đỗ Anh Dũng nắm 97,2%; ông Trần Hồng Sơn nắm 1% và ông Mạnh Hoàng Thao nắm 1,8%. Song cũng trong tháng 8/2020, doanh nghiệp tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông thay đổi hoàn toàn.
Con số 10.000 tỷ đồng đã vượt qua nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như BRG Group (8.200 tỷ đồng), Sunshine Group (8.500 tỷ đồng), Đất Xanh (5.200 tỷ đồng), DIC Corp (5.094 tỷ đồng), hay cả những ngân hàng trong nước như Bac A Bank (7.085 tỷ đồng), ABBank (5.713 tỷ đồng), Vietbank (4.777 tỷ đồng)…
Sau khi tăng vốn, cuối năm 2020, Tân Hoàng Minh bắt đầu có những hoạt động đánh dấu sự trở lại với thị trường bất động sản.
Cụ thể, tháng 12/2020, doanh nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu khảo sát, lập và thực hiện 3 dự án, gồm Khu công nghệ thông tin tập trung và đô thị Yên Bình THM - CN (thuộc thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình); Khu du lịch nghỉ dưỡng tâm linh Thiên Tây Trúc - Đại Từ THM - TL (huyện Đại Từ); Khu đô thị THM - Smart City dọc Sông Công (TP Sông Công).
Cùng khoảng thời gian này, doanh nghiệp đến Đắk Lắk bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực BĐS, trong đó có các dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại; đề xuất tham gia đấu giá, quy hoạch một khu đất tại TP Đà Lạt.
Bước sang năm 2021, Tân Hoàng Minh tiếp tục cho thấy mục tiêu mở rộng quỹ đất và tìm kiếm những dự án mới tại loạt tỉnh thành như Phú Yên, Thái Nguyên, Lâm Đồng hay Lạng Sơn.
Trước khi kết thúc năm 2021, nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh đã gây chú ý trên thị trường bất động sản với thương vụ đấu giá tỷ USD.
Cụ thể, vào tháng 12/2021, tại một phiên đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM), Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – thành viên Tân Hoàng Minh đã trả giá 24.500 tỷ đồng cho lô đất 10.059,7 m2.
Căn cứ theo số liệu trên, mỗi mét vuông của lô đất có giá trị hơn 2,4 tỷ đồng, thiết lập mức giá kỷ lục ở Việt Nam, vượt qua những thị trường đắt đỏ nhất thế giới như Hồng Kông, New York, London,...
Tuy nhiên, đến ngày 25/1, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã đề nghị bỏ cọc, đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm.
Không lâu sau thương vụ đấu giá Thủ Thiêm, ngày 29/12/2021, Tân Hoàng Minh đã khởi công Tổ hợp quẩn thể du lịch, giải trí tại Phú Quốc với quy mô 34 ha, tổng mức đầu tư hơn hơn 1 tỷ USD (24.000 tỷ đồng). Trong lễ khởi công ngày hôm đó, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã bày tỏ nguyện vọng quy hoạch Phú Quốc thành "Silicon Valley", đề xuất quy hoạch lấn biển ở khu vực Hàm Ninh để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Vốn lấy phân khúc bất động sản hạng sang làm định vị thương hiệu, song Tân Hoàng Minh cũng đang cho thấy sự linh động với chiến lược phát triển trong tương lai.
Cụ thể, doanh nghiệp đã bắt tay hợp tác cùng một công ty thành viên của Hàn Quốc SH - Tập đoàn phát triển nhà ở thương mại và xã hội nhằm phát triển mô hình "nhà ở xã hội lắp dựng sẵn" tại Việt Nam. Bên cạnh đó, từ năm 2022, ngoài phát triển căn hộ cao cấp, doanh nghiệp sẽ mở rộng sang mảng xây dựng nhà ở cho những người lao động có thu nhập thấp.
Ghi nhận của người viết, vài tháng trở lại đây có một khu đất ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đã được quây rào và xuất hiện với cái tên Tân Hoàng Minh – Ngọc Linh.
Theo kế hoạch sử dụng đất, khu đất này có diện tích 0,38 ha, địa chỉ tại số 161 Yên Phụ. Diện tích đất này được bố trí cho dự án xây dựng khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh do Công ty TNHH Ngọc Linh làm chủ đầu tư.
Được phê duyệt từ năm 2007 nhưng chậm tiến độ, sự có mặt của Tân Hoàng Minh tại khu đất 161 Yên Phụ mang đến cho dự án Ngọc Linh những tín hiệu được tái khởi động sau nhiều năm.
Đây không phải lần đầu nhóm Tân Hoàng Minh xuất hiện tại một dự án chậm tiến độ ở Hà Nội. Trước đó, Ngôi Sao Việt - thành viên tập đoàn cũng đã bắt tay CTCP Tu tạo và Phát triển Nhà để đầu tư vào dự án dải đất Nam Đại Cồ Việt. Dự án này đã "treo" 20 năm ở quận Hai Bà Trưng.
Hồi tháng 9/2021, Ngôi Sao Việt đã phát hành thành công lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng với kỳ hạn 60 tháng. Số tiền thu được doanh nghiệp sẽ đặt cọc cho hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt (tương ứng 47% tổng mức đầu tư).
Thông tin bắt tay với Tân Hoàng Minh để tái khởi động dự án cũng được Công ty Tu tạo và Phát triển Nhà công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Tuy nhiên, ngày 4/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố đã hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh, trong đó có lô trái phiếu huy động cho dự án Nam Đại Cồ Việt nêu trên.
Liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 6 người khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .