Tân phó giáo sư khoa luật bị tố chép luận văn người khác

Đề tài nghiên cứu do trưởng khoa luật Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chủ trì bị phát hiện sao chép của nhiều người.
tan pho giao su khoa luat bi to chep luan van nguoi khac

Đề tài nghiên cứu khoa học do TS Đặng Công Tráng chủ nhiệm (trái) sao chép từ nhiều nguồn - Ảnh: T.T.D.

Theo đó, đề tài nghiên cứu khoa học "Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam" do ông Đặng Công Tráng chủ trì bị phát hiện sao chép luận văn thạc sĩ của một học viên tại ĐH Quốc gia Hà Nội.

Đề tài này cũng chép một số nội dung trong các nghiên cứu khác. Ông Tráng vừa được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

1 đề tài, sao chép 3 nơi

Giảng viên một trường ĐH thông tin đến Tuổi Trẻ năm 2017, thông qua hoạt động nghiên cứu chuyên môn, người này phát hiện nhóm giảng viên gồm TS Đặng Công Tráng, TS Vũ Thế Hoài, ThS Nguyễn Thị Hải Vân (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) "đã có hành vi gian dối, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, đạo đức nhà giáo trong nghiên cứu khoa học".

Cụ thể: Công trình nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2017 mang tên "Hoàn thiện quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp ở Việt Nam" của nhóm giảng viên này sao chép gần như hoàn toàn luận văn thạc sĩ luật học "Hoàn thiện pháp luật về bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới", chuyên ngành luật kinh tế, khoa luật ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2014, của tác giả Vũ Văn Tú, do TS Vũ Quang hướng dẫn.

Ngoài ra, tiểu mục 1.1.2 "Đặc điểm của bán hàng đa cấp" trong đề tài nghiên cứu của nhóm TS Tráng sao chép lại bài viết "Hành vi bán hàng đa cấp bất chính theo Luật cạnh tranh năm 2004 và kiến nghị" của ThS.LS Lê Văn Sua đăng trên mục Nghiên cứu - Trao đổi của cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp ngày 28-3-2017.

Còn tiểu mục 3.3 "Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bán hàng đa cấp" trong đề tài nghiên cứu của nhóm TS Tráng chép lại bài viết "Hoàn thiện pháp luật nhằm quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp" của ThS Lê Bí Bo - giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM - đăng trên tạp chí Dân Chủ Và Pháp Luật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Lê Bí Bo xác nhận bà có viết bài báo khoa học "Hoàn thiện pháp luật nhằm quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp" đăng trên tạp chí Dân Chủ Và Pháp Luật năm 2016.

Đối sánh nội dung đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả Đặng Công Tráng với bài báo khoa học của ThS Lê Bí Bo có thể nhận thấy ngay ở tiểu mục 3.3 trong đề tài nghiên cứu của nhóm TS Tráng sao chép lại nguyên văn nội dung bài báo trên với hơn 2.600 chữ.

"Mức độ nghiêm trọng"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, luật sư Lê Văn Sua cho biết bài báo của ông xuất phát từ thực tế những thông tin không vui về bán hàng đa cấp nổ ra, kèm theo đó danh sách các nạn nhân ngày một dài thêm, nhất là bà con nông dân, người hưởng lương hưu...

Điều này thôi thúc ông Sua nghiên cứu và thông qua những kiến nghị, đề xuất của mình hi vọng nhà quản lý sẽ có giải pháp tốt hơn, khắc phục những lỗ hổng của pháp luật.

"Tôi có xem đoạn bài viết của mình bị sao chép, cảm giác đầu tiên thấy buồn chứ. Buồn khi chuyện sao chép vì sao vẫn còn xảy ra mãi. Trong khi báo chí cứ phản ánh, còn người ta vẫn cứ sao chép..." - ông Sua nói.

Trong khi đó, giảng viên hướng dẫn luận văn thạc sĩ của học viên Vũ Văn Tú xác nhận đề tài nghiên cứu "Hoàn thiện pháp luật về bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới" đã được ông Tú hoàn thiện và bảo vệ thành công năm 2015.

"Học viên Vũ Văn Tú là người làm việc nghiêm túc, hiệu quả, khoa học và công phu. Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả trên có dấu hiệu sao chép lại nội dung luận văn của Vũ Văn Tú" - vị giảng viên này nhận định.

Ngày 1-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Vũ Văn Tú khẳng định sau khi đối chiếu đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả và luận văn của mình thì thấy việc sao chép ở mức độ nghiêm trọng. Nhiều đoạn, thậm chí nhiều trang của đề tài nghiên cứu được sao chép liên tục từ luận văn của ông Tú.

"Đề tài của tôi hướng đến hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bán hàng đa cấp dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Trong khi các đề tài trước đó chưa đi theo hướng này nhiều, nên tôi đã mất rất nhiều công sức để tìm hiểu.

Do các tài liệu này đều bằng tiếng nước ngoài, nên tôi mất nhiều thời gian cho việc dịch, tổng hợp, phân tích và viết bằng ngôn ngữ của chính mình... Tôi đã mất hơn một năm để thực hiện đề tài này. Vậy mà họ đã sao chép đề tài của tôi một cách không thương tiếc..." - ông Tú chia sẻ.

"Không thể chấp nhận"

"Tỉ lệ "ăn cắp" - tôi dùng từ này vì đề tài không dẫn nguồn tài liệu tham khảo là luận văn của tôi - là lớn. Không chỉ sao chép từng đoạn, từng trang, mà mục lục của đề tài nghiên cứu cũng tương tự như cấu trúc luận văn của tôi càng cho thấy công trình này không có giá trị khoa học mới vì vẫn theo hướng tiếp cận đã có. Đây lại là đề tài của các giảng viên đang công tác tại khoa luật - là những người am hiểu về pháp luật - thì càng không thể chấp nhận được" - ông Tú nhấn mạnh.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.