Theo báo cáo của VEPR, tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô quý III năm 2016 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia tổ chức sáng nay (11/10), bước sang quý III, kinh tế đã có những cải thiện đáng kể hơn so với đầu năm. GDP Qúy III đạt mức tăng 6,4%, giúp tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 5,93%.
Tuy nhiên, nhận định về tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2016, VEPR khẳng định mức tăng GDP dao động ở 6% - 6,3% có thể thấp hơn tùy tình hình cụ thể. Tuy nhiên, không có nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng cả năm trên 6,5%.
Lí giải cho nhận định tăng trưởng kinh tế cả năm khó có thể đat mức 6,5%, báo cáo của VEPR cho rằng, nhiều lĩnh vực như khai khoáng giảm do dầu thô xuất khẩu sụt giá; trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đang gặp nhiều khó khăn bởi tác động của biến đổi khí hậu nhưng vẫn không có thay đổi cơ cấu kinh tế của khu vực này. Những khó khăn trên tác động trực tiếp vào mức độ tăng trưởng GDP chung, làm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khó có thể đạt mức 6,5%.
Cùng quan điểm với VEPR, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra hàng loạt nhân tố tác động đến mức độ tăng trưởng kinh tế GDP.
Ông TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR |
Cụ thể, theo ông Ánh, những diễn biến kinh tế thế giới trong quý III tác động không tốt đến nền kinh tế Việt Nam.
“Diễn biến đặc biệt của thị trường kinh tế thế giới trong quý III là tình trạng nguyên liệu giảm giá mạnh, điều này tạo tác động không tốt đến nền kinh tế Việt Nam. Làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn so với dự đoán trước đó”, ông Ánh phân tích.
Ông Ánh cũng cho rằng với sự việc Samsung thu hồi hàng triệu điện thoại gây nên thiệt hại hàng tỷ USD đã có tác động rất lớn tới Việt Nam. Bởi 3 năm nay, kinh tế của Việt Nam đã có sự phụ thuộc vào doanh nghiệp này trong xuất nhập khẩu và đóng góp các khoản thuế.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,3% - 6,5% là rất khó có thể đạt được. Nếu muốn đạt mức tăng trưởng 6,3% tăng trưởng quý IV phải tăng từ hơn 7% đến 8%. Tuy nhiên, điều này lại rất khó có thể thực hiện”.
Từ những dự đoán về mức độ tăng trưởng của nền kinh tế trong cả năm của các chuyên gia, ông TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR cho rằng, việc nền kinh tế không đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra là điều đáng buồn. Hơn thế nữa, việc dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tác động đến tình hình thu chi ngân sách đã được lập ra.
"Điều đáng buồn là khi tăng trưởng không đạt mục tiêu, dự toán thu chi đã được lập ra rồi, không ai chịu giảm cả. Để đáp ứng chi của ngân sách, bắt buộc phải phấn đấu tăng trưởng bằng nhiều cách như tăng tín dụng và tận dụng các loại thuế phí khác. Đây là biện pháp cũ, không hiệu quả mà còn phản tác dụng do làm gia tăng lạm phát...", đại diện VEPR cho hay.