"Tăng tuổi hưu là để tính tương lai cho thế hệ mai sau" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói với báo chí sáng 29-5 - Ảnh: B.D.
* Quan điểm của bộ trưởng như thế nào về quy định tăng tuổi hưu?
Có thể nói mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có một tầm nhìn dài, nhưng phải hành động mau lẹ, đặc biệt phải tiến tới thích ứng được già hóa dân số vào năm 2035.
Có nhiều người nói Việt Nam hiện nay đang dân số vàng, nhưng thực chất dân số chúng ta bắt đầu chuyển sang từ đang già sang giai đoạn già từ năm 2014. Việt Nam hiện có khoảng 7% số người từ 60 tuổi trở lên. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được xếp vào nhóm những nước nhanh nhất hiện nay.
* Vì sao lại có sự khác biệt trong việc tăng tuổi hưu giữa nam và nữ?
Quy định vể tuổi nghỉ hưu đang thi hành hiện nay đã qua hơn 60 năm áp dụng. Lúc bắt đầu có quy định thì tuổi thọ bình quân người Việt chỉ hơn 45 tuổi, trong khi đó hiện nay đã lên 76,6 tuổi. Đặc biệt số người sống sau 55 tuổi với nữ hiện lên tới 79,5 tuổi.
* Hiện đã có danh sách các ngành nghề sẽ được tăng - giảm tuổi hưu chưa?
Tôi muốn người lao động hiểu việc điều chỉnh tuổi hưu sẽ theo lộ trình. Tức là chậm và đến 2028, nếu phương án 1 mà Chính phủ trình được chọn thì nam giới mới nghỉ hưu ở tuổi 62. Đến 2035 nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60.
Nhưng việc nghỉ này cũng là trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường… Trong trường hợp suy giảm sức khỏe, lao động trong điều kiện đặc biệt như nặng nhọc, độc hại nặng nhọc… thì người lao động có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi.
Điều quan trọng là đi liền với đó là những những chính sách, thậm chí có những người nghỉ hưu ở tuổi 50. Người lao động có quyền được hưu sớm, hoặc chọn đến đủ năm đóng đủ thời gian bảo hiểm (20-25 năm).
Nếu chưa đủ tuổi thì có thể nghỉ chờ tuổi nghỉ hưu và có thể hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành. Như vậy không "bắt cứng" người lao động cứ phải đủ tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm thì mới được nghỉ hưu.
Hiện nay chính phủ đang rà soát lại toàn bộ những ngành nghề, những lĩnh vực, những công việc nặng nhọc độc hại để kèm theo bộ luật. Ngay bây giờ chúng ta đã quy định 24 ngành nghề có thể nghỉ hưu sớm hơn.
Còn đối tượng, những lực lượng lao động có trình độ cao những ngành nghề có công việc rất đặc biệt như tòa án, kiểm sát, nhà khoa học giỏi... thì cần khuyến khích để có thể cống hiến cho đất nước.
"Tôi mong dư luận, người lao động, đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương tăng tuổi hưu" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ - Ảnh: B.D.
* Việc tăng tuổi hưu liệu có ảnh hưởng tới cơ hội của người trẻ?
Chúng ta xác định việc điều chỉnh tuổi hưu là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đồng thời phải đảm bảo công ăn việc làm cho giới trẻ. Việc chúng tôi tính phương án 1 là đã cân đối được công việc hiện tại cho giới trẻ, thứ 2 là tính được cả cho người già.
Bởi, hiện nay 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm việc tiếp. Lực lượng lao động trẻ của chúng ta không phải dồi dào nữa. Tôi đã quan sát rất nhiều ở vùng nông thôn, hiện chỉ còn người già và phụ nữ, không còn thanh niên trẻ.
Cũng phải làm rõ không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc. Đây là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không tính tuổi nghỉ hưu nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau.