Tất tần tật kinh nghiệm ăn uống, đi lại, lưu trú của 'tín đồ' du lịch Thái Lan

Hà Hin - chuyên gia trang điểm ở Hà Nội với đam mê du lịch đã có những chia sẻ kinh nghiệm sau 3 lần du lịch Thái Lan.

Hà Hin chia sẻ, vì rất thích Thái Lan nên bản thân chọn du lịch tự túc để khám phá điểm tham quan cũng như thưởng thức ẩm thực. Dưới đây là những kinh nghiệm của cô gái mê du lịch Hà Hin:

Vé máy bay

Hà Hin chia sẻ: "Mọi người có thể tự săn vé giá rẻ tuỳ từng thời điểm khuyến mại của các hãng hàng không như Vietnam Airline, VietJet, Jestar, Nok Air, Air Asia ... hoặc nếu không săn được vé rẻ, du khách có thể mua thẳng vé của Thai Airways.

Thời điểm săn vé rẻ để đi du lịch Thái vào tháng 5 hoặc từ tháng 9 đến cuối năm. Còn tầm tháng 6,7,8 là mùa du lịch nên khó săn vé rẻ. 

Lần đầu tiên mình đến Thái là tháng 6 đi hãng VietJet giá 3,4 triệu đồng (giá vé khuyến mại mình mua từ tháng,chưa kể phải mua thêm trọng lượng hành lí hết tầm 270 nghìn đồng/15 kg và được thêm 7 kg hành lí xách tay lên máy bay.

Lần thứ 2 mình quay lại Thái đi hãng Vietnam Airline, vé mua được giá khá tốt 3,7 triệu đồng. (Nếu bạn đi của Vietnam Airline thì trong vé đã có sẵn 30kg hành lí kí gửi và 10 kg xách tay, còn đi hãng AirAsian cũng như VietJet.

Lần thứ 3 mình đi theo nhóm 7 người, mua trước 3 tháng khi khởi hành. Tuy nhiên chỉ mua được 5 vé có giá 3,9 triệu đồng còn 2 vé mua gần 4,4 triệu đồng.

Khách sạn ở Thái Lan

Hà Hin cho biết, "Về khách sạn, các bạn lên trang Agoda hoặc Booking tìm khách sạn nơi mình muốn ở, xem giá phòng và đặt trên đó. (Lưu ý, bạn cần phải có thẻ visa, mastercard để thanh toán trước giá phòng nếu đã chọn được khách sạn ưng ý. Sau khi thanh toán bạn sẽ nhận được mã đặt phòng được gửi vào mail cá nhân. Khi "check-in" bạn đưa họ mã số đặt phòng đó (nếu cẩn thận hơn bạn nên in cái voucher mà bên phía trang web đặt phòng đã gửi vào mail của bạn đưa cho khách sạn). 

Lúc nhận phòng tuỳ từng khách sạn sẽ bắt bạn đặt cọc khoảng 1.000 baht/phòng (khoảng 754 nghìn đồng) và khi bạn "check -out", khách sạn sẽ trả lại. (Lưu ý, tránh trường hợp không còn phòng bạn nên đặt khách sạn trước chuyến đi tầm 1 đến 2 tháng)".

Hà Hin cũng đưa ra lưu ý: Nên lựa chọn khách sạn nằm ngay trung tâm để tiện cho việc đi lại và mua sắm. Trước khi book đặt phòng cần tìm hiểu kĩ khách sạn. Khách sạn ở Bangkok nên chọn quanh khu Pratunam gần chợ sỉ và khu Trung tâm thương mại nổi tiếng của Thái Lan. Còn ở Pattaya thì tìm gần chỗ phố đi bộ.

"Vì bọn mình xác định đi chơi cả ngày, chỉ buổi tối về ngủ nên không cần phải đặt khách sạn quá sang trọng, chỉ cần sạch sẽ là được. Hôm ở Pattaya, mình chọn lưu trú tại khách sạn Beverly Plaza Pattaya, phòng mình ở cho 3 người giá tầm 1,2 triệu đồng/ngày, giá trên đã bao gồm buffet ăn sáng.

Còn lúc ở Bangkok, mình chọn lưu trú là Euro Luxury Pavillion Pratunam giá 1,1 triệu đồng/ngày. Ở khách sạn này không bao gồm ăn sáng.

Đối với homestay, năm ngoái mình tới Thái Lan và đã ở Cloudy Hostel. Ở thây phòng sạch sẽ, trang bị đầy đủ tiện nghi, địa chỉ gần trạm tàu điện PhayaThai khoảng 200 m rất tiện lợi cho việc di chuyển.

Đổi tiền

Hà Hin cho biết: "Tuỳ từng thời điểm giá bath có sự dao động. Bên Thái rất nhiều chỗ đổi tiền tại sân bay, trạm tàu điện và tất cả các trung tâm thương mại.

Nhập cảnh

Hà Hin chia sẻ, khi trên máy bay tiếp viên hàng không sẽ phát cho bạn 1 tờ khai xuất nhập cảnh, bạn chỉ việc điền đầy đủ thông tin vào tờ khai đó. Khi qua khu nhập cảnh, sẽ có nhân viên kiểm tra và đóng dấu tờ khai đó, họ giữ 1 tờ sau đó trả lại cho bạn 1 tờ. (Lưu ý, bạn sẽ phải giữ lại để khi bay về đưa lại tờ khai đó cho người kiểm tra để xuất cảnh)

Đi lại

Hà Hin cho biết, sau khi nhập cảnh xong có bắt taxi, tàu điện ngầm hoặc xe buýt về thành phố hoặc đến các điểm muốn đi.

Taxi nằm ở cổng Entry Level 4 ở tầng 1 của sân bay Suvarnabhum. Lưu ý bên Thái bạn phải ra máy bấm lấy số thứ tự của taxi và cầm tờ giấy số thứ tự đó ra đúng số ghi trên phiếu hỏi giá và mặc cả với taxi ở đó nơi bạn muốn đi. 

"Hôm mình đi chưa về Bangkok luôn mà mình đi Pattaya trước, tài xế đòi 2.500 bath sau một hồi mặc cả, mình chỉ phải trả 2.000 bath (khoảng 1,4 triệu đồng. Từ sân bay Suvarnabhumi đi Pattaya mất khoảng tầm từ 1,5 tiếng đến 2 tiếng tuỳ theo tình trạng đường phố có tắc hay không".

Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí thì có thể bắt xe buýt đi Pattaya. Vé xe buýt tìm mua rất dễ cũng ngay ở tầng 1 cửa 8 có quầy bán vé xe buýt, quầy họ ghi chữ Bus Pattaya , Hua Hin ... giá vé xe buýt khoảng tầm từ 120 bath đến 250 bath (khoảng 89 nghìn đến 183 nghìn đồng) tuỳ điểm bạn muốn xuống. 

Khi muốn từ Pattaya về thành phố, để tiết kiệm chi phí mình khuyên các bạn nên bắt xe buýt về điểm muốn đến ở Bangkok. Bạn bắt taxi từ trung tâm Pattaya giá khoảng 200 đến 250 bath ra bến xe tại đường North Pattaya (cứ bảo taxi cho ra Bus North Pattaya là họ sẽ biết, nhớ mặc cả với tài xế trước khi đi). 

Sau đó bạn ra mua vé xe tại quầy bán vé của bến xe bảo cho về Ekamai. Lấy vé xong bạn ra chờ xe ở trạm. Bến xe ở Thái rất quy củ, đến giờ xe nào chạy xe đó mới được vào bến nên việc tìm xe vô cùng dễ, chỉ cần nhìn biển số xe được in trên vé và cứ thế mà ra đúng xe đó để di chuyển. 

Sau khi về đến bến Ekamai, bạn có thể bắt taxi hoặc đi tàu điện về khách sạn (vì Bangkok rất hay tắc đường nên mình lựa chọn BTS (tàu điện trên cao). Sau đó bắt taxi giá cũng tầm khoảng 100 đến 150 bath về khách sạn (khoảng 74 đến 112 nghìn đồng).

Từ sân bay Suvarnabhumi đi Pratunam, bạn có thể đi xe taxi hoặc Aiport Rail Link (ARL). Nếu bạn không đi Pattaya mà về Bangkok luôn thì có thể trải nghiệm tàu điện ngầm, vừa tiết kiệm chi phí lại không lo tắc đường. (Nếu chưa biết cách đi tàu điện thì bạn có thể hỏi nhân viên bán vé về khu vực khách sạn bạn ở, sau đó họ sẽ hướng dẫn cho các bạn xuống trạm nào là gần khách sạn nhất, và bạn chỉ việc bắt xe taxi hoặc tuk tuk về khách sạn với giá xe tầm 100 đến 150 bath (khoảng 74 đến 112 nghìn đồng).

Chính vì Bangkok hay tắc đường cho nên đa phần khách du lịch lẫn người dân Thái Lan thường xuyên sử dụng phương tiện di chuyển là BTS (tàu điện trên cao) MRT (tàu điện ngầm). Các bạn chỉ cần chọn điểm muốn đến, sau đó nói với nhân viên bán vé và họ sẽ hướng dẫn các bạn xuống trạm gần nhất tại nơi đó (chú ý có những trạm phải đổi chuyến từ BTS xuống MRT. Giá vé tàu dao động từ 15 cho đến 45 bath tuỳ điểm đến (khoảng 11 đến 33 nghìn đồng).

Tại Bangkok, xe taxi và tuk tuk khá nhiều, giá 2 phương tiện này tương đương gần như nhau nếu không gặo tắc đường. Nếu tắc đường thì đi taxi giá sẽ đắt hơn vì đồng hồ vẫn nhảy theo thời gian. Còn xe tuk tuk hay "nói thách" nên phải mặc cả trước khi đi. Giá dao động tầm từ 100 đến 150 bath cho 1 chuyến (khoảng 74 đến 112 nghìn đồng). Tuy nhiên, xe đi với tốc độ khá nhanh".

Liên lạc

Hà Hin cho biết: "Bạn có thể mua sim tại sân bay của Thái. Nên mua sim Happy Tourist giá 299 baht sử dụng 4G không giới hạn dung lượng trong 7 ngày. Bạn chỉ việc đưa tiền và máy cho họ , họ sẽ lắp sim và kích hoạt giúp.

Ngôn ngữ 

Hà Hin chia sẻ: "Bạn không cần quá giỏi tiếng Anh, chỉ cần những từ giao tiếp, nói tắt những ý cần nói họ cũng sẽ hiểu mình muốn gì và ngược lại mình cũng sẽ hiểu vừa bằng ngôn ngữ chân tay lẫn lời nói. Nên tải ứng dụng Google Translate về máy vì sẽ hỗ trợ bạn khá nhiều khi giao tiếp.

 Các trung tâm mua sắm ở Bangkok

Chợ Platinum, Pratunam: Hà Hin cho biết đây một trong những chợ lớn nhất ở Bangkok bán quần áo may sẵn và bạn có thể mua buôn (họ bán sỉ từ 3 sản phẩm trở lên, nhớ mặc cả trước khi mua). Quanh khu chợ Pratunam, buổi tối và sáng sớm bên ngoài xung quanh cũng bán rất nhiều quần áo, giày dép.

Central World, Siam Pragon, Siam Center, Siam Discovery: Chỗ này cũng nổi tiếng lắm để mua sắm. Khu thương mại IconSiam rộng lớn nằm ở gần sông Chao Phraya chuyên bán hàng của các hãng nổi tiếng.

BigC: Nơi bán bánh kẹo, thực phẩm 

Chợ Chatuchak: Chợ lớn nhất thế giới với đủ các mặt hàng từ quần áo, đồ ăn, cho đến các hàng thủ công mĩ nghệ. Chợ Chatuchak chỉ mở đúng thứ 7 và Chủ Nhật.

Chợ Or Tor Kor: Chợ này ngay gần chợ Chatuchak chuyên bán hoa quả, đồ khô, ăn uống.

MBK: Một trong những trung tâm thương mại giá trung hơn so với Central và Siam, ở đây đầy đủ mặt hàng từ quần áo, giầy dép, túi xách, mĩ phẩm, dược phẩm và đồ điện tử.

Chợ đêm: chợ đêm Asiatique, chợ đêm Palladium, chợ đêm Rod Fai, chợ đêm Ratchada là nơi bán đồ ăn uống và mua sắm.

Ăn uống

Hà Hin chia sẻ: "Mình thích nhất ở Thái là ăn hải sản ở China Town, đi thẳng vào gần giữa phố là có 2 quán hải sản ngoài mặt đường. Có quán nhân viên mặc áo xanh và có quán nhân viên mặc áo đỏ, bạn nên ghé vào bên áo xanh vì đồ ăn rất ngon. Đến đây nên gọi món tomyum. Khu China Town bắt đầu các hàng quán mở cửa từ 19h.

Một số quán ăn ngon như Jeh O Chula, Duck Noodle House, cơm gà Go Ang khu Pratunam, After You

Ngoài ra, đường phố Thái cũng có nhiều quán ăn vặt ngon, đi một vòng các khu chợ và Trung tâm thương mại cũng đủ làm bạn no nê.

Một số nơi ăn uống tiện cho việc bạn lang thang trong các khu trung tâm thương mại: Tầng 6 Platinum, tầng G Siam Pragon, tầng 4 BigC, tầng 5,6 MBK ...

Ăn uống trong trung tâm thương mại bạn phải mua thẻ để đi ra các quầy mua đồ ăn, muốn ăn gì bạn chỉ việc đưa thẻ cho họ sau đó họ sẽ đưa hoá đơn cho bạn để bạn biết trong thẻ bạn còn bao nhiêu tiền. Nếu bạn không ăn hết số tiền trong thẻ thì mang lại chỗ lúc đầu mua thẻ trả lại thẻ và lấy lại tiền thừa. Bạn mua thẻ tầm 1.000, 2.000 bath (khoảng 700 đến 1,4 triệu đồng) tùy số lượng người đi. 

Điều không thể bỏ lỡ khi đến Thái đó là thưởng thức món xôi xoài, giá tầm 50 bath (khoảng 37 nghìn đồng). Món này ở sân bay giá 180 bath/hộp (khoảng 134 nghìn đồng). Món Tomyum ăn ở BigC hoặc China Town thì rất ngon. Nước quýt, nước cam, nước lựu ngoài đường chỗ nào cũng bán giá mỗi chai nước tầm từ 30 đến 40 bath (khoảng 22 đến 30 nghìn đồng).

Hoàn thuế

Tại các trung tâm thương mại có nhiều cửa hàng miễn thuế cho khách du lịch khi mua hàng, các bạn nên để ý những cửa hàng có biển hiệu VAT Refund for Tourists. 

Hoá đơn mua hàng phải có giá trị ít nhất là 2.000 baht mỗi ngày cho một cửa hàng (khoảng 1,4 triệu đồng). Nếu hoá đơn của bạn có giá trị từ 2.000 bath trở lên thì xuất trình hộ chiếu và yêu cầu nhân viên bán hàng tại các cửa hàng xuất cho bạn một tờ hoá đơn vàng hoàn thuế và đính kèm các hóa đơn mua hàng trong ngày.

Khi ra sân bay bạn phải trình các hoá đơn vàng được nhận ở các cửa hàng cho các cán bộ hải quan để kiểm tra, đóng dấu trước khi "check-in" . (Nếu ở sân bay Suvarnabhumi thì bạn đến cột thứ tự đánh chữ W ngay đó là thấy ngay khu vực đóng dâu hoàn thuế). Sau khi "checkin", tới phòng chờ máy bay, bạn sẽ được hoàn thuế tại quầy VAT Refund for Tourists Office (đừng quên vào phòng chờ hỏi lại người ở sân bay khu vực lấy tiền thuế cho chắc) bạn sẽ được nhận lại 7% tiền thuế được trả lại tại sân bay. 

Massage: Ở Thái, hàng massage có mặt ở tất cả các ngõ ngách, trung tâm thương mại hay các chợ. Đến Thái đi bộ nhiều nên sẽ mỏi chân, vì vậy đừng quên chăm sóc đôi chân của bạn với các dịch vụ massage. Giá chỉ khoảng 200 bath cho massage chân, 300 bath cho massage toàn thân (khoảng 140 đến 220 nghìn đồng) thời gian tầm 60 phút.

Các cửa hàng và trung tâm thương mại ở Thái mở cửa rất muộn, phải tầm 10h hoặc 10h30 các quầy hàng mới bắt đầu mở cửa. Ở đây chủ yếu sống về đêm, càng về đêm càng đông đúc

Lưu ý: Quần áo, giày dép nên mặc cho thoải mái vì bên Thái khá nóng, kem chống nắng là vật bất li thân. Nên đi dép hoặc giày bệt vì phải đi bộ khá nhiều".