Chiều 4/11, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết ngay sau lễ bàn giao vào ngày 6/11 tới đây, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành chính thức từ 7h cùng ngày. Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt sẽ phục vụ hành khách miễn phí, mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hàng ngày.
Sau thời gian trên, trong 6 tháng tiếp theo, tuyến đường sắt này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, với thời gian giãn cách khoảng 15 phút/chuyến. Trong 6 tháng tiếp theo sẽ vận hành 9 đoàn, khoảng 10 phút/chuyến.
Từ ngày 6/11, dự án đi vào hoạt động giai đoạn đầu với thời gian khai thác một năm. Sau một năm sẽ đánh giá và tiếp chuyển sang giai đoạn khai thác bền vững.
Khi khai thác thương mại, tuyến sẽ mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30; giờ bình thường vận hành 10 phút/chuyến, còn giờ cao điểm 6 phút/chuyến.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án là công trình đường sắt đô thị điểm thí điểm đầu tiên được Bộ giao thông vận tải phê duyệt năm 2008. Tuyến có chiều dài 13,05 km với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu; quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm. Tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h.
Dự án có vốn đầu tư từ vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và đối ứng trong nước. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh) là 18.001,5 tỷ đồng, tăng hơn 9.231 tỷ đồng so với mức ban đầu.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đội ngũ nhân sự phục vụ vận hành khai thác gồm 651 nhân sự theo thiết kế dự án (gồm 41 lái tàu) và 82 nhân sự bổ sung đã được đào tạo, cấp chứng chỉ nghề.
Các đoàn tàu đã được cấp chứng nhận đăng kiểm, sau khi bàn giao, đơn vị khai thác vận hành sẽ làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định.
Ngày 29/10 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.
Về giá vé hành khách, mức giá được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm trên máy bán vé.
Cụ thể, giá vé lượt dựa theo số ga đi, với mức 7.000 - 15.000 đồng/vé, vé ngày 30.000 đồng/vé trên toàn tuyến. Vé tháng gồm hai loại: 200.000 đồng/tháng/vé phổ thông(không định danh), vé ưu tiên 100.000 đồng/tháng, vé tập thể được giảm...
Về kết nối xe buýt, Giám đốc Metro Hà Nội ông Vũ Hồng Trường cho biết dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến.
Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cả 12 ga đều bố trí điểm trông giữ xe đạp, xe máy dành cho người dân đi tàu.