Tết Đoan Ngọ nên làm gì để cả năm may mắn?

Theo truyền thống dân gian, vào ngày Tết Đoan ngọ mùng 5/5, mọi người thường được dặn dò về những điều nên làm và một số điều cần kiêng kỵ để cả năm được may mắn và bình an. Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Tết Đoan Ngọ nên làm gì?

Ngày Tết Đoan Ngọ (Tết diệt sâu bọ) được ấn định vào ngày 5/5 Âm lịch. Đối với người dân Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ rất đặc biệt và quan trọng. Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị đồ lễ cúng bái tổ tiên và quây quần bên nhau.

Để trả lời cho câu hỏi "Tết Đoan Ngọ nên làm gì?", bạn hãy tham khảo ngay những thông tin sau đây:

Thực hiện nghi thức giết sâu bọ

Người xưa thường quan niệm rằng, trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Và lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 âm lịch nên phải làm lễ trừ sâu bọ vào ngày này.

Theo đó, ông bà ta thường thực hiện nghi thức giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào mùng 5/5. Cụ thể, trẻ em vừa ngủ dậy, còn ở trên giường đã được diệt sâu bọ bằng các món ăn như cơm rượu nếp, bánh gio, trái cây như mận hay vải và cả trứng luộc, dùng hùng hoàng bôi vào thóp đầu, ngực, rốn để diệt sâu bọ, sau đó mới đi rửa mặt mũi, chân tay.

Còn người lớn khi vừa dậy không được đặt chân xuống đất ngay mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ rồi ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó họ mới bước chân ra khỏi giường, uống một ít rượu hoặc ăn bát cơm rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đến ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Tiến hành nghi lễ cúng Tết Đoan Ngọ

Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ bao gồm: nhan đèn, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả (mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối), bánh tro (bánh gio) và chè hạt sen.

Người xưa thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12 giờ trưa) ngày 5/5 âm lịch. Bởi lẽ, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ tới 13 giờ.

Ảnh: Dân Việt

Tắm nước lá từ thiên nhiên

Thông thường, vào ngày mùng 5 tháng 5, sau khi đã ăn cơm rượu để giết sâu bọ, mọi người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng, việc tắm lá thuốc giúp cơ thể thơm tho, khoan khoái dễ chịu, trị được cảm mạo và xua tan mầm bệnh.

Ngoài ra, nhiều người cũng dùng nước lá thơm thiên nhiên này để gội đầu, xông hơi với mong muốn có một mái tóc đen, mượt, dài. 

Cầu tự vào ngày Tết Đoan Ngọ

Các chuyên gia phong thủy cho biết, theo các sách cổ - đặc biệt là cuốn sách phù thuật Vạn Pháp Quy Tông của Đạo gia có nói đến phương pháp cầu tự đặc biệt dùng trong ngày này.

Cách cầu tự như sau:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ chúng con là:… (Họ và tên từng thành viên trong gia đình)

Ngụ tại:… (Địa chỉ)

Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… (Họ của gia chủ), cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Ảnh: Lạc Yên

Tết Đoan Ngọ kiêng gì để gia đình luôn bình an?

Dù Tết Đoan Ngọ diễn ra chỉ đúng vào ngày 5/5 âm lịch nhưng theo quan niệm xưa, vào ngày này các gia đình cũng nên có những kiêng cữ để tránh gặp vận xui.

- Kiêng để dép lộn xộn: Người xưa cho rằng, giày dép trong tiếng Hán đồng âm với từ "tà", nếu để lộn xộn, lung tung thì sẽ dễ chiêu dụ tà khí. Vì vậy, mọi người thường để giày dép ngay ngắn, mũi hướng ra ngoài để tránh ảnh hưởng đến đường tài lộc và tình duyên.

- Không soi gương sau nửa đêm: Dân gian cho rằng vào ngày 5/5 âm lịch, không nên soi gương 12 giờ đêm vì khoảng thời gian này âm khí hoạt động mạnh, nếu soi gương hay chụp ảnh thì rất dễ chiêu dụ âm khí, không tốt cho sức khỏe và có thể xảy ra những hiện tượng khó lý giải.

- Tránh làm rơi hay mất tiền: Theo quan niệm xưa, mất tiền trong ngày Tết Đoan ngọ sẽ khiến bạn rơi mất tài lộc, vì vậy ngày này dù đi đâu cũng nên cẩn thận bảo vệ tài sản và tiền bạc.

- Tránh dừng chân nơi âm u:Trong ngày này, các cụ thường dặn nếu đi ra khỏi nhà thì không nên dừng chân ở những nơi âm u, những nơi được cho là nhiều tà khí như bệnh viện, nghĩa trang hay nhà tang lễ… vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trên thực tế, những nơi này có thể chứa mầm bệnh, tuy nhiên tình trạng này không chỉ xảy ra trong ngày 5/5.

(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.