Tết Dương lịch là ngày khởi đầu cho cả một tháng và một năm, thế nên mọi việc trong ngày này đều được mọi người chú trọng, nhất là ăn uống. Với quan niệm "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", nhiều gia đình thường chú trọng đến những món ăn cần tránh vào ngày này để không phải gặp xui cả năm. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có những niềm tin và phong tục ăn uống không giống nhau. Cũng giống như Tết Truyền thống, Tết Dương lịch kiêng ăn gì sẽ tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người ở các vùng khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu thêm trong phần dưới đây:
Thịt vịt “tan đàn xẻ nghé”: Ở miền Bắc, các món ăn từ thịt vịt tuy bổ dưỡng và thơm ngon nhưng tuyệt nhiên không xuất hiện trên mâm cơm vào ngày đầu năm, đầu tháng như Tết Dương lịch. Xuất phát từ tiếng “quác quác” của loài vịt khi tán đàn, người Bắc quan niệm rằng, ăn thịt vịt ngày đầu năm sẽ khiến cả năm đó làm ăn không thuận lợi, không may mắn, tán tài tán lộc. Không chỉ những người kinh doanh buôn bán mà cả những gia đình thường cũng tránh nấu hoặc ăn món này trong ngày đầu năm, đầu tháng.
Mắm tôm “xui xẻo cả năm”: Mắm tôm vốn là một loại nước chấm ăn kèm và gia vị nêm nếm với nhiều loại đồ ăn đặc trưng ở miền Bắc như bún đậu, cà pháo, thịt chưng, chả cá,... Tuy nhiên, trong một ngày đặc biệt như Tết Dương lịch, người ta lại kiêng dùng mắm tôm để tránh gặp xui xẻo và bất lợi. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ mùi vị đặc biệt của loại nước chấm này. Người ta quan niệm rằng có mùi mắm tôm trên người vào đầu năm sẽ mang đến sự hôi hám, uế tạp, khiến cho họ gặp xui xẻo và không thuận lợi. Hơn hết, đầu năm mọi người thường di chuyển, đi du xuân hoặc thăm thú nhiều nơi nên việc có mùi mắm tôm trên người sẽ khiến mọi cuộc vui trở nên “ám mùi” hơn.
Cháo trắng “nghèo đói túng thiếu”: Một bát cháo trắng nóng hổi có thể là món ăn làm ấm lòng bạn trong tiết trời se lạnh ở miền Bắc. Tuy nhiên, nhiều người lại kiêng dùng cháo trắng vào ngày Tết Dương lịch. Xuất phát từ tập tục cúng viếng đầu tháng, người miền Bắc quan niệm ăn cháo trắng vào đầu năm sẽ khiến ma quỷ nghĩ rằng bạn đang giành ăn với họ nên sẽ đến quấy phá khiến bạn gặp nhiều tai ương. Ngoài ra, cháo trắng còn được dân gian xem là một món ăn đại diện cho cái nghèo, cái đói từ xưa đến nay. Chính vì thế, nhiều người thường kiêng kỵ ăn cháo trắng vào ngày đầu năm để tránh mang cái “nghèo” về nhà.
Cá mè “đen đủi cả tháng”: Cá mè là một trong những loại cá nước ngọt sống ở ao hồ, được người dân miền Trung chế biến thành rất nhiều món ngon trong các bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cứ mỗi dịp năm cũ qua đi, năm mới đến, món cá này lại “biến mất” trên bàn tiệc của nhiều gia đình. Bởi người miền Trung quan niệm, đầu năm nên chọn những món ăn tốt lành như xôi gấc, gà luộc, sung... thay vì cá mè vừa tanh lại nhiều vảy nhiều xương, mang ý nghĩa cực nhọc, khó khăn cho gia đình. Nếu Tết Dương lịch mà mua và ăn cá mè, cả tháng đó bạn sẽ bị “hãm tài”, cũng như đường công danh bị kìm hãm.
Trứng vịt lộn “gia đạo không yên”: Người miền Trung thường kiêng ăn trứng vịt lộn vào ngày đầu tháng, đầu năm hoặc trước khi thi cử, đỗ đạt. Bởi chữ “lộn” trong món ăn này khiến người ta liên tưởng ngay đến sự nhầm lẫn, xáo trộn hoặc mặt ngược, làm lại từ đầu. Vậy nên, nhiều người quan niệm cứ ăn hột vịt lộn vào những lúc quan trọng, như Tết Dương lịch, sẽ khiến bạn gặp chuyện không hay hoặc xảy ra ngược lại với ý muốn.
Sầu riêng “buồn phiền cả năm”: Sầu riêng vốn là thức quả vừa đắt, vừa thơm ngon nổi tiếng ba miền. Thế nhưng một số gia đình người miền Trung lại kiêng kị khi ăn hay cúng quả này vào ngày đầu năm. Nguyên nhân chính là do chữ “sầu” trong tên quả khiến người ta liên tưởng tới nỗi sầu, muộn phiền. Vì vậy, dân miền Trung thường kỵ ăn sầu riêng vào đầu năm để tránh rước xui xẻo, muộn phiền cho bản thân. Thêm vào đó, mùi sầu riêng khá nặng nên đây cũng là một trong những lí do mà loại quả này được xếp vào danh sách những món kiêng ăn đầu năm.
Thịt chó “rước xui về nhà”: Thịt chó vốn là món ăn quen thuộc trên bàn nhậu của nhiều người ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên, đây lại là một trong những món ăn cần kiêng cử vào ngày đầu tháng, nhất là Tết Dương lịch tại miền Nam. Từ xa xưa người ta đã truyền tai nhau rằng, ăn thịt chó vào đầu tháng hay đầu năm sẽ mang lại xui xẻo, không may mắn cho cả gia đình.
Chuối “tiền tài lao dốc”: Ở miền Nam, quả chuối thường được phát âm nghe giống từ “chúi”, mà từ này nghĩa là cắm xuống đất, không ngóc đầu lên được hoặc lao dốc. Do vậy nên thức quả này thường bị dân miền Nam liệt vào hàng “không nên ăn” trong ngày đầu tháng, đầu năm, nhất là Tết Dương lịch.
Tôm “sự nghiệp giật lùi”: Các món ăn từ tôm vốn rất thịnh hành trên bữa cơm hàng ngày của người dân ba miền. Tuy nhiên, cứ vào đầu tháng, người miền Nam lại rủ rê nhau “né” món tôm để tránh mang lại điều xấu cho đường sự nghiệp, gia đạo. Trong quan niệm của họ, do loài vật giáp xác này di chuyển giật lùi nên dẫn tới ăn tôm đầu tháng thì công việc hay gia đình của họ sẽ bị trì trệ, không tiến triển tốt đẹp. Ngoài ra, tôm chứa phân ở đầu nên bị cho là sẽ làm cho người ăn đầu óc không thông suốt.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.