Thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc đi qua Lạng Sơn, Cao Bằng

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án quan trọng thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức PPP.

Quy mô dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn hoàn thiện 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 17 m. (Ảnh minh hoạ: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN).

Hội đồng thẩm định liên ngành vừa tổ chức cuộc họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tại cuộc họp này đã xem xét nhiều nội dung quan trọng; trong đó có vấn đề vốn của dự án.

Cụ thể, theo Ban chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, phương án xây dựng tuyến cao tốc này có điều chỉnh 6 nội dung; cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu, quy mô dự án, tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, điều chỉnh dự án thành phần, thời gian thực hiện, nhu cầu sử dụng đất… cũng như khẳng định sẽ sớm hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng bàn giao lại cho nhà đầu tư tổ chức thi công, hoàn thành dự án.

Những đề xuất trên cơ bản nhận được sự đồng thuận sau những bổ sung góp ý đến từ đại diện các Bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Đối với tỉnh Cao Bằng, trong báo cáo giải trình hồ sơ điều chỉnh dự án, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Phó trưởng Ban chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh một lần khẳng định việc đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hết sức quan trọng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế xã hội mà còn có ý nghĩa về quốc phòng an ninh. Tỉnh Cao Bằng tiếp thu các ý kiến của hội đồng thẩm định thể hiện một quyết tâm cao độ, sử dụng mọi nguồn lực để xây dựng bằng được tuyến đường cao tốc này.

 

 Một cây cầu có hình ảnh đàn tính trong phương án thiết kế cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đạt giải A trong cuộc thi thiết kế về dự án này. (Ảnh: A2Z).

Hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã mạnh dạn cắt bỏ các dự án đầu tư công khác để dồn vốn đầu tư 4.080 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

 

Đối với Lạng Sơn, lãnh đạo tỉnh này cho biết sẽ bổ sung thêm 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương cho dự án đủ 2.500 tỷ đồng, đảm bảo tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước đạt 50% tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn sẽ thống nhất với Tập đoàn Đèo Cả làm việc với các nhà đầu tư của dự án để giao Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả- HHV (thành viên của Tập đoàn Đèo Cả) đứng đầu liên danh chủ trì thực hiện, đó là cơ sở để Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cung cấp nguồn vốn tín dụng cho dự án.

Theo Ban chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, thời gian vừa qua, vướng mắc lớn nhất của dự án này vẫn là nguồn vốn huy động, nhưng với sự tham gia của 2 ngân hàng là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), TPBank cùng với nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả và những đối tác liên danh (BCC) của họ đề ra những phương án và kế hoạch triển khai rất cụ thể, hơn lúc nào hết, cơ hội thực hiện và hoàn thành tuyến cao tốc từ Lạng Sơn lên Cao Bằng kết nối đến các cửa khẩu lại rộng mở như hiện nay.

Trong một diễn biến liên quan, tại Công văn số 402/TTg-CN ngày 6/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

 

 Phương án kiến trúc một cây cầu trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đạt giải A. (Ảnh: A2Z).

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án lớn nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). 

 

Điểm đầu dự án tại vị trí nút giao của tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam thuộc địa phận huyện Văn Lãng (Lạng Sơn). Điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh).

Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (2021 - 2025) là 13.181 tỷ đồng, thực hiện góp vốn áp dụng mô hình 3P, gồm: Vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng); Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác 5.371 tỷ đồng…

Quy mô dự án giai đoạn hoàn thiện 4 làn xe cơ giới với bề rộng nền đường 17m, phần tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.