Tôi là bác sĩ, chồng tôi là kỹ sư. Vì thế, chúng tôi rất tự tin con mình sau này cũng sẽ thành đạt giống bố mẹ. Nào ngờ, năm lớp 8, con tôi sa sút tới mức cô giáo cảnh báo sẽ cho cháu ở lại lớp nếu cháu không nỗ lực cải thiện sức học. Nguyên do vì cháu nghiện game.
Vì luôn tin tưởng, kỳ vọng vào con nên khi nhận được điện thoại báo tin con chểnh mảng học hành, tôi đã rất sững sờ. Qua trao đổi, tôi còn phát hiện rằng, lâu nay, con đã nói dối chúng tôi. Cháu thường xuyên về nhà muộn với lý do học bồi dưỡng kiến thức vì cháu được ở trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, rồi còn hay xin tiền bố mua sách vở, đồ dùng học tập... Nào ngờ, con tôi đã dùng thời gian sau mỗi giờ tan học và đồng tiền bố mẹ cho để đổ cả vào quán net.
Hoá ra con quá say sưa trong quán net |
Lôi con từ quán net ra, nhìn mặt con đờ đẫn, chồng tôi hét lên đòi xử lý chủ quán và còn dọa đốt cháy quán. Người chủ quán net lạnh lùng, đáp trả chúng tôi: “Anh chị mà phá quán là tôi kiện đó. Có tiền vào đây thì tôi đều phục vụ. Tôi không có trách nhiệm phải quản lý con thay anh chị. Tại sao anh chị là bố mẹ mà không biết giáo dục con? Anh chị nhìn đi, có phải đứa trẻ nào cũng vào đây chơi game đâu?”. Lời anh chủ quán khiến tôi như bừng tỉnh. Đúng rồi, con hư trước tiên phải trách bố mẹ chứ không thể đổ thừa cho ai khác được. Trên đường áp tải con về nhà, tôi chỉ lởn vởn trong đầu câu hỏi phải làm gì đây để giúp con cai game?
Biết chuyện, một người bạn của tôi nói: “Muốn biết vì sao con nghiện game thì cậu hãy thử chơi game đi. Cậu sẽ thấy game có sức hút và hấp dẫn lắm. Đừng nghĩ con chơi game là hư, mà chỉ là cậu chưa giúp con cảm nhận được niềm vui cuộc sống nên con mới bị game cuốn hút đó thôi”. Tôi liền nhờ bạn tải giúp những trò chơi đang thịnh hành, được trẻ teen yêu thích và bắt đầu tập chơi như một đứa trẻ thực sự.
Quả nhiên, như lời bạn tôi nói, những nhân vật trong game đều được vẽ rất đẹp và sống động. Game cho tôi cảm giác được làm người hùng. Ở ngoài đời, tôi chỉ là một người bình thường, chẳng có gì đặc biệt nhưng trong game, tôi được bầu chọn là anh hùng, soái ca. Tôi có thể làm những việc vĩ đại như giải cứu cả thế giới. Tôi cũng nhận ra, game rất tâm lý và khéo chiều lòng người chơi.
Mỗi khi tôi thua cuộc, các nhân vật trong game luôn động viên tôi bằng những lời có cánh như: “Bạn rất giỏi”, “Hãy cố lên” và sau đó là hạ độ khó để cho tôi có thể chơi lại từ đầu. Còn tôi chẳng thể nào cưỡng lại được nên lại phải chơi tiếp ván khác. Tôi hiểu ra, con tôi cũng vậy thôi. Ai mà chẳng muốn được ghi nhận và chinh phục đỉnh cao, dù đó là đỉnh cao của thế giới ảo.
Sau khi thấu hiểu game, tôi bắt tay vào chiến dịch giành lại tình cảm của con.Tôi đã không còn vùi dập con nữa mà luôn nhìn thấy ở con những điểm mạnh. Thay vì nghĩ con chỉ là một đứa con gái học hành làng nhàng, tôi học game, tin rằng con hoàn toàn có thể làm được những điều lớn lao trong tương lai.
Chúng tôi khuyến khích con khám phá cuộc sống và những thế mạnh của mình |
Tôi khen ngợi con, thậm chí có lúc còn nói rằng, con giỏi hơn cả tôi lúc bé. Ngược lại, khi con gặp thất bại, tôi bảo con: “Chẳng làm sao con ạ. Thua keo này ta bày keo khác. Lần sau chỉ cần con cố gắng hết sức là được”. Tôi nhận thấy, được mẹ động viên, tinh thần con phấn chấn hẳn. Bên cạnh đó, tôi cho con tham gia các lớp thể dục thể thao, năng khiếu để con giải tỏa năng lượng.
Cuối tuần, gia đình chúng tôi lại rủ nhau đi dã ngoại, không cần phải ở nơi xa hay sang trọng mà chỉ là một không gian khác biệt để con thay đổi không khí và tạo cơ hội để cả nhà được ở bên và hiểu nhau hơn. Dần dần, tôi đã tách được con khỏi game. Nói cách khác là con không còn cảm thấy nhu cầu chơi game để giải tỏa cảm giác cô đơn, trống trải nữa.
XEM THÊM
Bà mẹ thử 14 ngày không quát con, trẻ nghe lời hơn hẳn
Bà mẹ người Anh tự thử nghiệm kế hoạch của mình, thất bại 2 lần nhưng có được những thay đổi tích cực. |
8 câu 'thần chú' để dạy con ngoan, cha mẹ nhất định phải nói hàng ngày
Không phải là những món đồ chơi đắt tiền hay điều gì to tát, đây là những điều con bạn muốn nhận được từ bố ... |
Sáu lời khuyên giúp trẻ trở thành người lạc quan
Ngừng phàn nàn, không nói dối, luôn đặt kỳ vọng cao ở trẻ là những điều bạn có thể làm để giúp chúng lạc quan ... |
Kỷ luật không nước mắt
“Kỷ luật không nước mắt” - Kỷ luật tích cực là một mô hình kỷ luật được sử dụng trong các trường học và gia ... |
Có sự thiên vị giữa các con trong một gia đình của bố mẹ hay không?
Chuyện bố mẹ thiên vị đứa con này với đứa con khác trong một nhà thường để lại hậu quả khôn lường. |