Thanh Hóa phê duyệt lập qui hoạch bến xe Trung tâm thành phố rộng 17 ha

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3461/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ lập qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 bến xe Trung tâm thành phố Thanh Hóa.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, phạm vi ranh giới lập qui hoạch tại xã Đông Tân và Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa, trên cơ sở ranh giới của khu đất lập qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Bến xe trung tâm thành phố Thanh Hóa đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 5077/QĐ-UBND ngày 4/12/2015 và Quyết định số 2363/QĐ-UBND ngày 4/7/2017.

Thanh Hóa phê duyệt lập quy hoạch bến xe Trung tâm thành phố rộng 17 ha - Ảnh 1.

(Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử công khai qui hoạch - UBND tỉnh Thanh Hóa).

Cụ thể nội dung lập qui hoạch như sau: phía Bắc giáp khu dân cư hiện trạng và đường qui hoạch; phía Nam giáp sông Nông Giang (kênh Bắc); phía Đông giáp qui hoạch ga đường sắt cao tốc; phía Tây giáp đường qui hoạch.

Diện tích nghiên cứu qui hoạch khoảng 17,0 ha (trong đó phần đã được chấp thuận nghiên cứu lập qui hoạch theo Quyết định 5077/QĐ-UBND ngày 4/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh là 11,0 ha và phần chấp thuận nghiên cứu lập qui hoạch bổ sung theo Quyết định 2363/QĐ-UBND ngày 4-7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh là 6,0 ha).

Dự kiến qui mô các khu chức năng: Đối với phần ranh giới đã nghiên cứu lập qui hoạch có diện tích 11 ha: Tuân thủ theo nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Quyết định số 5077/QĐ- UBND ngày 04/12/2015 của UBND tỉnh,

Cụ thể, khu vực bến xe: Số vị trí xe đón trả khách khoảng 50 vị trí (đón khách khoảng 30 vị trí, trả khách khoảng 20 vị trí); Diện tích bãi đỗ xe khách chờ vào vị trí đón khách khoảng 5000 m2; Diện tích bãi đỗ dành cho các phương tiện khác khoảng 2000 m2; Diện tích phòng chờ khoảng 500 m2 (số chỗ ngồi chờ khoảng 100 chỗ); tiêu chuẩn diện tích khu làm việc bình quân 4,5 m2 một người, trong đó diện tích dành bộ phận công an, y tế, thanh tra giao thông tối thiểu 20 m2; Diện tích cây xanh, thảm cỏ tối thiểu 5% tổng diện tích khu đất; Đường xe ra, vào bến riêng biệt; Đường dẫn từ phòng chờ cho khách đến vị trí đón, trả khách có mái che.

Khu vực thương mại - dịch vụ gồm trung tâm thương mại, nhà hàng phục vụ ăn uống; nhà nghỉ - khách sạn; khu vực vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe...; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe; trạm cung cấp nhiên liệu; nơi để xe; Trung tâm dịch vụ đăng kiểm xe cơ giới đường bộ.

Phần diện tích 6,0 ha nghiên cứu mở rộng thêm: Tuân thủ theo nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Quyết định 2363/QĐ-UBND ngày 4/7/2017 của UBND tỉnh là 6,0 ha. Cụ thể, bố trí khu thương mại dịch vụ để tạo cảnh quan khu vực, kết nối hài hòa với các khu chức năng khác của tổng thể dự án. 

Nghiên cứu phương án bố trí các khu chức năng tại mặt bằng tổng thể bến xe trung tâm thành phố Thanh Hóa trên cơ sở đáp ứng tối đa công năng sử dụng của bến xe, đảm bảo tiết kiệm quĩ đất, tổ chức giao thông hài hòa hợp lí, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Kinh phí và nguồn vốn lập qui hoạch: Từ nguồn kinh phí của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thương mại Minh Hương (công ty Minh Hương).

Theo tìm hiểu, Công ty Minh Hương thành lập 07/05/2009, có vốn điều lệ là 150 tỉ đồng, do bà Lê Thị Hương (SN 1968) làm người đại diện theo pháp luật.

Doanh nghiệp này do 3 cá nhân tham gia góp vốn sáng lập là: Lê Thị Hương, Mai Văn Thanh, Mai Văn Long. Cả cá nhân này đều đăng kí hộ khẩu thường trú tại một địa chỉ là phố Cao Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa.

Tháng 6/2014, Công ty Minh Hương tăng vốn điều lệ từ 101 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng. Trong đó, bà Lê Thị Hương góp 81 tỉ đồng (tương đương 54%), Mai Văn Thanh góp 67 tỉ đồng (tương đương 44,67%) và Mai Văn Long đóng góp 2 tỉ đồng (tương đương với 1,33%).

Ngoài dự án trên, Công ty Minh Hương còn độc lập hoặc liên danh tham gia thực hiện nhiều dự án có sử dụng đất khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Có thể kể đến như: Khu dân cư phía Đông Quốc lộ 1A, khu số 4, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn với qui mô gần 2 ha;  Khu nhà ở thương mại Nam đường Nguyễn Phục, TP Thanh Hóa với tổng diện tích khoảng 17,6 ha;  Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, tại phường Quảng Thắng, tỉnh Thanh Hóa (dự án này liên danh với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thuộc Tập đoàn Xây dựng Miền Trung).


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.