Thanh niên quay clip hành hạ bé trai có bị dẫn độ sang Campuchia?

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) được xác định là nghi can quay 48 clip hành hạ một bé trai 2 tuổi ở Campuchia đang gây chấn động dư luận. Tôi có thắc mắc rằng việc Dũng thực hiện hành vi ở Campuchia, là công dân Việt Nam thì liệu có bị dẫn độ sang Campuchia để điều tra, xét xử?

Độc giả: Ngọc Mai

Chỉ ít ngày sau khi lẩn trốn, nghi can Dũng đã bị bắt giữ tại TP HCM - Ảnh Đại Việt.

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Hiện nay, có nhiều quan điểm chưa thống nhất về khái niệm dẫn độ. Ở mỗi quốc gia, mỗi thời kì có một cách tiếp cận về khái niệm này khác nhau. Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 đưa ra khái niệm dẫn độ như sau: Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Đối tượng dẫn độ là người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đang lẩn trốn tại nước được yêu cầu.

Đối tượng bị yêu cầu dẫn độ có thể là công dân của nước yêu cầu, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch.

Trong trường hợp đặc biệt, đối tượng bị dẫn độ có thể là công dân của nước được yêu cầu nếu pháp luật quốc gia và Điều ước quốc tế về dẫn độ mà nước được yêu cầu đã ký kết và gia nhập cho phép dẫn đô công dân cho nước ngoài

Luật tương trợ tư pháp quy định các trường hợp dẫn độ như sau:

- Người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

- Hành vi phạm tội của người này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

- Nếu hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Thủ tục dẫn độ như thế nào?

Thủ tục dẫn độ được thực hiện từ khi có yêu cầu dẫn độ của nước yêu cầu và kết thúc khi người bị yêu cầu dẫn độ được chuyển giao cho nước yêu cầu, gồm 03 bước sau:

Bước 1: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu dẫn độ

Bộ Công an là Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra và xử lý hồ sơ, văn bản yêu cầu dẫn độ.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu dẫn độ và tài liệu kèm theo, Bộ Công an vào sổ hồ sơ dẫn độ và kiểm tra hồ sơ yêu cầu dẫn độ.

- Hồ sơ hợp lệ thì Bộ Công an chuyển ngay cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền 02 bộ hồ sơ để xem xét, quyết định.

- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Công an có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu dẫn độ cung cấp thông tin bổ sung. Sau 60 ngày, kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu bổ sung thông tin mà không nhận được thông tin bổ sung thì Bộ Công an gửi trả hồ sơ cho nước yêu cầu dẫn độ và nêu rõ lý do.

Trường hợp nhiều nước cùng yêu cầu dẫn độ một người thì Bộ Công an sẽ chủ trì và phối hợp với Bộ ngoại giao, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, TAND tối cao để xem xét, quyết định đáp ứng yêu cầu dẫn độ cho một trong các nước yêu cầu và chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bước 2: Xem xét, quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ

TAND cấp tỉnh nơi người bị yêu cầu dẫn độ đang cư trú, đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc chấp hành hình phạt tù là cơ quan có thẩm quyền quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ.

Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, nếu đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ và văn bản yêu cầu dẫn độ thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền sẽ ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ.

Đình chỉ: Trường hợp yêu cầu dẫn độ không thuộc thẩm quyền hoặc Bên nước ngoài rút yêu cầu dẫn độ hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đã rời khỏi Việt Nam hoặc vì lý do khác mà việc xem xét không thể tiến hành được thì TAND cấp tỉnh sẽ quyết định đình chỉ việc xem xét yêu cầu dẫn độ và trả hồ sơ cho Bộ Công an để Bộ Công an thông báo cho nước yêu cầu.

TAND cấp tỉnh xem xét yêu cầu dẫn độ trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày ra quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ và chuyển ngay một bộ hồ sơ cho VKSND cùng cấp.

Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ, TAND cấp tỉnh gửi quyết định cho người bị yêu cầu dẫn độ, VKSND cùng cấp, Bộ Công an để thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Kháng cáo, kháng nghị:

- Người bị yêu cầu dẫn độ có quyền kháng cáo, VKSND cùng cấp có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, VKSND tối cao có quyền kháng nghị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày TAND cấp tỉnh ra quyết định. TAND cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng cáo, kháng nghị cho TAND tối cao trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ dẫn độ và kháng cáo, kháng nghị, TAND tối cao mở phiên họp xem xét quyết định của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị; Hội đồng xem xét phúc thẩm quyết định về việc dẫn độ hoặc từ chối dẫn độ. Trình tự xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ của TAND cấp tỉnh được thực hiện như trình tự xem xét dẫn độ tại TAND cấp tỉnh có thẩm quyền.

Bước 3: Thi hành quyết định dẫn độ

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định của TAND về dẫn độ có hiệu lực pháp luật, Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền ra quyết định thi hành quyết định dẫn độ. Quyết định thi hành quyết định dẫn độ phải được gửi cho VKSND cùng cấp, Bộ Công an, nước yêu cầu dẫn độ và người bị dẫn độ.

Sau khi nhận được quyết định thi hành quyết định dẫn độ, cơ quan Công an có thẩm quyền tiến hành bắt người bị dẫn độ. Việc bắt người bị dẫn độ được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Có được từ chối dẫn độ không?

Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

- Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác.

- Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.

- Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị.

- Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định về trường hợp bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

- Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

- Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Việt Nam từ chối dẫn độ, nếu thuộc trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam thì Việt Nam có quyền từ chối dẫn độ, cụ thể là đối với Nguyễn Thành Dũng sang Campuchia để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự của Campuchia.

Các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Dũng nếu người này đã thực hiện hành vi phạm tội. Việt Nam có quyền đề nghị phía Campuchia cung cấp các tài liệu và chứng cứ có liên quan đến vụ án để khởi tố, điều tra và xét xử đối với Dũng về các tội danh tương xứng với các hành vi phạm tội mà nghi can này đã thực hiện.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hình ảnh tiến độ KCN hơn 2.300 tỷ đồng của Ecoland ở Hưng Yên
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 3 được thực hiện tại huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ và huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) có quy mô 159,7 ha với tổng vốn đầu tư là 2.310 đồng.