Như VietNamNet phản ánh, hiện nay các căn hộ tại nhiều dự án chung cư, condotel... đang được các chủ hộ tự hoạt động kinh doanh, cho thuê du lịch đặc biệt các tỉnh, thành phố phát triển mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang…
Nhà đầu tư mua căn hộ khách sạn (condotel) nhưng không kết hợp với công ty quản lí mà tự kinh doanh cho thuê hay tại nhiều chung cư, căn hộ để ở lại cho khách du lịch thuê như khách sạn.
Khảo sát thực tế tại khu chung cư Mường Thanh Viễn Triều, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản đặt ngay kiot dưới chân khu nhà cho hay, ở đây có khoảng 50% căn hộ chung cư đang được sử dụng để ở, 50% còn lại là cho thuê. Việc cho thuê căn hộ ở đây có thể do nhà đầu tư tự cho thuê hoặc kí gửi tại các sàn.
Khi được hỏi về việc có cần khai báo lễ tân và giới hạn người thuê như các khách sạn không nhân viên này cho hay: “Ở đây không giới hạn số người, anh chị muốn ở 10 người cũng được. Sàn bên em nhận kí gửi căn hộ từ các chủ sở hữu”.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết, việc các chủ sở hữu cho thuê du lịch luật pháp không cấm nhưng phải đảm bảo các qui định, điều kiện và phải đăng kí kinh doanh.
“Nghị định 168/2017/NĐ-CP qui định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đối với căn hộ du lịch có qui định về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện đối với căn hộ phải có khu vực tiếp khách riêng, phòng bếp, phòng ngủ, phòng tắm, giường nệm…
Về vấn đề an ninh an toàn phải đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, PCCC… Khi có đầy đủ các điều kiện theo qui định, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch cấp giấy hoạt động các căn hộ du lịch mới được đi vào hoạt động”, luật sư Toại nói.
Cũng theo luật sư, để kinh doanh chủ sở hữu phải thực hiện việc đăng kí kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều căn hộ chung cư cho thuê du lịch hiện nay được chủ sở hữu bán trực tiếp trên mạng Internet nên không đăng kí kinh doanh, trốn thuế gây thất thu thuế với Nhà nước.
“Luật không cấm việc cho thuê nhưng phải dựa trên cơ sở pháp luật. Cho thuê thì phát sinh quan hệ kinh doanh. Quan hệ kinh doanh phải đăng kí kinh doanh. Nếu việc quản lí không chặt chẽ các căn hộ không đăng kí kinh doanh Nhà nước sẽ thất thu về thuế.
Trên thị trường hiện nay có những căn hộ chung cư, condotel có giá thuê từ vài trăm đến 2-3 triệu/ngày đêm, nếu cho thuê biệt thự thì giá lên tới chục triệu, vài chục triệu. Rõ ràng đây là hình thức kinh doanh và nguồn thu tương đối lớn”, luật sư Toại đánh giá.
Với việc kinh doanh "chui" này, theo một chuyên gia ngành thuế, một dự án chung cư với khoảng 4000 căn hộ, giả sử mỗi năm cho thuê được công suất phòng 50%, giá cho thuê thấp nhất là 500 ngàn đồng/ngày thôi thì Nhà nước đã thất thu khoảng 36,5 tỉ đồng thuế VAT.
Còn nếu tính thuế thu nhập tính khoán theo hộ cá thể cứ lấy một căn hộ được kinh doanh với 4000 căn trong 12 tháng, Nhà nước thất thu khoảng 48 tỉ đồng nữa.
“Về góc độ pháp luật Nhà nước không hạn chế kinh doanh của cá nhân, tổ chức nhưng phải có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước.
Cũng phải nói thêm rằng, giữa chủ sở hữu tự kinh doanh và khách hàng có cam kết không hay chỉ giao dịch qua mạng Internet, qua các ứng dụng rồi tự thỏa thuận với nhau xong đến ở.
Thực tế cho thấy lĩnh vực này đã phát sinh việc khách thuê sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật như làm tụ điểm sử dụng ma túy… Điều đó rất lỏng lẻo dẫn đến việc khi có sự cố thì trách nhiệm không biết của ai: chủ đầu tư hay chủ sở hữu?”, luật sư Toại đặt vấn đề.
Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, việc người dân tự cho thuê căn hộ condotel hay căn hộ chung cư như hiện nay như một hoạt động “chui” bởi người dân dù có tự kinh doanh phải đáp ứng điều kiện trong Luật Du lịch từ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm đến phòng cháy chữa cháy…
Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này chỉ được cấp cho đơn vị khai thác là chủ đầu tư chứ không phải từng chủ nhà tự kinh doanh.
Từ thực tế quản lí hiện nay, theo Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà, kiểu hoạt động “chui” của các căn hộ chung cư, condotel... không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế trong hoạt động khai thác du lịch mà còn phát sinh nhiều vấn đề.
Ông Trung nêu dẫn chứng về một dự án trên địa bàn TP Nha Trang, tòa nhà có tổng cộng 720 căn hộ nhưng chỉ đăng kí khách sạn là 350 căn.
Trong khi đó, giấy chứng nhận PCCC được cấp cho chủ đầu tư. Giấy chứng nhận này các chủ sở hữu khác có được sử dụng?
Nếu dự án căn hộ du lịch xuất phát điểm là đất sản xuất kinh doanh, mọi hoạt động giấy phép kinh doanh du lịch chỉ được cấp cho chủ đầu tư. Chủ căn hộ muốn kinh doanh loại hình này phải có sự thỏa thuận với chủ đầu tư.
Tuy nhiên hiện nay, tại không ít dự án do không đạt được sự thoả thuận khiến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng bắt đầu phát sinh.
Ông Trung thừa nhận, đây cũng là thực tế đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà.
“Có trường hợp chủ đầu tư qui định phòng được ở tối đa hai người, không được sử dụng bếp ga nhưng chủ tự kinh doanh lại không tuân thủ cho thuê hơn hai người vào ở vẫn sử dụng bếp ga.
Nếu xảy ra sự cố như cháy hay vấn đề về an ninh trật tự thì chủ đầu tư cũng phải chịu trách. Vì vậy phải các bên phải có sự thoả thuận. Nếu không đạt được thoả thuận thì chủ đầu tư có quyền không cho phép chủ sở hữu sử dụng giấy chứng nhận.
Như vậy chủ sở hữu phải tự đi làm các giấy tờ liên quan theo qui định nếu không đáp ứng đủ yêu cầu chủ sở hữu sẽ không được kinh doanh. Đó là điều chắc chắn”, ông Trung nói.
Về giải pháp, theo ông Trung, các chủ căn hộ tự kinh doanh phải phối hợp với chủ đầu tư để đạt được thỏa thuận cùng khai thác kinh doanh thực hiện đúng qui định và đem lại hiệu quả.