Thầy giáo Hoàng Sơn: 'Đôi lúc, tôi so sánh mức lương của mình với một người giúp việc nhà'

Vì lương giáo viên thấp, một thầy giáo tiểu học ở TP HCM đã "học lỏm" được nghề làm biển quảng cáo, dán băng rôn để cải thiện thu nhập mà vẫn đảm bảo giờ lên lớp.

Trong thời gian vừa qua, câu chuyện về các thầy cô giáo phải làm thêm bằng hàng trăm nghề "tay trái" để bươn chải cuộc sống do lương giáo viên thấp khiến nhiều người băn khoăn. Chúng tôi đã nhận được ý kiến chia sẻ của Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - Giáo viên tại Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP HCM).

Gian nan để đến được với nghề

Nhớ lại quãng thời gian trước đây, thầy giáo Hoàng Sơn kể lại: "Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường từ khi tôi học lớp 6, mọi chi tiêu sinh hoạt trong đời sống đều đổ dồn lên đôi vai của các anh, các chị. Do biến chứng của bệnh tiểu đường nên có thời gian, đôi mắt của mẹ tôi gần như không thấy gì, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào cha tôi.

Nhà nghèo, các anh chị phải nghỉ học từ sớm để theo mẹ đi bán hàng ngoài chợ. Mọi người trong gia đình cũng chỉ lo được cho tôi học đến phổ thông.

thay giao hoang son doi luc toi so sanh muc luong cua minh voi mot nguoi giup viec nha
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - Giáo viên tại Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: NVCC.

Do gia đình quá khó khăn nên không đủ chi phí cho tôi ôn luyện tại các trung tâm luyện thi đại học lúc bấy giờ. Thế là tôi đăng ký thi vào Trường Trung học Sư phạm TP HCM. Ở thời điểm đó, khi đi học, giáo sinh sẽ không phải đóng học phí, nếu học tốt còn được học bổng nên tôi quyết tâm thi cho đậu vào trường và trong suy nghĩ lúc bấy giờ “học xong 2 năm ra trường có việc làm rồi đi học tiếp” nếu nghỉ học thì tôi cũng sẽ theo các anh chị làm lao động chân tay.

Năm 1998, tôi tốt nghiệp với số điểm chỉ thua thủ khoa 0,5 điểm và được điều động về Quận Bình Thạnh. Cầm quyết định trên tay, trong lòng lúc bấy giờ vui mừng khôn tả vì từ đây sẽ có thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ, gia đình tôi cũng sẽ tự hào vì trong 9 người con cũng có đứa học hành đến nơi đến chốn.

Niềm vui vụt tắt khi tôi đến gặp Phòng Tổ chức quận. Cô phụ trách hỏi: Ai nhận em về đây? Chúng tôi không xin em về quận này. Em tự đi tìm trường nào thiếu giáo viên thì xin về. Thứ hai tuần sau quay lại, nếu không có trường nào nhận, tôi sẽ trả em về trường Sư phạm. Tôi đứng chờ khi các bạn cùng lớp nhận quyết định để về các trường mà lòng nặng trĩu.

Trong suốt cả tuần, tôi không thể tìm được trường nào có nhu cầu tuyển giáo viên (thời điểm đó, thông tin tuyển dụng không công bố trên các trang web như hiện nay). Tôi đánh liều đến trường mà tôi thực tập để xin. Cũng may, tôi được cô Hiệu trưởng (nay đã về hưu) đồng ý nhận về với nhiệm vụ làm Tổng phụ trách.

Ngoài thời gian làm việc, tôi lại đi học Đại học ở Trường Đại học Sư phạm chuyên ngành Giáo viên Tiểu học. Chưa dừng lại ở đó, tôi lại tiếp tục học văn bằng 2 của trường chuyên ngành Sư phạm Tin học. Vài năm sau, tôi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm từ đó đến nay. Nhờ sự cần cù, chịu khó, tôi tốt nghiệp Sau đại học của Trường Đại học Vinh".

Mưu sinh bằng đủ nghề cùng nghề giáo

Đôi lúc, tôi so sánh mức lương của mình với một người giúp việc nhà thì cảm thấy có sự chênh lệch rất lớn.

Người giúp việc nhà, họ chỉ biết hoàn thành công việc theo thỏa thuận rồi ra về, không cần phải tự trang bị các công cụ phục vụ cho công việc vì tất cả đều do chủ nhà mua. Còn giáo viên, ngoài giờ dạy trên lớp, về đến nhà họ phải tự bỏ tiền túi để làm đồ dùng dạy học, để trang trí lớp, soạn giáo án… chưa nói đến những việc phải đối phó với kiểm tra, dự giờ đột xuất.

thay giao hoang son doi luc toi so sanh muc luong cua minh voi mot nguoi giup viec nha
Thầy giáo kiêm thợ thiết kế sàn sân khấu bằng sắt cho học sinh. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, giáo viên còn phải đối mặt với bao áp lực từ phía Ban giám hiệu, cha mẹ học sinh. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của giáo viên là có thể bị “búa rìu” của dư luận. Lương giáo viên được tính theo bậc lương và theo các quy định.

Lương hiện nay của tôi sau khi trừ các khoản về BHYT, BHXH, BHTN, tiền công đoàn phí, tiền đóng góp các phong trào… lương thực lĩnh chỉ còn khoảng 5 triệu đồng. Với mức lương này, để lo cho các con, bản thân tôi cũng phải cộng tác giảng dạy tại một trương tư thục để cải thiện các nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Đặc biệt là ở thành phố lớn như hiện nay, giá cả đắt đỏ. Khi còn làm Tổng phụ trách, tôi phải đi cắt chữ về dán băng rôn, khẩu hiệu. Lúc ấy, tôi có dịp “đi học mót” nghề làm quảng cáo ở tiệm. Về nhà, vừa mua sách về tự học vừa làm lại những gì đã “học lỏm” từ người khác.

Nhờ có năng khiếu và biết vi tính nên tôi nhận làm băng rôn, khẩu hiệu cho các trường trong quận. Không chỉ dừng lại ở đó, một số phụ huynh cũng đặt làm các bảng hiệu, pano cho cửa hàng. Vài năm gần đây, nhu cầu làm đồ dùng dạy học, trang trí lớp của nhà trường và giáo viên ngày càng cao, tôi lại nhận làm những đồ dùng cho các giáo viên.

thay giao hoang son doi luc toi so sanh muc luong cua minh voi mot nguoi giup viec nha
Những sản phẩm mà thầy Vũ Hoàng Sơn thiết kế, cắt dựng phục vụ cho các nhà trường. Ảnh: NVCC.

Tôi chủ yếu lấy công làm lãi, giá thành các sản phẩm cũng phù hợp nên có rất nhiều giáo viên đặt hàng để làm. Công việc thiết kế và hoàn thiện sản phẩm chủ yếu cần sự yên tĩnh nên đòi hỏi phải thức đến 1 – 2 giờ sáng để kịp giao hàng cho các giáo viên.

Hiện nay, các trường sử dụng bảng từ có kẻ sẵn ô ly. Theo thời gian, những đường kẻ sẽ bị phai mờ, lớp sơn cũng bị hư. Nếu nhà trường thay bảng mới, chi phí rất cao nên tôi cùng người bạn nhận sơn lại bảng và kẻ ô ly sẽ tiết kiệm hơn.

Dù đã 19 năm gắn bó và gặp nhiều khó khăn, tình yêu nghề giáo vẫn chưa bao giờ tắt trong tôi. Có lẽ, nếu “ngồi một chỗ mà than vắn thở dài” hoặc cứ kể “khổ” thì nhiều người sẽ nêu ý kiến “không đồng ý với mức lương đó thì có thể nghỉ, đi kiếm việc khác”.

Nhưng tôi chỉ mong muốn được “đối xử” công bằng đối với “nghề giáo”. Các ngành nghề khác, sau khi hết giờ làm việc, họ có thể làm thêm ngoài giờ. Còn giáo viên sau giờ dạy, không được phép “làm thêm” mặc dù họ đang làm việc bằng chính mồ hôi và công sức của mình.

thay giao hoang son doi luc toi so sanh muc luong cua minh voi mot nguoi giup viec nha Cô giáo 8X kiêm nghề thợ may, bán hàng online, tiếp thị thịt lợn

Lương 7,2 triệu sau 15 năm đứng lớp, một cô giáo 8X ở Lào Cai đã "bứt phá" thu nhập của mình nhờ bán hàng ...

chọn
Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khởi công đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến đường ven biển vào cuối năm
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến xây dựng đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ QL 56 đến nút giao Vũng Vằn và đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển vào cuối năm nay.