Việc chung sống với nhau như vợ chồng khi không đăng ký kết hôn được pháp luật về hôn nhân gia đình quy định như thế nào?
Độc giả: Nguyễn Thị Phượng
Ảnh minh họa. |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Giải thích cụ thể hơn về việc chung sống như vợ chồng Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC như sau:
Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Như vậy, việc chung sống với nhau như vợ chồng được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm, xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung.
Đối với những người độc thân chung sống với nhau như vợ chồng: trước ngày 03/01/1987, nam nữ sống với nhau như vợ chồng thì vẫn được coi là vợ chồng (hôn nhân thực tế). Sau thời điểm này, việc chung sống với nhau, kể cả có tổ chức đám cưới theo các nghi lễ truyền thống, mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Hậu quả pháp lý của việc chung sống như vợ chồng
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc chung sống với nhau như vợ chồng không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết như sau:
- Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con: Được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
- Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng: Giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Chung sống như vợ chồng trái pháp luật:
Chung sống như vợ chồng trái pháp luật là việc nam nữ chung sống với nhau nhưng không tiến hành đăng kí kết hôn đồng thời việc chung sống này vi phạm quy định cấm của pháp luật. Luật hôn nhân và gia đình 2014 không quy định về chung sống như vợ chồng trái pháp luật, tuy nhiên dựa trên điều luật đó cùng các văn bản hướng dẫn khác có liên quan, ta có thể chia chung sống như vợ chồng trái pháp luật thành các trường hợp.
- Chung sống như vợ chồng khi 1 bên hoặc cả 2 bên dưới tuổi luật định.
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi 1 bên hoặc cả 2 bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 8 của luật này. Mặt khác điểm b khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm hành vi tảo hôn. Do đó có thể khẳng định việc chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định không đăng kí kết hôn là chung sống như vợ chồng trái pháp luật.
- Chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ mà 1 bên hoặc cả 2 bên đã có vợ có chồng.
Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về cấm các hành vi để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình : “người đang có vợ có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”
Vậy hiểu như thế nào là 1 người đang có vợ, có chồng? Trước hết phải khẳng định khi 1 người đang tồn tại 1 quan hệ hôn nhân hợp pháp thì được coi là đang có vợ có chồng.
- Là những trường hợp thuộc điểm d khoản 2 Điều 5.
Điểm d khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định : “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”.
Như vậy nếu thuộc các hành vi quy định trên thì sẽ là các hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật.
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận