Khu nhà xưởng của Công ty CP An Bình đã được xây dựng. (Ảnh: Đ.T)
Ngày 16/11, Sở TN-MT Bình Dương đã có văn bản cung cấp thông tin cho Báo Thanh Niên liên quan đến bài viết "Thêm 2 vụ thâu tóm 'đất vàng' ở Bình Dương".
Theo Sở TN-MT Bình Dương, khu đất mà Báo Thanh Niên phản ánh rộng 42,7 ha, trước đây do Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Sông Bé (nay là Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương, gọi tắt là Tổng công ty Bình Dương) quản lí, tọa lạc tại P.Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một).
Khu đất này hiện do 4 đơn vị đang quản lí, sử dụng, gồm: Công ty TNHH Phát Triển (do bà Nguyễn Thục Anh làm giám đốc. Bà Thục Anh là con gái ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương - PV) trên 8,38 ha; Công ty CP An Bình 15 ha; UBND TP Thủ Dầu Một đang triển khai thi công dự án Trường tiểu học Phú Lợi 2 rộng 0,99 ha và 9,4 ha đã được giao làm tuyến đường Mỹ Phước Tân Vạn; Công ty TNHH MTV quản lí dự án Bình Dương (công ty con của Tổng công ty Bình Dương) quản lí diện tích còn lại (khoảng trên 18,33 ha đất trống).
Sở TN-MT khẳng định trong quá trình giải quyết các thủ tục giao đất và cho thuê đất, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tham mưu, đề xuất theo đúng quy định; đồng thời UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính và Tổng cục Quản lí đất đai đối với các vấn đề có liên quan. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, phê duyệt đơn giá thực hiện nghĩa vụ tài chính và kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Phát Triển và Công ty CP An Bình.
Theo tài liệu Thanh Niên có được, tháng 12/2017, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa đối với Tổng công ty Bình Dương. Tuy nhiên, từ tháng 12.2016, diện tích 15 ha đất trong số42,7 ha đã được "xẻ" cho Công ty CP An Bình (có địa chỉ tại P.An Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương) dưới hình thức thuê đất, thu tiền một lần. Trong khi các thủ tục pháp lí, tài chính liên quan đến diện tích đất này chưa được thực hiện xong, chưa được cấp chủ quyền nhưng vào tháng 7/2018, Sở Xây dựng Bình Dương vẫn cấp phép cho Công ty CP An Bình xây dựng nhà xưởng trên diện tích 6.427 m2. Trong quá trình xây dựng và kể cả cho đến nay, nước thải bên trong nhà xưởng này được cho xả thẳng xuống đường hào quân sự của Sư đoàn 7 và bị người dân phản ứng.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên vì sao các thủ tục pháp lí liên quan đến lô đất chưa hoàn thành nhưng đã được cấp phép xây dựng, một lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Dương chỉ trả lời ngắn gọn: "Để kiểm tra lại".
Đáng chú ý, ngoài diện tích đất xây dựng nhà xưởng, bãi đậu xe container của Công ty CP An Bình, diện tích còn lại giáp với khu công nghiệp Đại Đăng đang được manh nha làm dự án bất động sản. Đối với diện tích 8,38 ha mà Công ty TNHH Phát Triển thâu tóm được xây dựng nhà xưởng và hoạt động từ năm 2003.
Như Thanh Niên đã thông tin, Tổng công ty Bình Dương là công ty nhà nước làm nhiệm vụ kinh tế Đảng, trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương được giao quản lí nhiều khu "đất vàng", trong đó có những khu đất có vị trí chiến lược, có nguồn gốc đất quốc phòng nhưng đã nhập nhèm "xẻ thịt" giao cho công ty gia đình của ông Nguyễn Văn Minh (chủ tịch HĐQT) và công ty tư nhân. Điển hình như vụ giao 8,38 ha đất cho Công ty TNHH Phát Triển nhưng các cơ quan chức năng của Bình Dương không hề có một biện pháp quản lí hữu hiệu nào. Ngay cả việc giao 15 ha đất cho Công ty CP An Bình vào năm 2016 trước khi cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương càng đặt ra sự hoài nghi về việc "chia chác" đất đai nhằm tẩu tán tài sản.