Tại buổi cung cấp thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm 2018 và dự kiến tuyển sinh năm 2019 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức chiều 10/4, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu áp dụng hình thức thi mới (thi tổ hợp) để vào lớp 10 nhưng giáo viên vẫn dùng cách dạy cũ thì có đảm bảo chất lượng. Một số chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phân tích về vấn đề này.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ. |
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: "Trước đây, học sinh coi thường những môn không thi, buộc các thầy cô phải dạy đối phó. Phải quan niệm việc thi hiện nay phải buộc các em phải học.
Đến khi nào chúng ta phát triển đến mức không phải thi mà chỉ cần căn cứ vào bài kiểm tra đánh giá của từng trường như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thì lại là câu chuyện khác.
Việc kiểm tra đánh giá phải đảm bảo các yêu cầu giúp cho học sinh học một cách toàn diện, cách thi cũ khiến cách học phiến diện, học sinh chỉ chăm chăm vào thi môn gì thì học môn ấy. Học để thi chứ không phải để phát triển nhu cầu của bản thân.
Trước đây, chúng ta giảm áp lực cho học sinh nên chỉ tập trung vào Văn, Toán. Hiện tại, Sở GD&ĐT mạnh dạn tổ chức thêm các tổ hợp thi là cách thức rất tốt. Chúng ta chống dạy thêm, học thêm là một quá trình. Đề thi tổ hợp sẽ khó học thêm bởi đề thi có nhiều câu hỏi tư duy. Các em sẽ không thể học thêm bởi lúc đó không ai bày cho các em cách tư duy ra sao".
Cũng theo ông Tùng Lâm, việc thi tổ hợp sẽ giúp học sinh học có kết quả hơn. Đổi mới cách thi sẽ quyết định việc đổi mới cách dạy. Đề thi ra sao, gắn với đời sống như thế nào thì các thầy cô sẽ phải bám vào đó để dạy cho học sinh và có năng lực để đáp ứng với nhu cầu thi. Học sinh cũng cần tự nâng cao ý thức tự giác học thì mới có kết quả tốt.
Ông Nguyễn Thiết Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ. |
Theo ông Nguyễn Thiết Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Hà Nội, hầu như các trường THCS chỉ tập trung cho các em học sinh ở hai môn Văn, Toán. Kết quả xét 4 năm cấp hai đều rất cao, nhất là nếu đăng kí vào các trường tốp đầu.
"Một điều chúng tôi khá trăn trở là khi tiếp nhận học sinh, điểm thi đầu vào rất cao, nhưng khi các em làm bài kiểm tra của các môn không thi, kết quả lại rất thấp. Có những kiến thức rất cơ bản học sinh cũng không nắm được khiến các thầy cô dạy THPT cũng rất vất vả. Do đó, nếu Sở GD&ĐT đã thống nhất để đổi mới thì cần thông báo sớm để có sự chủ động trong tâm thế của cả phụ huynh, học sinh và các trường THCS.
Tôi nghĩ đề thi tổ hợp nào cũng đều có môn Ngoại ngữ thì đảm bảo được yêu cầu tăng cường ngoại ngữ. Với cấu trúc nội dung đề thi như thế này, học sinh sẽ phải học đều các môn. Các em phải tư duy thật nhiều và gắn với thực tiễn cuộc sống. Điều đó sẽ góp phần làm các em không thể học thêm. Từng cấp học phải chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo học sinh của mình để không đổ lỗi cho nhau", vị Hiệu trưởng cho biết.
Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy. Ảnh: Đình Tuệ. |
Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy chia sẻ: Với việc vừa xét tuyển và khảo sát theo tổ hợp cả môn KHTN, KHXH cùng với Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ đối với khối 6 sẽ giúp tránh được nhiều bất cập.
Dẫn chứng là ba năm trước, trường chỉ xét tuyển hồ sơ nhưng lại có quá nhiều hồ sơ giống nhau. Phụ huynh chạy theo thành tích, giải thưởng mà tạo ra áp lực cho học sinh. Qua bài thi tổ hợp cũng sẽ phân loại được học sinh.
"Về tuyển sinh vào lớp 10, thi theo tổ hợp cũng sẽ làm cho cả giáo viên và học sinh không còn tư tưởng 'môn chính, môn phụ'. Các em đều phải tập trung học đều các môn vì kiến thức chỉ nằm trong chương trình lớp 9.
Môn Ngoại ngữ rất quan trọng nên đều xuất hiện trong cả hai bài thi tổ hợp nên học sinh sẽ cần nâng cao ý thức tự giác học. Việc này cũng góp phần tránh hiện tượng học tủ, học lệch", bà Kim Anh nói thêm.
Sở Giáo dục Hà Nội tiết lộ nội dung ra đề thi tổ hợp vào lớp 10
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, để thí sinh làm bài thi tổ hợp bao gồm cả các môn xã hội và tự nhiên ... |