Thị trường BĐS khó khăn vì Covid-19: Lí do giá BĐS không giảm và cơ hội sở hữu căn hộ ở dự án tốt

Thị trường BĐS quí I/2020 ảm đạm vì Covid-19 nhưng giá BĐS không giảm. Theo nhiều chuyên gia BĐS, dịch bệnh chỉ mang tính ngắn hạn, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn

Lí do khiến giá BĐS không giảm

Kết thúc quí I/2020, theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dù thị trường trầm lắng nhưng giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quí IV/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.

CBRE Việt Nam cho hay trong quí I/2020, giá bán trung bình căn hộ tại TP HCM tăng ở tất cả các phân khúc (hạng sang tăng 8% ghi nhận 6.322 USD/m2, cao cấp tăng 6% ghi nhận 2.561 USD, trung cấp tăng 15% lên 1.463 USD, bình dân tăng 9% lên 939 USD).

Thị trường BĐS khó khăn vì Covid-19: Lí do giá BĐS không giảm và cơ hội sở hữu căn hộ ở dự án tốt - Ảnh 1.

Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp ở Hà Nội trong quí I/2020 ghi nhận mức 1.365 USD/m2, tăng 4% theo năm. (Ảnh tư liệu: Minh Anh).

Giá bán sơ cấp trung bình tăng 15% so với cùng kì, điều này phản ánh các dự án mới mở bán có mức giá trung bình cao hơn 10 - 24% so với giá trung bình khu vực lân cận. Những dự án mở bán mới hoặc được chào bán ở giai đoạn sau tiếp tục xu hướng giá tăng.

Còn tại Hà Nội, giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp trong quí I/2020 được ghi nhận ở mức 1.365 USD/m2, tăng 4% theo năm.

Trên thực tế, phân khúc nhà ở luôn có xu hướng tăng giá trong những năm gần đây, đặc biệt là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Môi giới BĐS Việt Nam, ảnh hưởng tích cực từ gói kích cầu của Chính phủ là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thị trường có niềm tin và giá BĐS không giảm.

Ngoài ra, theo ông Đính, còn một nguyên nhân nữa đó chính là khan hiếm nguồn cung.

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giá BĐS vẫn không xuống. Một phần là do thị trường còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là với phân khúc nhà ở nên các nhà đầu tư lớn không muốn bán rẻ. Đặc biệt, các nhà đầu tư cũng nhìn thấy nhu cầu của thị trường còn rất lớn.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra sự khác nhau giữa xu hướng giá BĐS giữa cuộc khủng hoảng lần này và các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Đợt khủng hoảng lần này chịu tác động bởi dịch bệnh chứ không xuất phát từ yếu tố nội tại của thị trường. Dịch bệnh khiến hầu hết các hoạt động trong xã hội dừng lại và nó tác động lên mọi ngành nghề trong xã hội, không riêng gì bất động sản.

Trước đó, theo một khảo sát của Savills, trung bình hàng năm số lượng hộ gia đình mới có nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và TP HCM lần lượt là 81.000 và 63.000. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2019, cả nước chỉ có 186 dự án với 66.155 căn hộ hoàn thành. Đây là biểu hiện rõ nét cho thấy sự lệch pha cung - cầu trên thị trường.

Trong khi đó, mặt bằng chi phí đầu vào của các dự án khu đô thị, chung cư như (giá đất, giá vật liệu xây dựng, giá nhân công,...) đã cố định ở mức cao, cùng với chi phí huy động vốn cao hơn mặt bằng chung thế giới đang khiến giá thành một sản phẩm BĐS bị đội lên. Theo đó, các chủ đầu tư không thể hạ giá bán xuống thấp hơn.

Cơ hội sở hữu BĐS mà trước đó chỉ dám "nhìn"

Nói về cơ hội đầu tư trong thời điểm này, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, trong những giai đoạn thị trường ảm đạm do dịch bệnh như hiện nay, những dự án BĐS tốt vẫn có thể bán ra với một mức giá hợp lí hơn. 

Thị trường BĐS khó khăn vì Covid-19: Lí do giá BĐS không giảm và cơ hội sở hữu căn hộ ở dự án tốt - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển. (Nguồn: VietnamFinance).

Ông Hiển cho hay: "Việc xuống tiền mua BĐS trong lúc này nên là những sản phẩm tốt mà mình đã biết rõ và tìm hiểu từ trước đó nhưng chưa thể mua được". 

TS Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm: "Người có tiền vẫn thích mua thêm bất động sản, vì nó không đơn thuần là mua nhà đất là mua một chỗ ở mà còn là một kênh dự trữ để phòng ngừa các tình huống biến động kinh tế". 

Theo nhiều chuyên gia BĐS khác, đây là thời điểm có cơ hội để mua với mức giá phải chăng khi các sản phẩm BĐS đều được rao bán kèm nhiều ưu đãi mà trước đó ít có.

Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, khủng hoảng do dịch bệnh chỉ mang tính ngắn hạn. Do đó, thị trường sẽ không xuất hiện làn sóng tháo chạy hay đóng băng như thời kì 2008 – 2009 và người mua nhà sẽ không bị lỗ khi bán.

Ông Thịnh cho hay: "Thị trường BĐS sau dịch có thể sẽ không bứt phá nhưng sẽ có sự tăng trưởng ở một mức độ nhất định so với trước đây. Trong đó, phân phúc BĐS nhà ở bình dân và trung cấp vẫn được nhiều người quan tâm. Ngoài ra, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và BĐS công nghiệp cũng là hai phân khúc sẽ bật dậy mạnh sau dịch".

Nhận định về thị trường BĐS trong quí II/2020, theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TP HCM vẫn tiếp tục có giao dịch, phần lớn diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.

Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương. 

"Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng chút ít vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư", Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay.

chọn
[Photostory] Dự án vừa khởi công của MIK Group ở khu tây Hà Nội
The Solar Park - giai đoạn 2 của Imperial Smart City do MIK Group làm chủ đầu tư có quy mô hơn 2 ha. Tại đây sẽ xây dựng 5 toà tháp căn hộ cao 35 tầng.