Thị trường văn phòng Hà Nội: Động lực từ nhóm F.I.R.E, tương lai thuộc về Fintech

Theo Savills, sự nổi lên của Fintech (công nghệ tài chính) sẽ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tài chính, qua đó, kéo theo nguồn cầu văn phòng cho thuê to lớn tại Hà Nội.

Savills vừa phát hành báo cáo về thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội 6 tháng năm 2019. Theo báo cáo này, tổng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội đạt 1,8 triệu m2, tăng 2% so với quí trước và 9% so với năm trước. Giá thuê trung bình đạt 20 USD/m2/tháng, tăng 1% so với quí trước và 3% so với năm trước. Công suất cho thuê đạt 92%, tăng 1% theo quí và ổn định theo năm.

Văn phòng cao cấp là điểm nhấn trong báo cáo của Savills. Công ty này cho biết tại TP. HCM, văn phòng cao cấp có mức giá thuê là 120 USD/m2/tháng, công suất đạt trên 60%. Tại Hà Nội, mức giá và công suất lần lượt là 110 USD/m2/tháng và trên 40%.

Đánh giá riêng về thị trường văn phòng cao cấp Hà Nội, Savills cho hay nguồn cung văn phòng hạng A không có nhiều. Các tòa nhà hạng A hiện tại trong khu vực trung tâm đều đã cũ và thiếu các tiện ích hiện đại. Tuy nhiên vì nguồn cầu từ khách nước ngoài rất lớn, nên văn phòng hạng A dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Đối với văn phòng hạng B, Savills cho biết nguồn cầu sẽ duy trì ở mức cao do mức giá thuê phải chăng hơn và chất lượng văn phòng ở mức hợp lý so với giá thuê.

“Khu vực trung tâm tiếp tục duy trì tình trạng thiếu hụt diện tích cho thuê và nguồn cung tương lai. Khách thuê đang có xu hướng di chuyển từ khu vực trung tâm cũ (Hoàn Kiếm) đến các khu vực kinh tế mới – nội thành và phía Tây. Chủ đầu tư tiếp tục giữ lợi thế thương lượng. Đa số các khách thuê ký hợp động 3 năm và sẽ sớm hết thời hạn thuê. Khi đó, khách thuê muốn gia hạn hợp đồng sẽ phải chấp nhận việc tăng giá và hạn chế về quyền thỏa thuận các điều khoản thuê”, báo cáo của Savills viết về xu hướng thị trường.

Fintech sẽ tạo ra nguồn cầu văn phòng lớn

Cơ cấu khách thuê văn phòng tại Hà Nội năm 2019 vẫn ghi nhận vị trí quan trọng của nhóm ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản (F.I.R.E).

Các doanh nghiệp F.I.R.E tại thị trường Hà Nội đang đứng đầu về lượng tiêu thụ so với các ngành khác, chiếm tỉ trọng chính (29%) trong tổng diện tích cho thuê của các tòa nhà văn phòng hạng A và hạng B.

Bên cạnh đó, Fintech (công nghệ tài chính) nổi lên như một ngành kinh tế mới nhưng đầy triển vọng, thúc đẩy bởi tỉ lệ thâm nhập ngành ngân hàng hiện vẫn còn khá thấp tại Việt Nam (59%) so với Thái Lan (86%). Các doanh nghiệp tài chính – ngân hàng do đó được kì vọng sẽ còn có nhiều bước phát triển, kéo theo nguồn cầu văn phòng cho thuê to lớn.

Ngoài ra, công nghệ thông tin và truyền thông cũng đang phát triển rất nhanh chóng, đứng thứ ba về diện tích cho thuê, hiện đang chiếm tỉ trọng 18%, tăng 2 điểm phần trăm so với 2017 và sẽ tiếp tục cần nhiều diện tích văn phòng trong tương lai.

Theo Savills, từ năm 2017 đến nay, tỉ lệ giữa khách thuê Việt Nam và nước ngoài ở phân khúc văn phòng hạng A và hạng B không thay đổi nhiều, lần lượt chiếm 43% và 57%. Tuy nhiên, khách thuê nước ngoài có xu hướng ưa chuộng những không gian cao cấp với giá thuê cao hơn. Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, 68% diện tích thuê tại các tòa hạng A là của khách thuê nước ngoài.

Về không gian làm việc chung (co-working space), Savills cho biết loại hình văn phòng này đang ngày càng phổ biến với giới doanh nghiệp. Nhờ vào tính linh hoạt trong các điều khoản và dịch vụ thuê, co-working space đã thu hút rất nhiều khách thuê trong cộng đồng khởi nghiệp và hiện đang tiếp tục mở rộng đối tượng khách thuê là các doanh nghiệp đang tìm kiếm văn phòng với các giải pháp thuê đa dạng.

Tại Hà Nội, co-working space đang ngày càng phổ biến với nhiều thương hiệu khác nhau như Regus, Up, Toong, Cogo, Tiktak, CEO Suite, Dreamplex và WeWork.

Trong vòng 12 tháng gần đây, Up mở thêm 4 địa điểm mới với tổng qui mô khoảng 15.500 m2 , Toong mở mới 3 địa điểm với qui mô khoảng 7.000 m2 .

Trong vòng 24 tháng trở lại đây, Cogo cũng mở mới 5 điểm với tổng diện tích khoảng 11.500 m2 .

Câu chuyện của Wework càng thú vị hơn khi CEO của công ty mẹ vừa rời vị trí điều hành, hoãn IPO và bị định giá lại. Sự đổi mới trong ngành bất động sản tiếp diễn khi công nghệ bất động sản (Proptech) thu hút được nguồn vốn lớn lên tới 1 tỉ USD/tháng trên toàn cầu…

Tag:
chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.